Trăn trở từ vùng đất đa nghề

Đã từng một thời phát triển rực rỡ, đạt đến đỉnh cao của nghề. Tuy nhiên, các làng nghề truyền thống ở Phong Điền (Huế) đang đứng trước nguy cơ mai một theo thời gian

Phong Điền là huyện thuần nông của tỉnh Thừa Thiên - Huế, nằm giữa lưu vực của hai con sông Ô Lâu và sông Bồ. Từ xưa, Phong Điền đã nổi tiếng là vùng đất của những làng nghề truyền thống đặc sắc.

Một thời quá khứ vàng son

Trong Phủ biên Tạp lục của Lê Quý Đôn viết cách đây gần 400 năm, vùng đất này đã từng được nhắc đến với những nghề nổi tiếng như: Rèn sắt ở làng Hiền Lương, Mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên, Đệm bàng Phò Trạch, Dệt lưới vân Trình, Kim hoàn Kế Môn, Gốm sứ Phước Tích, Dệt gấm thêu hoa Vĩnh Cố...

Tiêu bản sắc phong ông tổ nghề Kim Hoàn ở Kế Môn

Cùng với sự phát triển mạnh của kinh tế xứ Đàng Trong, đặc biệt là sự hình thành và phát triển của kinh đô Phú Xuân - Huế, các làng nghề truyền thống trên vùng đất Phong Điền đã phát triển rực rỡ, đạt đến đỉnh cao của nghề nghiệp, góp phần rất lớn trong việc xây dựng kinh thành Huế.

Theo các nhà nghiên cứu Huế, những kiệt tác trong chế tác vàng bạc, đá quý, chạm khắc đồ gỗ, đồ sắt trong kiến trúc, trang trí cung đình… phần lớn là sản phẩm của những nghệ nhân các làng nghề ở Phong Điền. Một minh chứng rõ nét nhất là rất nhiều làng nghề của xứ Đàng Trong có xuất xứ từ các làng nghề ở Phong Điền. Nhiều nghệ nhân nổi tiếng của các làng nghề ở Phong Điền đã trở thành ông Tổ nghề của xứ Đàng Trong như: Cao Đình Độ và con trai Cao Đình Hương - nghề kim hoàn; Nguyễn Văn Cao và con trai Nguyễn Văn Độ - nghề chạm khắc mộc mỹ nghệ; Hoàng Minh Hùng - nghề gốm sứ...

Chẳng thế mà hàng năm, không ít các thợ thủ công truyền thống ở miền Trung, miền Nam tề tựu về đây giổ Tổ, tri ân với mảnh đất này như: Giổ tổ nghề rèn ở làng Hiền Lương (Phong Hiền), giổ tổ nghề gốm ở làng Phước Tích (Phong Hòa), giổ tổ nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ ở làng Mỹ Xuyên (Phong Hòa), giổ tổ nghề kim hoàn ở làng Kế Môn (Điền Môn)...

Ngày nay, các làng nghề ở Phong Điền không còn hưng thịnh, trên bến dưới thuyền như xưa. Thậm chí, nhiều làng nghề đã mai một lụy tàn như gốm Phước Tích, vàng Kế Môn, dệt gấm thêu hoa Vĩnh Cố... Số còn lại thì hoạt động cầm chừng khi nông nhàn, rỗi vụ, chủ yếu là giữ nghề và phục vụ nhu cầu tự cung tự cấp tại chỗ. Làng đệm bàng Phò Trạch, mỗi năm cũng chỉ đan được 1.000 - 1.500m2 chiếu đệm bán quanh chợ Phò Trạch, chợ Sịa, chợ Điền Hải với giá 15.000 - 20.000 đồng/chiếc. Làng rèn Hiền Lương chỉ còn vài lò rèn đỏ lửa rèn liềm, hái, dao, rựa... cũng chỉ phục vụ quanh làng khi mùa màng đến. Làng chạm khắc Mỹ Xuyên thì lớp thợ trẻ kéo nhau vào Nam hành nghề, bỏ lại làng quê cho lớp thợ già với niềm vinh quang của quá khứ.

Để làng nghề không “chết” trên hào quang quá khứ

Cụ Hoàng Ngọc Huyến - một thợ rèn lão luyện, gốc người Hiền Lương mở lò rèn ở Thị trấn Phong Điền gần 40 năm nay ngậm ngùi nói: “Hơn 3 năm nay, lò rèn của tôi không đỏ lửa, làm không đủ ngày công, nhớ nghề thì gõ búa cho vui thôi. Đứa cháu học nghề cũng bỏ vào Nam làm ăn rồi”.

Điều dễ nhận thấy là hầu hết sản phẩm của các làng nghề Phong Điền đều được làm thủ công bằng đôi tay của người thợ, tuy tinh xảo nhưng năng suất rất thấp. Trong khi có nhiều công đoạn có thể áp dụng máy móc được như dệt chiếu đệm, chẻ tre, cắt sắt... Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, bó hẹp trong từng hộ gia đình, thiếu đầu tư mở rộng sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa. Thêm vào đó, mẫu mã, công dụng không theo kịp nhu cầu và thị hiếu của thị trường nên đầu ra ngày càng khó khăn. Lớp trẻ hầu như không còn mặn mà với ngành nghề truyền thống của địa phương.

Sản phẩm của làng nghề gốm Phước Tích

Sống trên vùng đất đa nghề, nhưng tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên cao, mỗi năm có đến hàng ngàn lao động ly hương tìm kiếm việc làm. Toàn huyện có hơn 2.500 hộ kinh doanh, 15 doanh nghiệp tư nhân nhưng sản xuất kinh doanh ngành nghề truyền thống chiếm chưa đến 2%.

Mặc dù thời gian qua, các cấp ngành chức năng ở Phong Điền cũng đã có nhiều nỗ lực quan tâm đến việc phục hồi phát triển nghề và làng nghề ở Phong Điền. Huyện ủy Phong Điền còn có hẳn một Nghị quyết chuyên đề, trong đó xác định: phục hồi và phát triển tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề truyền thống là mục tiêu ưu tiên của phát triển kinh tế và giải quyết việc làm ở địa phương... Tuy nhiên, nguồn lực của địa phương có hạn nên hiệu quả đạt được không như mong muốn. Hiện tại, sau hơn 2 năm hình thành Cụm tiểu thủ công nghiệp và làng nghề ở Mỹ Xuyên (Phong Hòa), mới có 5 cơ sở và 2 doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào sản xuất, một số sản phẩm đã xuất khẩu được sang các nước trong khu vực.

Nghề đệm bàng Phò Trạch là nghề lâu đời ở Phong Điền, cây bàng gần như cây cói dệt chiếu. Nhưng người ta không dệt chiếu mà đan bằng tay để làm nên đệm lót giường thay chiếu, đan mũ, đan túi xách, bao bì...

Tuy nhiên, để các nghề và làng nghề truyền thống sống được sau khi phục hồi mới là cốt lõi của vấn đề. Muốn vậy, đầu ra cho sản phẩm phải được khơi thông, mở ra nhiều hướng tiêu thụ sản phẩm cho làng nghề qua tiêu thụ nội địa, xuất khẩu gián tiếp, xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch... nhưng các làng nghề ở Phong Điền lại không tiếp cận được. Điều nghịch lý mà ai cũng dễ dàng nhận ra là, trong khi các nhà hàng, khách sạn lớn nhỏ ở Huế phải đi mua niêu đất từ ngoài Bắc để làm đặc sản cơm niêu, thì làng gốm Phước Tích với sản phẩm niêu đất tiến cung xưa đang “chết dần”... Trong khi hàng lưu niệm như mũ, nón, túi xách, bao, đệm đan bằng cói trong Nam ngoài Bắc chiếm lĩnh thị trường Huế, thì làng đệm Phò Trạch đang “thoi thóp”. Đây quả là một sự lãng phí rất lớn.

Làm sao để các làng nghề truyền thống nổi tiếng ở Phong Điền không chết trên hào quang quá khứ của mình? Câu trả lời không đơn giản, bởi ngoài sự thích ứng và nội lực tự thân của các làng nghề, còn phụ thuộc rất lớn sự đào thải khắt khe của các quy luật thị trường.

Vấn đề cốt lõi hiện nay là các cấp, ngành chức năng ở Phong Điền cần khảo sát, đánh giá lại tiềm năng của các làng nghề, xem nghề nào có khả năng phát triển, mở rộng được trong cơ chế thị trường, nghề nào cần bảo tồn, phục hồi thành các địa chỉ văn hóa, du lịch… để có hướng đầu tư khôi phục, bảo tồn cụ thể, chứ không hô hào chung chung như hiện nay. Có như vậy các làng nghề truyền thống ở Phong Điền mới phát huy được những giá trị di sản văn hóa đặc sắc của mình một cách thiết thực trong sự nghiệp CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn hiện nay./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên