Trả nghĩa ân tình

Một phụ nữ đã bỏ ra cả tỷ bạc để xây dựng Trung tâm dưỡng lão và dạy nghề cho trẻ em khuyết tật ở huyện miền núi Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam. Chị là Trịnh Thị Lời, nguyên giáo viên ở thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình

Đi tìm hơi ấm...
Huyện miền núi Hiệp Đức cách thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam 80 km. Đây là địa phương còn nhiều khó khăn và có rất nhiều người già neo đơn, không nơi nương tựa do hậu quả của chiến tranh. Những năm qua, chính quyền địa phương đã rất cố gắng để xây dựng nhà tình thương cho đối tượng này nhưng mới chỉ lo được một phần rất nhỏ... Chính vì vậy, khi chị Trịnh Thị Lời, dù không phải là người trong huyện, có nhã ý xin đầu tư xây dựng nhà dưỡng lão, lãnh đạo huyện đã ủng hộ và tạo mọi điều kiện như cấp đất, đền bù giải toả để chị Lời xây dựng khu dưỡng lão này.

Từ thửa đất đồi hoang sơ rộng hơn 5.000m2, sau 2 năm thi công với bao khó khăn vất vả, tháng 6/2008, Trung tâm dưỡng lão và dạy nghề cho người tàn tật Hiệp Đức đã ra đời. Khu nhà được xây dựng khang trang trên một ngọn đồi thấp, gần đường quốc lộ, cách trung tâm huyện lỵ không xa nên rất thuật tiện cho việc sinh hoạt, đi lại của người già và người tàn tật.

Chị Lời cho biết, nguyên khiến chị bỏ ra cả tỷ bạc để đầu tư xây dựng trung tâm rồi đón các ông lão, bà lão cô đơn, không nơi nương tựa về chăm sóc là bởi chị mồ côi mẹ từ nhỏ, 5 tuổi đã phải sống cùng gia đình khác. Dù được yêu thương, được những người tốt cho áo quần, đồng quà tấm bánh... nhưng chị luôn khát khao được gọi một tiếng “Mẹ”, khát khao một vòng tay, một mái ấm... Khi có gia đình, chị Lời cùng chồng chăm chỉ làm ăn, tích cóp. Ngoài 3 người con đẻ, chị Lời còn nhận 2 trẻ mồ côi làm con nuôi. Giờ các cháu đã trưởng thành, được mẹ Lời dựng vợ gả chồng. Và khi có một lưng vốn kha khá, chị bàn với chồng là anh Nguyễn Đình Tùng bán đất, bán nhà để đầu tư xây dựng nhà dưỡng lão. “Tôi muốn trả ân nghĩa cho những nghĩa tình tôi đã nhận được từ tấm bé, và rất may là chồng con tôi đều ủng hộ tôi làm việc này”, chị nói.

Hơn cả ước mong
Để đón được 15 cụ về chăm sóc tại trung tâm, với chị cũng là một kỳ tích. Chị Lời đã cùng chồng đến tận các xã, các bản xa xôi để tìm hiểu gia cảnh từng người già neo đơn, rồi vận động các cụ về ở với mình. Người đầu tiên được đón về nhà dưỡng lão là ông Huỳnh Văn Liên ở thị trấn Tân An. Đó là một người không vợ, không con, không cha mẹ, không nhà cửa. Ông Liên trước là giáo viên, sau nghỉ dạy về sống cô quạnh một mình trong căn nhà tạm dưới chân núi Dương Bồ.

Rồi, trường hợp cụ ông Lê Sừng, ngoài 80 tuổi, ở xã Hiệp Hoà, cũng khá đặc biệt. Cụ Sừng sống với người con gái do hạnh phúc gia đình tan vỡ, con cái nheo nhóc nên không đủ điều kiện chăm sóc cha già. Cụ Sừng đến Trung tâm như một sự tình cờ khi chị Lời gặp cụ lên núi Dương Bồ hái lá tự chữa bệnh lở loét ở chân bởi không có tiền thuốc thang.

Về Trung tâm, ngay ngày đầu tiên, chị Lời đưa cụ đi nhập viện điều trị cả nửa tháng trời, đôi chân lở loét của  cụ mới ổn định... Chị Lời cho biết: Tìm được các cụ rồi, cũng phải trình bày hết nhẽ các cụ mới về theo mình. Vì người già họ đâu có muốn rời xa căn nhà của mình dù nó rách nát và khó khăn. Và ngay cả hàng xóm, láng giềng, anh em của các cụ cũng điều ra tiếng vào, mấy ai hiểu hết tấm lòng của chị. Có người còn dựng chuyện chị định chiếm đất, chiếm  nhà của các cụ... Nhưng chị Lời vẫn kiên trì vận động và giờ đây 15 cụ đã về ở tại Trung tâm dưỡng lão.

Theo chân chị Lời đi dọc hành lang các phòng ở của các cụ. Những căn phòng cấp 4 mái ngói tường vàng rất sạch sẽ, sáng sủa. Trong mỗi căn phòng có giường gỗ, chăn ấm, màn mới... Dẫu còn đơn sơ, mỗi phòng mới chỉ có một chiếc quạt điện, còn thiếu tủ, thiếu bàn ghế, tivi và radio, công trình phụ còn chưa khép kín... nhưng đó đã là một sự cố gắng lớn của chị Lời. Chúng tôi ghé thăm phòng ở của cụ bà Phạm Thị Ưng (91tuổi).  Cụ Ưng bị hỏng mắt từ mấy năm nay. Cô con gái Nguyễn Thị Du (56 tuổi) không lập gia đình, đôi mắt cũng kém như mẹ  nên được chị Lời mời về ở tại Trung tâm cùng cụ Ưng cho có mẹ có con.

Trước đây hai người phụ nữ này ở trong ngôi nhà lá lụp xụp bên bờ sông Tranh, bữa no bữa đói, nay được về Trung tâm, lại có nhiều cụ ông, cụ bà khác nữa nên các cụ rất vui... Trong câu chuyện, cụ Ưng và các cụ cứ nhắc mãi: “Chị Lời tốt lắm. Bữa cơm hôm nào có chị ấy đến trò chuyện cũng ăn được 2-3 bát. Chỉ mong chị Lời khoẻ mạnh để còn chăm nuôi chúng tôi”...

Lớp học dành cho trẻ câm điếc

Hằng ngày chị Lời tới bếp ăn để xem các cô nuôi có đảm bảo cơm dẻo, canh ngọt không? Đến kiểm tra phòng ốc xem chăn màn của các cụ có được sạch sẽ, gọn gàng không? Rồi lo lúc các cụ ốm đau, cáu bẳn... Chị thường nhắc nhở các nhân viên của trung tâm: Hãy chăm sóc các cụ thật chu đáo như chính cha mẹ mình.

Ngoài chăm sóc việc ăn uống, ngủ nghỉ, thuốc men điều trị cho các cụ, chị Lời còn tổ chức các buổi sinh hoạt định kỳ hằng tháng để các cụ ca hát, trò chuyện giải khuây hoặc sẻ chia nhau những niềm vui, nỗi buồn bằng miếng trầu, lời động viên hay những cử chỉ quan tâm... Khung cảnh Trung tâm dưỡng lão do hai con gái của chị đang làm nghề kiến trúc thiết kể có đủ sân, vườn để các cụ có thể chăm sóc hoa, cây cảnh lúc sáng, chiều... Chị thường nhắc nhở các nhân viên của trung tâm – cũng là những người trong vùng có hoàn cảnh khó khăn: Hãy chăm sóc các cụ thật chu đáo như chính cha mẹ mình! Dù rằng, tiền lương hàng tháng chị Lời trả cho nhân viên chưa được cao, nhưng ai cũng hiểu: Chị Lời đã dám làm được như rứa, thì mình cũng phải cố gắng để khỏi phụ lòng tin của chị.

Cùng với việc chăm sóc các cụ già neo đơn, chị Lời còn đảm nhận dạy 1 lớp học tại trung tâm dành riêng cho trẻ em câm điếc với hơn 10 học sinh tuổi từ 7 đến 17. Những em này lần đầu tiên được đến lớp học chữ, và lần đầu tiên được thấy cô giáo. Vì vậy lớp học của cô giáo Lời lúc nào cũng đảm bảo sĩ số. “Trung tâm có già, có trẻ... đã vui lại càng vui. Điều đó nằm ngoài mong ước của tôi”, chị Lời tâm sự.

Những dự định
Hiện có khá nhiều cụ già muốn được về Trung tâm sinh sống nhưng do điều kiện kinh phí còn hạn hẹp nên chị chưa dám nhận thêm.

“Trước mắt là vậy, còn lâu dài, vợ chồng tôi sẽ tìm nguồn tài trợ từ những nhà hảo tâm, rồi tổ chức sản xuất, làm sao có tiền để chăm sóc cho các cụ đầy đủ nhất, còn tiền chế độ Nhà nước cấp cho các cụ hàng tháng, các cụ nhận và gửi tiết kiệm như tiền dối già”, chị Lời nói.

Hôm chúng tôi đến, chị Lời vừa khai trương cơ sở sản xuất nước tinh khiết đóng chai với nhãn hiệu “Nguồn sống”, công suất 500 lít/giờ. Chị cho biết, dây chuyền sản xuất là do một doanh nghiệp ở Hà Nội tài trợ, còn huyện Hiệp Đức hứa sẽ giúp quảng bá và tiêu thụ giúp. Nếu nước “Nguồn sống” bán được, sẽ có thêm kinh phí để chăm nuôi các cụ tốt hơn và mở thêm lớp dạy nghề cho người khuyết tật.

Với chị Lời, dù phải bươn chải để có thêm tiền nuôi các cụ và trẻ em tàn tật nhưng mỗi ngày được nhận thêm những tiếng cười là chị được thêm những tình thân ấm áp.../.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên