TP.HCM xem xét cho xe khách liên tỉnh hoạt động, Đồng Nai bỏ giấy đi đường
VOV.VN - TP.HCM sẽ cho xe khách liên tỉnh hoạt động trở lại một số tuyến nhưng còn tùy thuộc vào các địa phương khác. Đồng Nai bỏ giấy đi đường từ 9/10.
Tối 8/10, tại Chương trình "Dân hỏi - Thành phố trả lời" với chủ đề “Khôi phục kinh tế trong điều kiện bình thường mới”, nhiều hộ kinh doanh và doanh nghiệp cho biết sau thời gian giãn cách do dịch bệnh, họ đã kiệt quệ. Điều họ mong muốn là thành phố có chính sách hỗ trợ để vượt qua khó khăn.
Bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, hiện nay ngoài chính sách chung của Chính phủ về giãn, hoãn thời gian nộp thuế, UBND thành phố chỉ đạo cho Cục Thuế TP.HCM nhanh chóng hoàn ngay các loại thuế cho doanh nghiệp, thay vì phải đợi đến cuối năm.
Ngoài việc các ngân hàng thực hiện Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước về giãn, hoãn thời gian trả nợ, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, thành phố đã yêu cầu các phường, xã, hiệp hội doanh nghiệp thống kê nhu cầu vay vốn của hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa để kết nối với ngân hàng hỗ trợ nguồn vốn vay.
Về lo lắng của doanh nghiệp vận tải liên tỉnh, bà Phan Thị Thắng cho biết, thành phố đã làm việc với các tỉnh trong khu vực để mở lại các tuyến xe khách liên tỉnh. Dự kiến từ ngày 1/11, TP.HCM sẽ cho xe khách liên tỉnh hoạt động trở lại một số tuyến, việc này còn tùy thuộc vào một số địa phương khác.
Một số doanh nghiệp vận tải cũng nêu khó khăn khi hiện nay, các trung tâm đăng kiểm quá tải, có nơi có đến 29.000 xe đăng ký, trong khi đến ngày 10/10, cảnh sát giao thông sẽ xử phạt các xe quá hạn đăng kiểm. Tuy nhiên, bà Thắng cho biết, UBND thành phố đã có văn bản yêu cầu cơ quan chức năng dời thời hạn này đến ngày 30/10, trước mắt chưa xử phạt.
Về du lịch, trong tháng 10, thành phố sẽ tổ chức kết nối lại các tuyến du lịch. Cụ thể, thành phố tổ chức lại hoạt động này ở Cần Giờ, Củ Chi và mở rộng tuyến đường sông. Bà Thắng cũng cho biết, thành phố đã trao đổi với Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang qua điện thoại và nhận được sự đồng ý về việc nhận khách từ TP.HCM. Theo đó, khách tiêm đủ 2 mũi vaccine, có kết quả xét nghiệm âm tính sẽ được đi thẳng đến Hà Giang. Ngoài ra, một số miền Tây Nam Bộ, Tây Nguyên cũng chuẩn bị đón khách từ TP.HCM. Dự kiến, nếu điều kiện thuận lợi, thành phố sẽ xin đón khách quốc tế từ năm 2022.
“Trong thời gian từ nay đến cuối năm, thành phố đang tính toán chuyện đưa khách đi. Còn nội bộ thì tập trung vào những vùng như Cần Giờ, Củ Chi và một số nơi khác như Quận 5. Sắp tới sẽ có những chương trình khôi phục du lịch theo từng bước” - bà Phan Thị Thắng cho biết.
Cũng trong tối nay, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Chỉ thị 19 về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Kể từ 0h ngày 9/10/2021, UBND tỉnh Đồng Nai bỏ các loại giấy đi đường, bỏ hạn chế lưu thông từ 18h đến 6h sáng hôm sau; bỏ các chốt kiểm soát tại các vùng xanh, vùng vàng, vùng cam.
Khi tham gia lưu thông, người dân sử dụng mã QR trên ứng dụng PC-COVID hoặc xuất trình giấy xác nhận đã tiêm vaccine, giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19.
Tỉnh Đồng Nai bỏ các chốt kiểm soát phòng, chống dịch, chuyển qua hoạt động các tổ tuần tra kiểm soát trên từng địa bàn. Các chốt kiểm soát giáp ranh TP.HCM và các tỉnh lân cận, các chốt khu vực phong tỏa hẹp vẫn duy trì.
Một số hoạt động được phép mở lại kèm theo điều kiện riêng gồm: hoạt động thể dục, thể thao (chưa cho phép thể thao dưới nước). Thể thao trong nhà không tập trung quá 10 người, giữ khoảng cách 2m, ngoài trời tập trung dưới 15 người.
Cơ sở cắt tóc, gội đầu được hoạt động tối đa 50% công suất và không quá 10 người tại cùng một thời điểm. Tổ chức đám tang, đám cưới không quá 30 người. Các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự tập trung tối đa 10 người.
Tỉnh Đồng Nai cũng cho phép mở lại trung tâm thương mại, siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa, chợ đầu mối, chợ truyền thống. Cơ sở kinh doanh ăn uống chỉ bán mang đi.
Ngoài ra, các cơ sở khám, chữa bệnh (trừ phẫu thuật thẩm mỹ), dịch vụ sửa chữa, bảo trì các loại xe, máy móc, thiết bị dân dụng…và một số lĩnh vực khác cũng được hoạt động trở lại. Hoạt động giáo dục, đào tạo tiếp tục theo hình thức gián tiếp trên truyền hình và internet./.