Tranh cãi "nảy lửa" về việc cấm hay tiếp tục sử dụng amiăng trắng

VOV.VN -Thông tin amiăng trắng gây ung thư còn mập mờ chưa có kiểm chứng rõ ràng đã ảnh hưởng đến doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng.

Trước các tranh cãi về việc "Có nên tiếp tục cho phép sử dụng amiăng trắng một cách có kiểm soát hay cấm sử dụng loại sợi này do lo ngại gây ung thư cho con người”, UB KHCN và Môi trường đã chủ trì một hội nghị khoa học về việc sử dụng amiăng trắng ở Việt Nam và trên thế giới.

Theo các tài liệu thống kê,nghiên cứu được UBKHCN-MT của Quốc hội trích dẫn, hiện nay, có 57 quốc gia cấm sử dụng các loại sợi amiăng, trong khi đó có tới 147 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm tới 85% dân số thế giới, cho phép sử dụng amiăng trắng bao gồm các nước phát triển thuộc nhóm G7 như Mỹ, Canada, các nước phát triển thuộc nhóm G20 như Liên bang Nga, Mexico, Brazil…. Các nước đông dân như Trung Quốc, Ấn Độ hay khu vực ASEAN không có nước nào cấm sử dụng loại sợi này.

Còn ở Việt Nam, câu chuyện cấm hay tiếp tục sử dụng amiăng trắng một cách có kiểm soát được đưa ra tranh luận hơn chục năm nay nhưng vẫn chưa ngã ngũ.

Bài toán kinh tế

Ông Lê Hồng Tịnh – Phó Chủ nhiệm UB KHCN và Môi trường của Quốc hội cho biết, ông đã tham gia đoàn khảo sát các nhà máy sản xuất tấm lợp fipro ximăng. Sau khi có thông tin amiang gây ung thư cho cho con người đã khiến các nhà máy này gần như tê liệt, đóng cửa, sản xuất cầm chừng, công nhân thất nghiệp ảnh hưởng đời sống nhiều gia đình. 

“Các nhà máy thực hiện theo Luật đầu tư kinh doanh có điều kiện. Khi vấn đề chưa rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến người lao động và gia đình họ. Tôi cảm giác, thông tin amiăng gây ung thư giống như thời gian gần đây có thông tin nước mắm nhiễm thạch tín” – ông Lê Hồng Tịnh nói.

Hội nghị tranh cãi "nảy lửa" về amiang trắng.

Theo phân tích của các nhà khoa học, amiăng có  amiăng nâu, amiăng xanh và amiăng trắng. Amiăng nâu và xanh từ lâu đã bị cấm riêng amiăng trắng thì còn nhiều tranh luận. Với những tính năng ưu việt vượt trội, amiăng trắng là nguyên liệu đầu vào cho hơn hàng nghìn sản phẩm công nghiệp. Loại sợi này được ứng dụng rộng rãi trong ngành sản xuất sản phẩm fibro xi măng, các vật liệu cách nhiệt, cách điện, ngành sản xuất ô tô, hàng không, đóng tàu, hạt nhân…

Thực tế, nhiều nước đã cấm sử dụng amiăng trắng như Nhật, Đức, Hàn Quốc, Úc – cấm. Các nước cấm hoặc không sử dụng amiăng trắng trong sản xuất tấm lợp đa phần là những nước có điều kiện kinh tế phát triển. Các nước này không dùng chứ không cấm hoàn toàn.

Trở lại với đề xuất cấm sử dụng amiăng trắng ở Việt Nam theo lộ trình, đặc biệt là trong việc sản xuất các tấm lợp, ông Lê Hồng Tịnh phân tích: “Chúng ta cấm thì liệu các nước xung quanh sản xuất có bán tràn sang mình không, vì nhu cầu vẫn có. Hiện tấm lợp fibro xi măng chiếm 62% tổng nhu cầu tấm lợp trong dân. Đất nước ta mới thoát khỏi thu nhập trung bình nên việc cấm hay không phải tính toán”.

Ngoài ra, việc cấm sử dụng amiăng trong sản xuất tấm lợp cũng ảnh hưởng đến hàng loạt vấn đề khác như: Các chương trình 135, 167 về chính sách cho người nghèo hầu như sử dụng tấm lợp nên nếu thay đổi loại vật liệu này thì vấn đề ngân sách ra sao… Đó là chưa kể, chúng ta đã tham gia các tổ chức kinh tế quốc tế, trước khi ban hành cấm cái gì thì phải có bằng chứng khoa học.

Thực tế, theo ông Tịnh, Doanh nghiệp Tân Thuận Cường ở Hải Dương cũng đã đầu tư dây chuyền mới đưa vào sản xuất tấm lợp vật liệu thay thế không sử dụng amiang trắng. Tuy nhiên, do chi  phí  sản xuất quá cao, sản phẩm lại không đáp ứng được tiêu chuẩn lý – hoá học nên đến thời điểm  này gần như đã đóng cửa, rồi vẫn quay ra sản xuất tấm lợp chứa amiang.

Cần một nghiên cứu khoa học, khách quan, tin cậy

Hiện tại,  các nhà máy sản xuất tấm lợp của Việt Nam đã áp dụng các công nghệ để hạn chế lượng bụi amiang trong không khí. Toàn bộ phần trộn nguyên vật liệu đều bằng máy, con người không tiếp xúc trực tiếp.

Là đơn vị trực tiếp sản xuất, ông Lê Văn Nghĩa- Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây lắp và vật liệu xây dựng Đông Anh đề nghị cần đánh giá tổng thể thực tế, tình hình sử dụng amiăng trắng trong nước và thế giới. Vì thực tế, các nước có nền khoa học công nghệ tiên tiến phát triển hiện nay vẫn đang khai thác khai thác, sử dụng amiăng trắng: “Các nước này có quy định nồng độ bụi amiăng trắng trong không khí thì cho phép sản xuất và sử dụng. Do vậy nước ta cũng nên áp dụng nồng độ bụi amiăng trắng có trong không khí phù hợp với ban hành quy định nồng độ để chúng ta có thể sử dụng, sản xuất theo quy định quốc tế . Nhà nước cũng nên có chế tài cụ thể kiểm soát cho phép sản xuất tấm lợp fipro ximăng có điều kiện. Những cơ sở sản xuất nào quy trình đảm bảo điều kiện môi trường làm việc thì cho phép các đơn vị đó sản xuất còn không đảm bảo thì kiên quyết cho dừng.

“Nhà máy tấm lợp Đông Anh – người lao động không có bệnh nghề nghiệp liên quan đến amiăng trắng. Cần đặt lên bàn nghiên cứu chính xác để có cái nhìn khoa học, thực tiễn”  - ông Nghĩa nhấn mạnh.

Sợi amiang trắng đã được làm ướt

Ông Nguyễn Phú Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp- Ban Kinh tế Trung ương cho rằng: cần nghiên cứu đầy đủ tác động của việc cấm sử dụng amiăng trắng vì sẽ phải tốn chi phí rất lớn để thay đổi công nghệ, đào tạo lao động và chi phí để tiêu hủy tấm lợp có chứa amiăng mà người dân đang sử dụng.

“Nếu bây giờ có một loại vật liệu làm tấm lợp mà có độ bền, đặc tính như amiăng, có giá thành như amiăng thì chúng ta chả cấm thì tấm lợp ấy cũng sẽ thay thế amiăng. Bởi vì theo cơ chế thị trường, cùng giá mà không có cảnh báo về sức khỏe thì người dân người ta sẽ mua luôn mà chúng ta cũng không cần cấm nữa” – ông Hoa nói.

Còn ông Ngọ Duy Hiểu - đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định quan điểm dứt khoát không để công nhân bị bệnh tật vì môi trường làm việc của họ và càng không để hàng triệu người dân bị bệnh tật, ung thư từ chính ngôi nhà lợp fipro ximăng. Quan điểm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cấm sử dụng ami ăng trắng từ năm 2020 và có lộ trình phù hợp, trong đó tính đến việc hỗ trợ đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp khi chuyển đổi công nghệ, vật liệu thay thế, đảm bảo quyền lợi của người lao động và nhân dân bằng chính sách hỗ trợ của nhà nước.

Một thực tế là Việt Nam chưa có một nghiên cứu qui mô, chặt chẽ, uy tín cấp quốc gia về những ảnh hưởng của amiăng trắng đối với sức khoẻ con người. Đa phần các nghiên cứu khoa học trên thế giới được các bên trích dẫn theo hướng có lợi cho mình, chính vì thế cuộc tranh cãi về lợi - hại của amiăng trắng cứ mãi dai dẳng, khó tìm đến hồi kết. Với quan điểm bảo vệ sức khoẻ con người là quan trọng nhất, chúng ta cần tập trung nghiên cứu, đánh giá một cách khoa học, toàn diện những tác động của amiăng trắng đối với sức khoẻ con người và môi trường, không chỉ trong ngành tấm lợp fibro xi măng mà trong cả các ngành công nghiệp khác, trên cơ sở đó xây dựng các chính sách quản lý và chương trình hành động quốc gia sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội; bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, người lao động, sản xuất, bảo đảm ổn định chính trị, xã hội, bảo đảm niềm tin của người dân vào chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước và cam kết của Việt Nam với quốc tế./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên