Tranh chấp đất đai ở Tây Bắc: Đất không bìa đỏ - Vì đâu nên nỗi?

VOV.VN - Vì sao nhiều diện tích đất vùng cao không được quy chủ, không cấp được bìa đỏ? Đâu là nguyên nhân còn tồn tại của thực trạng này?

LTS: Những hậu quả, hệ lụy khôn lường đã thấy rõ từ việc tranh chấp đất đai ở Tây Bắc. Đó là tình trạng khiếu kiện kéo dài, gây mất an ninh trật tự, hay những vụ án mạng đau xót, rúng động dư luận mà chúng tôi đã đề cập trong kỳ 1 phóng sự với nhan đề "Những cái chết trên vùng tranh chấp đất đai ở Tây Bắc". Vậy vì sao nhiều diện tích đất vùng cao không được quy chủ, không cấp được bìa đỏ? Đâu là nguyên nhân còn tồn tại của thực trạng này? Chúng tôi sẽ đề cập trong bài viết thứ 2 với nhan đề “Tranh chấp đất đai ở Tây Bắc: Đất không bìa đỏ - Vì đâu nên nỗi?”.

>> Bài 1: Những cái chết trên vùng tranh chấp đất đai ở Tây Bắc

Hiện trường vụ thảm sát ở Lâm Giang, Văn Yên, Yên Bái.

Bản Pá Tong, xã Tạ Bú, huyện Mường La, Sơn La trước đây có 37 hộ đều là người dân tộc Mông. Các hộ ở bản đều đã định cư nhiều đời ở đây, từ đời ông bà, cụ kỵ, đến đời con, cháu…

Gia đình anh Sồng A Say ở bản Pá Tong có hơn 600 m2 đất, bao gồm cả đất ở và một ít đất nông nghiệp. Ông bà, cha mẹ anh đều sống trên chính mảnh đất vợ chồng, con cái anh đang sống. Gia đình anh không có ý định chuyển dịch đi đâu, không định cho ai, cũng không sợ ai tranh chấp. Vừa rồi, khi cán bộ địa chính xã, huyện xuống tuyên truyền, bảo gia đình phải nộp mấy triệu làm cái bìa đỏ, để vợ chồng anh đứng tên chính chủ trên mảnh đất này, anh thấy không cần thiết. Vả lại, đất bao đời nay của nhà mình, mà nay còn phải nộp tiền vào đó, vì vậy, anh đã nhất quyết không nộp tiền để lấy bìa. Mà không riêng gì anh, cả bản Pá Tong này có tới gần 20 hộ cũng không chịu nộp tiền để lấy bìa đất.

“Gia đình tôi ở đây lâu rồi, nhiều đời rồi, không thấy sao cả, cán bộ bảo nộp tiền lấy bìa đỏ, tôi chưa có tiền nên chưa lấy đâu”- anh Sồng A Say nói.

Cũng “mắc mớ” y như vậy, ở tỉnh Yên Bái, cái khó nhất trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khu vực nông thôn, miền núi không phải là thiếu nhân lực, thiếu phương tiện, mà cũng chính là sự thờ ơ của người dân. Mỗi năm, một huyện lớn như Văn Yên cấp khoảng 2.500-3.000 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng chủ yếu cấp cho người dân các xã vùng thấp, còn ở các xã vùng cao rất ít; có xã có năm chỉ cấp được 5 đến 7 “bìa đỏ”.

Bà Lê Thị Hằng, Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai và phát triển quỹ đất huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái than thở, mặc dù đã có nhiều ưu đãi, khuyến khích người dân làm sổ nhưng hầu như người dân vùng núi, vùng sâu rất ít đến làm, nếu có đến cơ quan đăng ký đất đai thì cũng chỉ đến vào lúc tranh chấp, mâu thuẫn đã xảy ra.

“Hiểu biết của người dân về quyền và lợi ích trong việc được nhà nước bảo hộ quyền sử dụng đất của mình, tức là cấp giấy chứng nhận sử dụng đất còn chưa đầy đủ. Hoặc là ở vùng sâu, vùng xa giá trị sử dụng đất nhỏ, đất là do cha ông để lại, người ta nghĩ rằng không có ai đến để tranh giành với mình nên người ta không cần đền làm các thủ tục. Đến khi tranh chấp đất đai rồi thì mới nghĩ đến cái quyền được bảo hộ của mình”- bà Lê Thị Hằng cho biết.

Câu chuyện thảm án xảy ra từ mâu thuẫn tranh chấp đất nương, khiến tới 4 người chết tại bản Ma Lù Thàng, xã Huổi Lèng, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên đầu năm 2017 giống như một giọt nước làm tràn ly, dù trước đó những mâu thuẫn này đã được chính quyền cơ sở tổ chức hòa giải nhiều lần. Và những sự việc đau lòng tương tự vẫn có thể sẽ lại xảy ra, khi ngay tại bản Ma Lù Thàng, xã Huổi Lèng hàng chục hộ dân vẫn chưa biết đến sổ đỏ là gì. Những mảnh nương được phân định ranh giới đơn giản chỉ bằng những hàng rào đá thô sơ, hay con số đáng giật mình suy ngẫm mà Ủy ban Nhân dân xã Huổi Lèng, huyện Mường Chà cung cấp là còn có đến 70% số hộ trên địa bàn chưa làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tranh chấp đất đai diễn ra ở nhiều địa phương.

Lật giở cuốn sổ công tác, ông Hạng Sáy Dua, Bí thư Đảng ủy xã Huổi Lèng, huyện Mường Chà thở dài ngao ngán: địa bàn đồi núi dốc, đất canh tác ít, số khẩu phát sinh mỗi ngày, dẫn đến thiếu đất sản xuất. Vì vậy, việc tranh đất ở, đất nương là điều rất dễ xảy ra. Mỗi tháng, mỗi năm, chính quyền cơ sở đều phải liên tục giải quyết việc tranh chấp này. Thực tế thì công tác quản lý đất đai và nhiều mặt khác của địa phương còn nhiều khó khăn, khi thủ tục cấp sổ đỏ cho các hộ gia đình chưa được hoàn chỉnh, việc phân định ranh giới đất cho các hộ không rõ ràng, chưa kể cán bộ có chuyên môn còn thiếu.

“Cấp sổ đỏ để quản lý hiện vẫn chưa được nhiều, dẫn đến tranh chấp. Ý thức của người dân để mà đi làm sổ đỏ thì cũng chưa có, vẫn quản lý theo kiểu tập quán cũ của ngày xưa. Cái thứ 2 là thủ tục làm vẫn tương đối phức tạp, cấp sổ đỏ được cho một hộ người dân cũng còn qua nhiều khâu, nhiều công đoạn rườm rà, dân cũng thấy phức tạp nên cũng chưa có hộ nào tự giác đi làm. Và bây giờ toàn bộ những hộ không có sổ đỏ thì thường xuyên xảy ra vấn đề tranh chấp đất nương rẫy này”- ông Hạng Sáy Dua cho biết.

Khi phóng viên nêu những bức xúc từ địa bàn cơ sở, ông Nguyễn Đăng Nam, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên trả lời bằng việc "tung ra" hàng loạt con số “biết nói”: Thống kê từ năm 2007 đến nay, tỉnh Điện Biên xảy ra gần 2.500 vụ tranh chấp, trong đó có 86 vụ liên quan đến địa giới hành chính, còn lại là tranh chấp đất đai trong nội bộ nhân dân. Nhiều vụ có tính chất tập thể kéo dài tới hàng chục năm. Nguyên nhân của tình trạng nay chủ yếu vẫn là từ lợi ích kinh tế, và do công tác quản lý đất đai ở cơ sở còn nhiều yếu kém, có nơi bị buông lỏng, thậm chí còn giải quyết tùy tiện, sai pháp luật…

“Các huyện vùng sâu, vùng xa như các huyện 30a, tỷ lệ cấp giấy ở vùng sâu vùng xa như đất nương rẫy của các hộ hoặc đất ở nông thôn của các bản, người dân không phải thực hiện nghĩa vụ tài chính thì vẫn đến nhận giấy chứng nhận. Nhưng một số trường hợp chia tách cho con cái sau đó sử dụng đất sau năm 1993 phải thực hiện nghĩa vụ tài chính thì người dân cũng không mặn mà lắm về việc lấy giấy chứng nhận. Vì vậy, cũng có một số huyện tồn lại một số giấy chứng nhận đã ký nhưng chưa trao cho những người sử dụng đất”- ông Nguyễn Đăng Nam cho biết.

Ông Phạm Văn Thi, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La cũng không thể có cách trả lời khác hơn là mở sổ đọc to những con số gạch chân: toàn tỉnh Sơn La có khoảng 50.000 hộ cần phải cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất lần đầu. Đến nay, mới có khoảng 38.000 hộ được cấp giấy, chiếm 76%. Các hộ còn lại chưa được cấp giấy là do nhiều nguyên nhân, như: xác định thông tin địa chính do liên quan đến điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, khó khăn trong thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất, hoặc do vướng mắc do liên quan đến đất an ninh quốc phòng… Việc nhiều hộ chưa có Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất khiến tình trạng khiếu kiện, khiếu nại, tranh chấp đất tại địa phương trở nên nóng bỏng và rất phức tạp.

“Trong các buổi tiếp công dân của lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, chúng tôi thấy có đến 90-95% các vụ việc liên quan đến đất đai. Nguyên nhân sâu xa là việc người dân chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Và do chưa có giấy chứng nhận cho nên đất đai sử dụng, nhưng người ta không biết nó đến đâu, ranh giới giữa hộ này hộ kia đến đâu không xác định được”- ông Phạm Văn Thi cho biết./.

Trình độ dân trí còn hạn chế, không ít người chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của tấm bìa đỏ; công tác quy hoạch, phân định địa giới đất không rõ ràng; công tác quản lý đất đai ở cơ sở còn nhiều yếu kém, có nơi bị buông lỏng, thậm chí còn giải quyết tùy tiện, sai pháp luật… Điều này sẽ tiếp tục dẫn đến nhiều hệ lụy với những bài học nhãn tiền đắt giá nếu như không có sự vào cuộc tích cực của các cấp bộ, ngành, địa phương. Vậy cần có những giải pháp triệt để như thế nào để khắc phục tình trạng tranh chấp đất đai ở các tỉnh Tây Bắc. Vấn đề này sẽ được đề cập trong kỳ 3 loạt phóng sự với nhan đề “Tranh chấp đất đai ở Tây Bắc: Cần những giải pháp nóng”, mời quý vị và các bạn chú ý đón đọc.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Chém chết người do tranh chấp đất đai
Chém chết người do tranh chấp đất đai

VOV.VN - Do tranh giành đất đai, nhóm 5 người dùng hung khí tấn công một người đàn ông trọng thương dẫn đến tử vong sau đó. 

Chém chết người do tranh chấp đất đai

Chém chết người do tranh chấp đất đai

VOV.VN - Do tranh giành đất đai, nhóm 5 người dùng hung khí tấn công một người đàn ông trọng thương dẫn đến tử vong sau đó. 

Án mạng nghiêm trọng tại Yên Bái, 2 người chết vì mâu thuẫn đất đai
Án mạng nghiêm trọng tại Yên Bái, 2 người chết vì mâu thuẫn đất đai

VOV.VN -Nghi phạm gây án được xác định là Nguyễn Văn Mạc (SN 1968), từng là anh rể, em rể của hai nạn nhân.

Án mạng nghiêm trọng tại Yên Bái, 2 người chết vì mâu thuẫn đất đai

Án mạng nghiêm trọng tại Yên Bái, 2 người chết vì mâu thuẫn đất đai

VOV.VN -Nghi phạm gây án được xác định là Nguyễn Văn Mạc (SN 1968), từng là anh rể, em rể của hai nạn nhân.

Tranh chấp đất đai, em chồng rút dao đâm chị dâu tại Hà Nội
Tranh chấp đất đai, em chồng rút dao đâm chị dâu tại Hà Nội

VOV.VN - Do mâu thuẫn đất đai, bà Nguyễn Thị Phúc đã bị em chồng rút dao đâm vào lưng và phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Tranh chấp đất đai, em chồng rút dao đâm chị dâu tại Hà Nội

Tranh chấp đất đai, em chồng rút dao đâm chị dâu tại Hà Nội

VOV.VN - Do mâu thuẫn đất đai, bà Nguyễn Thị Phúc đã bị em chồng rút dao đâm vào lưng và phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.