Tranh luận việc “cấm” vĩnh viễn 2 xe lên cao tốc
VOV.VN - Câu chuyện Công ty Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) vừa thông báo từ chối phục vụ vĩnh viễn với 2 ôtô đang khiến dư luận nóng lên.
Khi được hỏi, đa số các tài xế, những người trực tiếp sử dụng đường bộ trong công việc hàng ngày, đều khẳng định họ phản đối việc một doanh nghiệp “cấm” phương tiện lưu thông trên đường.
Anh Hàng Trần Minh Long, một tài xế ở Biên Hòa, Đồng Nai cho rằng, việc VEC E thông báo ngừng phục vĩnh viễn đối với 2 xe ô tô theo thông báo của công ty này là không đúng. Theo anh Long, 2 tài xế có hành vi gây rối tại trạm thu phí thì đáng lên án. Tuy nhiên, đây là sai về mặt hành vi và nếu xử lý thì xử lý hành vi chứ không thể xử lý bằng cách cấm phương tiện. Trường hợp nếu đó là phương tiện đi mượn hoặc xe của công ty, tổ chức thì cấm cả xe là không công bằng và không phải ai cũng có quyền cấm.
Những hành khách trên chiếc xe 51G-772.56 dừng lại tại trạm thu phí trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. |
“Tôi tuyệt đối không phục. Đó là hành vi của người điều khiển chứ không phải ô tô làm ra điều đó. Muốn dừng lưu hành ô tô thì chỉ có cơ quan đăng kiểm hoặc cơ quan công an giao thông mới có chức năng và quyền hạn. Còn VEC chỉ là công ty, doanh nghiệp thì không có quyền”, anh Long nói.
Đồng quan điểm này, anh Nguyễn Quang, người dân ở Đồng Nai cũng cho rằng văn bản này hoàn toàn sai thẩm quyền, VEC không có quyền “cấm” xe.
"Cá nhân tôi thấy VEC cấm vĩnh viễn với 2 phương tiện trên các tuyến cao tốc mà VEC quản lý là hoàn toàn sai. Nếu người dân vi phạm quy định thì chỉ được xử phạt hành chính chứ không thể cấm lưu thông vĩnh viễn”, anh Quang nói.
Tuy nhiên ở một luồng ý kiến khác, dưới góc độ của các chuyên gia kinh tế, việc Công ty Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam ra quyết định dừng phục vụ vĩnh viễn đối với phương tiện không phải hoàn toàn không có cơ sở, dù rằng quyết định này là không phù hợp.
Ông Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam cho rằng, đường cao tốc mà Công ty Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam đang quản lý, vận hành có tính chất là hàng hóa “bán công - bán tư”. Theo ông Du, mọi người dân đều có quyền sử dụng đường cao tốc, khi có sự cố xảy ra trong tuyến đường do VEC đang quản lý, vận hành thì việc từ chối phục vụ phương tiện là không sai, tuy nhiên xét về đặc thù của hàng hóa thì VEC không được làm như vậy.
“Trường hợp đường cao tốc đang được VEC vận hành là một hàng hóa đặc thù nửa này, nửa kia. Nó không hoàn toàn như Quảng trường, không thể cấm ai được. Nhưng cũng không phải là sân nhà của riêng người nào để hoàn toàn cấm. Phần này thuộc vùng xám, nên rất khó nói là VEC có quyền hay không có quyền”, ông Du cho biết.
Như vậy có thể nói, việc Công ty Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam ra văn bản “cấm” vĩnh viễn đối với 2 phương tiện đi vào các tuyến đường do mình quản lý, vận hành vẫn còn có những ý kiến trái chiều về việc doanh nghiệp này “làm đúng”, hay “làm sai”. Điều này đòi hỏi câu trả lời rõ ràng từ phía cơ quan có thẩm quyền./.
VEC “cấm” 2 ô tô đi trên cao tốc là vi hiến, trái luật
VEC nói gì về số tiền 2,2 tỷ đồng bị cướp ở trạm Dầu Giây?