TPHCM họp khẩn bàn cách ứng phó lây lan dịch bệnh Corona
VOV.VN - Các trường hợp nặng và tử vong ở Trung Quốc do virus Corona gây nên, chủ yếu là trên bệnh nhân có bệnh nền, bệnh mãn tính.
Sáng 24/1, cuộc họp khẩn thông tin về công tác phòng chống dịch bệnh do virus Corona gây bệnh viêm phổi cấp (nCoV) đã diễn ra tại Sở Y tế TP.HCM trong thời điểm chỉ còn ít giờ nữa là đến giao thừa Tết Canh Tý 2020. Cuộc họp với sự tham dự của ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP, đại diện Viện Pasteur TP.HCM, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP cùng các đại diện trung tâm y tế các quận, huyện trên địa bàn.
Hệ thống trực máy kiểm tra thân nhiệt tại ga quốc tế đến ở Tân Sơn Nhất 24/24h. |
Tại cuộc họp, đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy đã cung cấp thông tin được rất nhiều người quan tâm, đó là tình hình sức khoẻ của hai cha con người Trung Quốc được xác định dương tính với virus Corona đang được cách ly điều trị tại đây.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang, khoa Bệnh Nhiệt đới, BV Chợ Rẫy cho biết: sau gần 2 ngày điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế, hiện sức khoẻ người con trai tên Li Zichao 28 tuổi đã ổn định hoàn toàn. Còn người cha tên Li Ding 66 tuổi đã hết sốt, tự ăn uống và đi lại được. Hiện cả hai vẫn đang được theo dõi chặt chẽ tại khu cách ly. Đây là 2 ca nhiễm virus corona đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam.
"Đối với các bệnh nhân đến từ vùng dịch tễ, thì khi đến khám thì qua thăm khám hỏi bệnh, các bác sĩ cấp cứu đã rất cẩn thận, đưa bệnh nhân vào khu vực cách ly sớm, sau đó triển khai hệ thống cách ly bệnh và phòng hộ. Rồi chuyển bệnh nhân trực tiếp đến khoa Bệnh Nhiệt đới để đảm bảo cách ly tuyệt đối 2 vòng", Bác sĩ Sang cho biết.
Thông tin từ Viện Pasteur TPHCM cho biết bệnh nhân Li Zhao 28 tuổi, sống ở Long An đã lâu, không bay qua vùng có dịch. Chỉ đến khi Li Zhao tiếp xúc với cha mới bị nhiễm bệnh, từ đó nhận định virus Corona mới này lây từ người sang người. Tuy nhiên, cũng không nên lo lắng vì người vợ của ông Li Zing đi cùng chồng nhưng đến thời điểm hiện tại chưa có dấu hiệu bệnh.
Khu vực cách ly ở Bệnh viện Chợ Rẫy. |
Bên cạnh đó, gia đình ông Li Zing di chuyển từ Nha Trang về TPHCM bằng tàu lửa nhưng ngồi riêng ở một khoang lạnh. Tiến sĩ Bác sĩ Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM lưu ý, các trường hợp nặng và tử vong ở Trung Quốc do bệnh nCoV chủ yếu là trên bệnh nhân có bệnh nền, bệnh mãn tính. Vì vậy các cơ sở y tế và người dân cần lưu ý đối với người bệnh mãn tính, người có bệnh nền.
"Viện Pasteur cũng đang tiếp tục chỉ đạo, chúng tôi mới thành lập 6 đội cơ động để trực dịch trong những ngày Tết để sẵn sàng tiếp đón, hỗ trợ cho các địa phương 20 tỉnh thành khu vực phía Nam trong công tác giám sát, theo dõi chặt các chỉ đạo các trường hợp gần với các bệnh nhân cũng như hỗ trợ về mặt kỹ thuật", bác sĩ Nguyễn Vũ Thượng nói.
Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TPHCM mong muốn Sở Y tế cùng các đơn vị chức năng tiếp tục chủ động trong công tác phòng chống dịch khi Bộ Y tế và Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo bằng văn bản cụ thể. Đặc biệt, trong những ngày Tết này, sau khi thông tin có 2 ca bệnh là người đến từ Vũ Hán, Trung Quốc nhập viện tại BV Chợ Rẫy mà trước đó đã ở Hà Nội, Nha Trang, Long An và về TPHCM nên người dân khá hoang mang, lo lắng.
Vì vậy Sở Y tế cần phối hợp với Sở Thông tin và truyền thông TP, kịp thời thông tin cho báo chí, tuyên truyền cho người dân không bị tâm lý lo lắng mà vẫn không chủ quan lơ là phòng chống. Ông Liêm cũng mong muốn các bác sĩ tăng cường trực trong những ngày Tết, nhằm phản ứng nhanh nhất đối với các ca bệnh nghi ngờ có những dấu hiệu của bệnh viêm phổi cấp do chủng virus mới Corona.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hữu Hưng – Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết: Sở Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất trong việc giám sát các hành khách bay đến từ vùng dịch. Cảng hàng không Tân Sơn Nhất cũng đã sắp xếp khu vực di chuyển riêng cho các khách từ Vũ Hán (Trung Quốc). Các bệnh viện được chỉ định tiếp nhận các bệnh nhân như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, 3 bệnh viện nhi trong tình huống sẵn sàng với mọi phương án tiếp nhận bệnh nhân.
Cơ quan chức năng khuyên người dân nên thực hiện những cách phòng bệnh viêm phổi cấp. Cụ thể: mở cửa nhà để giúp không khi trong nhà thông thoáng và để cho ánh nắng vào nhà. Người ở trong miền Nam không nên nằm điều hòa quá lạnh, nhiệt độ phòng nên để trên 25 độ. Đối với miền Bắc khi có điều kiện cần phải mở cửa để thoáng nhà. Rửa tay thường xuyên với xà phòng dưới vòi nước trong ít nhất 20 giây.
Dùng khăn giấy che miệng mũi khi ho hoặc hắt hơi, sau đó vứt giấy vào thùng rác; Hạn chế chạm vào mắt, mũi, miệng khi tay bẩn. Không tiếp xúc và không dùng chung đồ dùng với người có triệu chứng của bệnh cảm như sốt, ho, sổ mũi, hoặc đau nhức. Không ra đường khi bạn có dấu hiệu của bệnh cảm; Đeo khẩu trang 3 lớp khi đi ra ngoài…./. Xác minh những người đã tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm virus Corona