Trà Vinh hỗ trợ trẻ em nghèo, cơ nhỡ đến trường và sống trong môi trường an toàn
VOV.VN - Trà Vinh có gần 320.000 trẻ em, trong đó, gần 15.000 trẻ có hoàn cảnh khó khăn, nguy cơ bỏ học cao và là đối tượng dễ bị tổn thương, bị xâm hại.
Với sự nỗ lực các ngành, các cấp, mặc dù chưa hết khó khăn về vật chất nhưng các em thực sự được sống và lớn lên trong môi trường an toàn, lành mạnh và phát triển trí tuệ.
Khoảng 1 năm nay, Tỉnh đoàn Trà Vinh phối hợp với sở Giáo dục và Đào tạo và sở Lao động-Thương binh-Xã hội mở lớp tập huấn về kỹ năng phòng, chống đuối nước; hướng dẫn những dấu hiệu nhận biết trẻ em đang bị bạo hành và xâm hại; những kiến thức, kỹ năng cần thiết để bảo vệ trẻ em khi phát hiện trẻ em bị bạo hành, xâm hại. Đồng thời, đã vận động xây đựng được 77 điểm sinh hoạt, vui chơi cho thanh thiếu nhi tại 52/106 xã, phường, thị trấn và gần 80% khu vực nguy hiểm trên địa bàn tỉnh được gắn biển cảnh báo để cho trẻ và gia đình cảnh giác, phòng tránh.
Anh Thái Văn Chuẩn, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng đội Tỉnh đoàn Trà Vinh cho biết: “Thời gian tới, ngoài gắn biển cảnh báo tại các khu vực sông suối, ao hồ có nguy cơ xảy ra đuối nước, thì dựa vào kết quả và hiệu ứng mang lại thì Hội đồng đội sẽ triển khai thêm tại các nơi nguy hiểm như khu vực có trạm biến áp, gần các công trình, các địa điểm có khả năng gây tai nạn cho cấc em, giúp các em tự nhận biết những nơi nguy hiểm”. Trong khi đó, các cấp chính quyền địa phương luôn hỗ trợ, tìm cách để tất cả trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường. Điển hình như trường hợp em Sơn Thị Bô Pha học lớp 5, Tiểu học Kim Sơn B, xã Kim Sơn, huyện Trà Cú, gia đình có 4 chị em nhưng thiếu đất sản xuất, cố gắng lắm cũng chỉ giải quyết đủ bữa ăn.
Biết được hoàn cảnh gia đình em gặp khó khăn chính quyền địa phương đã đứng ra tín chấp với ngân hàng chính sách để được vay 8 triệu đồng đầu tư khoan giếng và thiết bị bơm tưới nước thâm canh, tăng vụ; nhà trường thì hỗ trợ đồng phục và sách vở để em tiếp tục đến trường. Kết thúc năm học vừa qua, em Bô Pha đạt được danh hiệu học sinh khá.
“Nhà trường cho tập và tiền con mua quần áo. Năm ngoái, con được hỗ trợ 400.000 đồng, số tiền một phần con mua tập viết, còn lại cho mẹ mua gạo. Con rất cám ơn thầy cô và nhà tài trợ, con mong cô chú, thầy cô tiếp tục tạo điều kiện cho con được đi học đến ra trường”, em Sơn Thị Bô Pha phấn khởi chia sẻ.
Đối với trẻ không nơi nương tựa, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt thì được Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh nhận nuôi dưỡng cho đến hết tuổi vị thành niên. Tại đây, tuy cuộc sống vẫn chưa hết khó khăn nhưng trẻ mồ côi được sống môi trường an toàn, lành mạnh. Ngoài nhu cầu ăn mặc, chăm sóc sức khỏe, các em còn được học văn hóa, học nghề, học những kiến thức về quyền cơ bản, những quy định của pháp luật hình sự liên quan đến trẻ em… và được cán bộ, giáo viên của trường Đại học Trà Vinh hàng quý tập huấn bổ sung kiến thức kỹ năng sống cho các em.
Em Hồng Thị Lập học lớp 5, đến từ xã Thông Hòa, huyện Cầu Kè, mồ côi mẹ, được nhận vào Trung tâm từ lúc em được 6 tuổi,cho biết: “Tuy con ở đây cũng khó khăn, nhưng khi Tết, lễ 1/6, con được cô chú nấu bữa ăn rất ngon. Cha nói nếu con được lên lớp 9 cha sẽ rước con về nhà chơi. Con ước sau này con được làm cô giáo để nuôi cha và đền đáp lại ơn thầy cô đã nuôi dưỡng con”.
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Tháng hành động vì trẻ em năm nay, Trà Vinh quyết định cho tạm dừng tất cả các hoạt động tập trung đông người như lễ phát động, các hội trại, hội thi... Đồng thời, tăng cường các hoạt động truyền thông qua kênh báo, đài địa phương; băng rol, pano… với các nội dung tuyên truyền về các điều luật, các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Qua đó nhằm kêu gọi toàn xã hội quan tâm nhiều hơn đến việc chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ, để các em có điều kiện phát triển cả thể chất lẫn tinh thần.
Bà Phạm Thị Hồng Diễm, Phó giám đốc sở Lao động-Thương binh-Xã hội tỉnh Trà Vinh cho biết: “Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chủ động phối hợp với các sở, ngành tỉnh tăng cường công tác truyền thông, chú ý các hoạt động phù hợp với tình hình thực tế, tăng cường, chủ động phòng chống COVID-19, đặc biệt, là vấn đề bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em. Thì trong tháng hè các em có thể tham gia sinh hoạt do các chiến sĩ tham gia chiến dịch mùa hè xanh hướng dẫn nhằm tạo điều kiện cho các em có được mùa hè ý nghĩa và an toàn”.
Với sự quan tâm của các ngành các cấp, “Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh”, tin rằng tất cả trẻ em ở Trà Vinh, đặc biệt trẻ cơ nhỡ, trẻ có hoàn cảnh khó khăn đều có cơ hội phát triển trí tuệ, trở thành người có ích cho địa phương và xã hội, để mai sau góp sức xây dựng tỉnh Trà Vinh ngày càng phát triển./.