TP.HCM: Vẫn còn 9 đểm đen TNGT, xoá cách nào?
VOV.VN - Theo số liệu từ Công an TP.HCM, 06 tháng đầu năm 2024 trên toàn địa bàn thành phố đã xảy ra 692 vụ tai nạn giao thông, làm chết 182 người, 466 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2023 giảm 102 người chết (-35,92%), tăng 15 vụ (+2,22%), tăng 80 người bị thương (+20,73%).
Tuy trong 6 tháng đầu năm nay trên địa bàn thành phố không phát sinh thêm điểm đen giao thông mới nhưng vẫn còn 9 điểm đen TNGT.
Từ số liệu thực tế này, lực lượng chức năng có những giải pháp cụ thể như thế nào trong 6 tháng cuối năm, đặc biệt là nhiệm vụ xóa điểm đen TNGT, PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi nhanh với Thượng tá Nguyễn Văn Bình - Phó trưởng Phòng CSGT Công an TP.HCM.
PV: Thưa Thượng tá, hiện nay, trên địa bàn thành phố vẫn còn tồn tại nhiều điểm đen về TNGT. Vậy, lực lượng chức năng đã có những phương án kiểm soát như thế nào?
Thượng tá Nguyễn Văn Bình: Trên cơ sở việc công bố các điểm đen trên địa bàn thành phố, Phòng Cảnh sát Giao thông chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, kể cả Công an quận, huyện và thành phố Thủ Đức, xây dựng kế hoạch bố trí lực lượng tại các điểm đen trong công tác tuần tra kiểm soát cũng như xử lý vi phạm.
Công tác tuyên truyền tập trung vào các giải pháp, kể cả là giải pháp về công trình, để cho tất cả các lực lượng theo dõi, xử lý cũng như là công tác tuyên truyền và công tác đảm bảo trật tự giao thông.
Ngoài ra, còn nâng cấp, sửa chữa các hạ tầng giao thông tại khu vực điểm đen nhằm mục đích kéo giảm tai nạn giao thông trên toàn thành phố và hạn chế thấp nhất việc phát sinh các điểm đen mới trên địa bàn thành phố.
PV: Tại khu vực các điểm đen này, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao. Thượng tá có những lời khuyên hay khuyến cáo nào cho người tham gia giao thông mỗi khi đi qua những khu vực này?
Thượng tá Nguyễn Văn Bình: Khuyến cáo của lực lượng Cảnh sát giao thông Công an Thành phố hiện nay tại các điểm đen có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao, người tham gia giao thông trên thành phố khi đi qua các vị trí này cần lưu ý việc chấp hành pháp luật giao thông.
Ngoài ra, người dân có thể kiến nghị về cách tổ chức giao thông tại khu vực này và cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng.
Trên cơ sở đó, lực lượng chức năng sẽ có các giải pháp để xử lý tại các vị trí này, cũng như làm sao để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, nhằm để kéo giảm tình hình tai nạn giao thông trên toàn địa bàn thành phố, cũng như tại các điểm đen.
PV: Khu vực vòng xoay Mỹ Thủy trên địa bàn TP. Thủ Đức là điểm đen TNGT nhiều năm rồi. Thượng tá có thể nói rõ hơn về công tác tổ chức giao thông tại khu vực này được triển khai như thế nào?
Thượng tá Nguyễn Văn Bình: Tại khu vực Vòng Xoay Mỹ Thủy, qua theo dõi về tổ chức giao thông cũng như tai nạn giao thông nhiều năm liền ở khu vực này, chúng tôi đã phối hợp với Sở Giao thông Vận tải để tổ chức phân luồng, tách dòng giữa xe ô tô, xe container và xe hai bánh gắn máy đi riêng biệt và đi theo chu kỳ đèn tín hiệu giao thông. Mục tiêu là để hạn chế tai nạn giao thông liên quan tới điểm mù của các loại phương tiện giao thông lớn, đặc biệt là xe container.
Như vậy, các phương tiện xe lớn như container sẽ đi trước, sau khi đèn tín hiệu chuyển sang, các phương tiện xe hai bánh mới được lưu thông. Hiện nay, giải pháp này đang mang lại hiệu quả rất cao và chúng tôi đang chuẩn bị đề xuất xóa điểm đen tại khu vực vòng xoay Mỹ Thủy này.
PV: Trong các điểm đen TNGT, nút giao An Phú cũng là khu vực có tình hình giao thông phức tạp, nhất là vào những giờ cao điểm, ngày cuối tuần, lễ Tết. Lực lượng chức năng đã phối hợp điều tiết giao thông như thế nào tại khu vực này?
Thượng tá Nguyễn Văn Bình: Về nút giao An Phú, trên cơ sở nắm bắt tình hình cũng như phối hợp giữa đội Cảnh sát Giao thông Cát Lái của phòng và đơn vị của Cục C08, chúng tôi đã có phương án bố trí lực lượng chi tiết, điều hòa, phân luồng và hướng dẫn về vấn đề lưu thông trên khu vực nút giao này.
Điều này giúp người dân có thể tham khảo để chọn lộ trình phù hợp trong những giờ cao điểm và các kỳ nghỉ lễ, nhằm hạn chế ùn tắc thấp nhất tại khu vực nút giao An Phú này.
PV: Xin cảm ơn Thượng tá.
Theo ngành chức năng của TP.HCM, tiêu chí xác định một điểm đen TNGT là tình hình tai nạn giao thông xảy ra tại điểm đó trong 12 tháng thuộc một trong các trường hợp sau: tại khu vực điểm đó xảy ra 2 vụ tai nạn có người chết; xảy ra 3 vụ tai nạn trở lên, trong đó có 1 vụ có người chết; xảy ra 4 vụ tai nạn trở lên nhưng chỉ có người bị thương.
Như vậy, qua theo dõi, một trong những điểm đen có chuyển biến tích cực đó là khu vực vòng xoay Mỹ Thủy, TP. Thủ Đức hiện đã được các ngành chức năng đề nghị xóa bỏ trong thời gian tới. Những khu vực điểm đen còn lại, Sở GTVT TP.HCM cũng đã chỉ đạo Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị tăng cường theo dõi tình hình giao thông qua hệ thống camera giám sát, từ đó cung cấp thông tin kịp thời cho lực lượng chức năng, cũng thường xuyên cung cấp hình ảnh, video các trường hợp vi phạm để các đơn vị có chức năng xử lý.