TP.HCM thiếu thuốc phóng xạ cho máy chụp PET/CT
VOV.VN - Thiếu phóng xạ khiến máy chụp PET/CT hoạt động cầm chừng, người bệnh phải chờ đợi nhiều ngày mới đến lượt chụp hoặc phải tìm phương án ra nước ngoài.
TS.BS Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho biết, thời gian qua, bệnh nhân tại đây phải chờ đợi kéo dài trung bình 10 ngày để được chụp PET/CT.
PET/CT là phương tiện ghi hình chẩn đoán không xâm nhập, có nhiều ưu điểm vượt trội hơn các phương tiện hình khác trong phân loại giai đoạn ung thư, đánh giá đáp ứng điều trị và theo dõi tái phát.
Bệnh viện Ung bướu TP.HCM được trang bị 2 máy PET/CT, công suất ghi hình 30 ca/máy. Với 2 máy tại 2 cơ sở, bệnh viện có thể nâng công suất đáp ứng tối đa lên 50- 60 ca/ngày nếu đủ thuốc phóng xạ.
Tuy nhiên, nơi này phải mua dược chất phóng xạ 18F-FDG từ đơn vị sản xuất hoặc nhận chuyển nhượng từ Bệnh viện Chợ Rẫy. Trong khi nguồn cung từ Chợ Rẫy chỉ đáp ứng chụp khoảng 7-9 ca/ngày, tức là chưa đến 1/3 nhu cầu hiện tại của Bệnh viện Ung bướu.
Có trường hợp bác sĩ buộc phải chỉ định cận lâm sàng khác thay thế. Nhưng với nhiều người bệnh, thay thế này không thể đánh giá một cách toàn diện, đầy đủ và sớm những thay đổi sau điều trị.
Tại Bệnh viện Quân y 175 cũng xảy ra tình trạng nêu trên. Bệnh nhân phải đợi từ 4- 5 ngày mới được chụp PET/CT.
TP.HCM hiện chỉ có một lò cyclotron để sản xuất thuốc phóng xạ chẩn đoán ung thư dùng cho máy chụp PET/CT, đặt tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Hệ thống lò này đã sử dụng 15 năm nay nên cũ, năng suất không cao. Trong trường hợp máy hư hỏng phải chờ sửa chữa, bảo trì và cần có thời gian để mua linh kiện thay thế từ nước ngoài thì bệnh viện, bệnh nhân buộc phải đợi.
Trước thực trạng này, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho hay, hiện nay tại TP có dây chuyền sản xuất thuốc phóng xạ của Công ty cổ phần Y học Rạng Đông (chi nhánh TP.HCM) nhưng do một số nguyên nhân khách quan nên chưa thể đưa vào hoạt động và cung ứng ra thị trường.
“Sở Y tế đã kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ phối hợp thực hiện các thủ tục pháp lý để đưa nhà máy của công ty Rạng Đông đi vào hoạt động. Về lâu dài, giải pháp căn cơ là Thành phố cần được trang bị thêm các lò cyclotron để đủ khả năng cung ứng thuốc phóng xạ cho các cơ sở y tế chuyên ngành”.- ông Nam nói.