Tràn lan bánh kẹo Tết “3 không” và thực phẩm quê không rõ nguồn gốc
VOV.VN -Những mặt hàng "3 không" đang được bày bán tràn lan tại nhiều tuyến phố và các chợ lớn, nhỏ ở Hà Nội với giá rẻ.
Vào dịp cận Tết Nguyên đán, thị trường mứt Tết, bánh kẹo "3 không"-không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ, không hạn sử dụng lại diễn biến sôi động.
Những mặt hàng này đang được bày bán tràn lan tại nhiều tuyến phố và các chợ lớn, nhỏ ở Hà Nội với giá rẻ hơn nhiều so với các loại bánh kẹo chính thống.
Cùng với đó, nhiều loại thực phẩm được quảng cáo là hàng quê, thực phẩm sạch như hoa quả, thịt sống, đồ ăn chín đang được rao bán công khai trên mạng xã hội, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa sức khỏe người sử dụng.
Các loại bánh kẹo 3 không được bày bán la liệt tại phố Hàng Buồm, chợ Đồng Xuân, Hàng Giầy, Ngõ Gạch. |
Các phố Hàng Buồm, Hàng Giầy, Ngõ Gạch, chợ Đồng Xuân, Hà Nội là những địa điểm kinh doanh rất sôi động những ngày này, với hàng trăm mặt hàng bánh mứt kẹo được bày bán phục vụ người dân khi Tết Nguyên đán Mậu Tuất đang đến gần.
Tuy nhiên, đây cũng chính là những địa chỉ chuyên bán các mặt hàng “3 không” - không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ, không hạn sử dụng.
Mỗi quầy hàng bày bán cả 100 mặt hàng bánh, kẹo, mứt, ô mai, hạt dưa, hạt điều các loại.
Các loại ô mai, mứt được chủ hàng đổ vào rổ bày bán không có bất cứ vật dụng gì che đậy, không ghi xuất xứ, hạn sử dụng.
Nhiều loại bánh kẹo không thương hiệu chứa trong những bịch to và bán theo cân.
Theo các chủ hàng, giá các mặt hàng năm nay tăng khoảng 10% so với năm ngoái.
Kẹo trái cây có giá 30.000 đồng/kg; các loại bánh có giá từ 40.000-50.000 đồng/kg; hạt hướng dương 40.000-45.000 đồng/kg tùy loại; hạt bí đỏ dao động từ 97.000 – 102.000 đồng/kg, hạt điều 320.000 đồng/kg, hạt dẻ cười từ 280.000 - 300.000 đồng/kg, các loại ô mai có giá 50.000-60.000 đồng/kg; nho khô 85.000 đồng/kg, mứt các loại từ 90.000 – 150.000 đồng/kg.
Khi được hỏi về nguồn gốc hàng hóa thì các chủ hàng đều né tránh hoặc trả lời cho “có lệ” như: Hàng này là nhà tự làm hoặc người thân làm, là món gia truyền của nhà tự làm, năm nào cũng bán ở đây, có thương hiệu rồi nên không cần phải nhãn mác.
Chủ một cửa hàng bán bánh kẹo, mứt Tết tại phố Hàng Buồm cho biết: "Năm nay có nhiều loại mứt ngon như mứt mơ, mít sấy dẻo, mứt xoài, mứt dâu tây, mứt cùi bưởi, mứt dứa, mứt ổi. Đây là hàng Việt Nam. Về xuất xứ thì tôi cũng không nói được vì nhiều đơn vị làm lắm, mỗi hãng mỗi loại mình lại đặt một chỗ. Nói chung là hàng tư nhân làm”.
Khi được hỏi về nguồn gốc sản phẩm, hầu hết người bán hàng đều không thể chứng minh rõ ràng.
Càng gần Tết Nguyên đán, trên trang mạng xã hội facebook tràn ngập các quảng cáo bán hàng thực phẩm với những lời tiếp thị hấp dẫn như: Hàng siêu sạch, rau sạch, thịt sạch, của nhà tự trồng…
Các loại thực phẩm được quảng cáo bán nhiều như thịt gà quê, thịt lợn sạch, hay các loại cam, như cam Vinh, cam Cao Phong, cam Canh, đồ ăn chín đã chế biến như giò, chả, nem chua, bánh chưng Tết…
Nhiều trang bán hàng thực phẩm sạch qua mạng còn giới thiệu hàng có hạn, hàng khan hiếm nhưng khi hỏi thì luôn được trả lời “đặt bao nhiêu cũng đáp ứng”.
Khi được hỏi về nguồn gốc, những người bán hàng trên mạng đều cho biết, hàng nhập về bán đều là hàng quê mua từ nông dân nên đó là thực phẩm sạch, không cần giấy tờ kiểm định.
Tuy nhiên, chính những người bán hàng online cũng cho biết, nhiều địa chỉ trên mạng đăng ảnh quảng cáo rất bắt mắt, chứng minh nguồn gốc là hàng quê, thực phẩm sạch, nhưng khi đến tay người dùng thì lại là hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.
Chị Phạm Thu Trang, một người kinh doanh thực phẩm sạch trên mạng cho biết: "Nhà tôi bán thịt gà sạch và lợn mán được 5 năm rồi. Nguồn hàng do có người nhà trong quê Hòa Bình nên hàng rất đảm bảo. Khách thì cũng toàn khách quen, nhà tôi bán số lượng lớn, khách mua rất tin tưởng, nói chung mọi người mua đều khen ngon và chả ai hỏi giấy tờ kiểm định gì cả".
"Tôi cũng biết trên các trang mạng có những người kinh doanh online ví dụ bán cam chẳng hạn, họ xuống tận vườn chụp ảnh đăng bài nhưng thực chất khi cam đến tay người dùng thì chất lượng không được như quảng cáo, cam toàn ở chợ đầu mối".
Theo PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, người tiêu dùng không nên mua thực phẩm không nhãn mác vì không thể biết họ chế biến từ nguyên liệu, phụ gia gì.
Thông thường bánh kẹo được làm từ các loại nguyên liệu không có chất độc hại như gạo, sắn, đường, phẩm màu trong danh mục cho phép.
Tuy nhiên, để có giá rẻ, có thể họ chọn những loại đường hóa học, tinh bột sắn thay thế. Người mua hàng giá rẻ thường ở nông thôn hoặc trẻ em, họ không có nhiều thông tin nên nếu mua phải sản phẩm đã hết hạn sử dụng sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ độc hại cho sức khỏe.
Cũng theo PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, xu hướng bán hàng quê qua mạng đang vô tình tạo ra một số đầu nậu mới, gom hàng trôi nổi rồi gắn mác hàng quê bán giá cao gấp đôi.
Do đó, rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc, không chỉ kiểm soát hàng hóa trên thị trường mà còn cần kiểm soát cả hoạt động buôn bán, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm với hàng buôn bán qua mạng.
PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết: "Vấn đề 3 không dễ gây ra hiện tượng tùy tiện trong sản xuất và lưu thông, đặc biệt đối với những người không có trách nhiệm với xã hội mà chỉ vì lợi nhuận, làm ăn chộp giật thì rất dễ xảy ra hiện tượng không an toàn, có nguy cơ lớn cho sức khỏe cộng đồng.
Chúng ta đã có thông tư của Chính phủ về vấn đề dán nhãn, quy định của Chính phủ về vấn đề xử phạt hành chính đối với thực phẩm không có nhãn mác, xuất xứ.
Người dân đương nhiên phải thực hiện, còn các cơ quan chức năng cần phải tầm soát trong dịp cận Tết này để có xử phạt làm gương. Còn buôn bán trực tuyến là giải pháp để phát triển kinh tế thương mại rất tốt, tuy nhiên người bán hàng phải nâng cao trách nhiệm và ý thức với cộng đồng, người mua hàng phải cảnh giác với những trường hợp lừa đảo.
Để đảm bảo sức khỏe cho người thân và gia đình trong dịp Tết Nguyên Đán sắp tới, khi mua thực phẩm, người tiêu dùng phải lưu ý đến hạn sử dụng, trên nhãn phải thể hiện rõ nguồn gốc, có địa chỉ cụ thể của nhà sản xuất hoặc của thương nhân.
Khi có những thông tin này thì chứng tỏ rằng các sản phẩm này được công bố hợp quy hoặc phù hợp quy định, trong trường hợp xảy ra sự cố có thể truy trách nhiệm của nhà sản xuất./.
Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm: Nên bỏ thói quen tích trữ thực phẩm
Phát hiện nhiều sai phạm an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết