“Nam mô A Di Đà Phật

Nam mô A Di Đà Phật

Nam mô A Di Đà Phật

Con xin phép cô/bác, ngày hôm nay cho con được làm đẹp cô/bác để cô/bác có khuân dung tươi tắn nhất khi đi về miền Tây Phương cực lạc”.

Đó là những câu niệm và khấn quen thuộc của chị Đinh Thị Phương Loan trước khi bắt tay vào công việc trang điểm tử thi.

Chị Đinh Thị Phương Loan (sinh năm 1988, quê ở Xuân Áng, Hạ Hòa, Phú Thọ) là người làm nghề trang điểm cho người chết đầu tiên ở Việt Nam. Khi bắt tay vào công việc này, chị đã đắn đo suy nghĩ rất nhiều và vấp phải sự ngăn cản của gia đình cũng như sự kỳ thị của mọi người xung quanh.

Tính đến nay, chị Loan đã có 3 năm trong nghề trang điểm tử thi. Kể về cơ duyên đưa chị đến nghề này, chị Loan cho biết, khi người bạn thân có chị gái không may qua đời, người bạn buồn bã than thở với chị rằng, muốn tìm một người thợ trang điểm cho chị gái thật đẹp trước khi đưa đi khâm liệm, nhưng chẳng có ai dám làm việc đó. Ở nhà tang lễ, người ta cũng chỉ đánh chút son và thoa một ít phấn nhưng không kỹ càng.

Câu nói: “sao chẳng có ai làm việc đó” của người bạn thân ám ảnh chị Loan mãi không thôi, chị đã trăn trở cả tháng trời trước khi quyết định làm công việc này.

Thế rồi chị “liều” mình, dấu nhẹm bố mẹ về công việc trang điểm tử thi, qua các mối quan hệ, chị đã cộng tác với Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Hoà Bình) từ năm 2019 cho đến nay. Sau một thời gian dài gắn bó, gần đây chị mới dám chia sẻ với bố mẹ về công việc mình làm. Thấy con gái yêu nghề, bố mẹ chị cũng tôn trọng ý kiến và quyết định của con gái mình.

Chị Loan chia sẻ, trước khi đến với nghề trang điểm tử thi, bản thân chị từng là chuyên gia trang điểm cho các sự kiện, đám cưới, đám hỉ… Khi chuyển ngang sang công việc này, chị biết sẽ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, áp lực từ gia đình, sự kì thị từ bạn bè, hàng xóm láng giềng. Tuy nhiên, bằng cái tâm của mình, chị đã vượt qua tất cả và quyết định gắn bó với nghề mới này như một cơ duyên.

“Bản thân tôi nhận thấy mình khá bạo dạn, còn nếu là một người bình thường, không đủ mạnh mẽ và bản lĩnh thì sẽ không thể làm được công việc này”, chị Loan chia sẻ.

Bộ mỹ phẩm được chị Loan lựa chọn kỹ càng để trang điểm cho người quá cố

Chị Đinh Thị Phương Loan cho hay, “khách hàng” đầu tiên của chị là một cụ bà tuổi đã cao. Chị vẫn nhớ như in ngày đầu tiên cùng đồng nghiệp bước vào nhà xác. Lúc tấm vải trắng được lật lên, người đi cùng chị sợ “xanh mặt” còn chị vẫn bình thản đeo găng tay và thực hiện các công đoạn trang điểm cho người đã khuất. Mọi công đoạn, từ chải tóc, trang điểm, đánh môi, sơn móng đều được chị thực hiện một cách tỉ mỉ.

3 năm trong nghề, chị Loan đã trang điểm cho hàng trăm xác chết, từ người già cho đến trẻ em. Mỗi lần vén tấm khăn trắng che mặt người đã khuất, ngắm nhìn dung nhan của họ, lòng chị buồn rười rượi như chính bản thân mình mất đi người thân vậy. Cũng vì thế, mỗi gương mặt chị đều dành vào đó sự chân thành từ đáy lòng mình, cố gắng tập trung cao độ để người quá cố có dung nhan đẹp nhất và có thể “ngậm cười nơi chín suối”.

Mọi công đoạn, từ chải tóc, trang điểm, đánh môi, sơn móng đều được chị Loan thực hiện một cách tỉ mỉ, cẩn thận

“Gia đình nào cũng muốn người thân của mình trước lúc ra đi được tươi tắn, hồng hào… như đang ngủ một giấc thật ngon lành, cho nên tôi luôn cố gắng làm hết khả năng có thể để họ có được khuôn mặt đẹp nhất khi về miền cực lạc”, chị Loan nói.

Đã quen với công việc, những “khách hàng” sau này, chị Loan đều thực hiện trang điểm một mình mà chẳng có chút e sợ. Sau mỗi ca trang điểm, lòng chị luôn cảm thấy nhẹ nhõm khi nhận được sự cảm ơn chân thành của thân nhân những người đã khuất.

Chị Loan chia sẻ, khi làm công việc trang điểm cho tử thi, chị Loan gặp khá nhiều khó khăn, chị không nghĩ rằng, công việc này lại phức tạp đến vậy.

So với việc trang điểm cho người sống thì việc trang điểm cho người chết khó gấp nhiều lần. Bởi da của người chết thường tái và khô, khi trang điểm cần phải chọn các dòng mỹ phẩm cũng như tông màu phù hợp.

Mỗi người có cách trang điểm khác nhau, với nữ giới thì màu sắc cần đậm hơn một chút, còn với nam giới thì tông màu nhạt hơn.

Theo chị Loan, công đoạn trang điểm cho tử thi cũng tương tự như trang điểm cho người sống, chị mong muốn, giúp người đã mất có khuôn dung đẹp khi về thế giới bên kia

Công đoạn trang điểm cho tử thi cũng tương tự như trang điểm cho người sống. Đầu tiên, thợ trang điểm lau, tẩy trang cho khuôn mặt thật cẩn thận, sau đó dùng kem dưỡng, kem lót, kem nền, phấn má, phấn phủ, kẻ mày, màu mắt rồi đánh son…

Theo chị Loan, để giúp người đã mất có khuôn dung đẹp, các thao tác phải thực hiện thật tỉ mỉ. Trung bình, thời gian trang điểm từ 1 - 1,5 giờ. Tùy theo yêu cầu của gia chủ, với phụ nữ, có thể kẻ mày, gắn mi, gắn bông tai, làm tóc; móng tay, móng chân cũng được dũa nhẹ nhàng, sơn lại cho đẹp, các màu sắc được lựa chọn phù hợp với lứa tuổi. Với nam giới chỉ dũa móng tay, mặt trang điểm nhẹ nhàng.

“Các công đoạn trước khi làm đều được thông báo cho gia đình. Gia đình có thể yêu cầu làm nhiều hơn hoặc lược bỏ bớt công đoạn”, chị Loan cho biết.

Chị Loan cho biết, khi trang điểm, mọi động tác phải thật chuẩn chỉnh để thể hiện sự thành kính với người quá cố

Chị Loan tâm sự, khi trang điểm cho người đã khuất, có một số điều tối kỵ mà người làm nghề cần chú ý. Đối với người chết, việc cắt tóc, cạo râu, cắt móng tay là điều cấm kỵ, trừ trường hợp người nhà yêu cầu thì mới được làm. Trong quá trình trang điểm, mọi động tác động chạm phải thật kín kẽ, tuyệt đối không được lật mặt của họ từ bên này sang bên kia như với người sống.

Theo chị Loan, hiện chị đang thực hiện 2 gói trang điểm cho 2 đối tượng khách hàng khác nhau. Gói cơ bản có giá 2 - 4 triệu đồng là gói dành cho mỹ phẩm tái sử dụng lại, nhưng chỉ sử dụng một lần duy nhất với bộ cọ và bộ trang điểm. Gói VIP khoảng 10 triệu đồng với những gia đình có điều kiện, bộ mỹ phẩm này chỉ sử dụng một lần duy nhất.

Chị Loan chia sẻ, “Ai cũng nghĩ, trang điểm tử thi chắc thu nhập cao lắm, nhưng thực tế không phải vậy. Tôi đến với nghề này không phải vì nghĩ rằng người ta sẽ trả cho mình bao nhiêu tiền mà mọi việc làm đều xuất phát từ cái tâm. Tôi cố gắng trang điểm cho họ thật đẹp để khi nhìn vào người đã khuất như nhìn thấy họ đang nằm ngủ, nhằm giảm bớt được nỗi đau cho người ở lại. Nếu chỉ vì kinh tế thì tôi sẽ chẳng bao giờ lựa chọn làm công việc này. Tôi rất mong “mọi người nhìn nhận công việc của tôi với ánh mắt thiện cảm hơn và xem đây là một nghề bình thường của xã hội”.

Chị Loan mong mọi người nhìn nhận công việc trang điểm cho tử thi với ánh mắt thiện cảm hơn và xem đây là một nghề bình thường của xã hội

Chị Loan thổ lộ, trong tương lai, sẽ vẫn tiếp tục công việc trang điểm tử thi. Chị dự định sẽ mở một lớp học từ 5-7 người để dạy nghề.

Bên cạnh đó, chị dự định sẽ học một khóa học học liên quan đến tái tạo tử thi sau tai nạn giao thông, giúp gia đình có thể nhìn mặt lần cuối các nạn nhân, tất cả mọi việc chị làm vì cái tâm chứ không vì kinh tế.

“Tôi có suy nghĩ: trần sao âm vậy, khi họ về thế giới bên kia thì phải có đầy đủ bộ phận của một con người. Khi về với miền Tây Phương Cực lạc, họ có thể ngậm cười nơi chín suối, chị Loan chia sẻ./.

Chủ Nhật, 06:00, 29/05/2022