TP.HCM đủ vaccine bạch hầu để tiêm cho người dân có nhu cầu
VOV.VN - Với những diễn biến có phần phức tạp và nguy hiểm của bệnh bạch hầu khiến người dân lo lắng, ngành y tế TP.HCM cũng đã triển khai nhiều biện pháp để đảm bảm an toàn sức khoẻ cộng đồng.
Chia sẻ với PV VOV Giao thông, ThS. BS. Đinh Thị Hải Yến - Trưởng khoa Truyền thông sức khoẻ cộng đồng trung tâm kiểm soát dịch bệnh TP.HCM khẳng định, thành phố có đủ vaccine phục vụ người dân có nhu cầu. Đồng thời bác sỹ cũng cung cấp thêm một số thông tin về bệnh bạch hầu và biện pháp phòng tránh lây nhiễm.
PV: Bác sĩ đánh giá như thế nào về nguy cơ lan truyền bệnh bạch hầu đối với TP.HCM?
Bác sĩ Đinh Thị Hải Yến: Theo thông tin từ Bộ Y tế, thời gian gần đây đã ghi nhận một số ca bệnh bạch hầu xuất hiện tại một số tỉnh phía Bắc, thậm chí có trường hợp tử vong.
Riêng tại TP.HCM, ca bệnh bạch hầu gần nhất được ghi nhận từ năm 2020, đó là ca bệnh từ tỉnh khác đến TP.HCM sinh sống và học tập.
HCDC cho rằng, nguy cơ lan truyền bệnh bạch hầu đến TP.HCM là có vì đây là đầu mối giao thông đông đúc, thường xuyên đón du khách, lao động từ các tỉnh thành khác đến. Tuy nhiên theo chúng tôi, việc có lây lan đến TPHCM hay không phụ thuộc rất nhiều vào vấn đề miễn dịch cộng đồng đối với bệnh bạch hầu.
PV: Bác sĩ có thể cho biết đâu là dấu hiệu/triệu chứng nhận biết về bệnh bạch hầu? Mức độ nguy hiểm của bệnh này ra sao đối với cộng đồng?
Bác sĩ Đinh Thị Hải Yến: Dấu hiệu có thể nhận biết đối với bệnh nhân mắc bạch hầu ban đầu thường có dấu hiệu bị sốt, đau họng, khó chịu, mệt, ăn kém, sổ mũi, 1 hoặc 2 bên có thể có máu.
Sau khi có các dấu hiệu này thì 2 - 3 ngày sau sẽ xuất hiện những giả mạc ở vùng amidan, họng, mũi, đây là dấu hiệu đặc trưng của bệnh bạch hầu. Khi phát hiện các dấu hiệu trên, người dân cần đi khám để được bác sĩ chẩn đoán đúng bệnh bạch hầu hay bệnh khác.
Bệnh bạch hầu nguy hiểm vì 2 lý do, thứ nhất là bệnh dễ lây lan qua đường hô hấp, đầu tiên là tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết đường hô hấp của người bệnh hoặc là người không có bệnh nhưng mang vi trùng trong cơ thể; ngoài ra, có thể mắc bệnh khi tiếp xúc gián tiếp qua các đồ vật, bề mặt nhiễm vi trùng bạch hầu.
Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bạch hầu, bệnh thường hay xảy ra ở trẻ dưới 15 tuổi. Bệnh có thể dẫn đến nguy cơ biến chứng là viêm cơ tim, nhiễm độc thần kinh do độc tố của vi khuẩn, tỷ lệ tử vong của bệnh này vào khoảng 5-10%.
PV: Trước nguy cơ dịch bệnh bạch hầu, người dân cần phải chủ động phòng tránh ra sao để đảm bảo an toàn sức khỏe cho mình và cho người thân cũng như cộng đồng?
Bác sĩ Đinh Thị Hải Yến: Biện pháp phòng, chống quan trọng nhất là tiêm chủng các vaccine có thành phần bệnh bạch hầu, đây chính là biện pháp quan trọng hiệu quả nhất trong phòng ngừa theo khuyến cáo của Bộ y tế.
Trong chương trình tiêm chủng quốc gia miễn phí cho trẻ nhỏ thì trẻ sẽ được tiêm 3 mũi cơ bản vào 2-3-4 tháng tuổi và nhắc lại khi 18 tháng tuổi. Đối với trẻ lớn hơn hoặc người lớn mà không rõ đã tiêm chủng hay chưa thì nên đến các cơ sở tiêm chủng để được tư vấn lịch tiêm phù hợp.
Bên cạnh vaccine thì có nhiều biện pháp phòng ngừa chung như rửa tay, với nơi tập trung đông người như nhà trọ, nhà trẻ, lớp học, cần vệ sinh thông thoáng sạch sẽ đủ ánh sáng để làm giảm khả năng nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Người dân cần đặc biệt lưu ý khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ thì phải thông báo ngay cho cơ sở y tế để được cách ly, khám, xét nghiệm và điều trị kịp thời.
PV: Dự báo sẽ có nhiều nguời dân đi tiêm vaccine bạch hầu những ngày tới, vậy TP.HCM chuẩn bị nguồn vaccine ra sao?
Bác sĩ Đinh Thị Hải Yến: Vaccine dành cho trẻ nhỏ trong chương trình tiêm chủng mở rộng luôn được đảm bảo. Còn với người lớn hơn không nằm trong diện tiêm chủng mở rộng thì sẽ tiêm tại các cơ sở tiêm dịch vụ.
PV: Xin cám ơn bác sĩ!