Trao quyền chọn sách giáo khoa cho các nhà trường không phải đặt thêm gánh nặng
VOV.VN - Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT thay thế quy định cũ, trong đó điểm mới đáng chú ý sẽ được áp dụng để chọn sách từ năm học 2024-2025 là trao lại quyền lựa chọn sách giáo khoa cho các nhà trường.
Phụ huynh tham gia chọn SGK - vẫn còn băn khoăn
Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Hiệu trưởng trường tiểu học Vân Nam, Phúc Thọ, Hà Nội cho biết việc triển khai chọn sách được thực hiện bài bản bằng việc gửi link sách giáo khoa của các nhà xuất bản tới giáo viên, phụ huynh học sinh. Ngay khi nhận bản in, ban giám hiệu đã chuyển tới giáo viên dạy khối 5, phân công các nhóm đọc, đánh giá và chuyển vòng tròn nhằm đảm bảo thầy cô nào dạy lớp 5 trong năm học tới đều đọc các bộ sách trước khi lựa chọn.
Trường Tiểu học Vân Nam trong những năm học trước vẫn chọn bộ Cánh Diều và nhận thấy phù hợp nên như dự đoán của cô Lan Anh, khả năng cao đây vẫn tiếp tục được lựa chọn cho lớp 5 sắp tới. Dù Phúc Thọ chỉ là vùng ven đô nhưng bà Lan Anh cho rằng thêm vai trò của phụ huynh trong chọn sách là cần thiết bởi trình độ cũng như độ quan tâm, đồng hành của phụ huynh tăng lên trong những năm trở lại đây.
Tuy nhiên ở tỉnh Nghệ An, như lời bà Trần Thị Hiền, Phó Hiệu trưởng THPT Nam Đàn 2, phụ huynh rất khó có thể tham gia vào phần chuyên môn sâu khi không quan tâm và nhiều trường hợp không đủ khả năng bởi sự đa dạng trình độ của phụ huynh trên địa bàn nhà trường.
Một thầy giáo ở ngoại thành Hà Nội lại cho rằng việc lựa chọn sách sẽ ít giá trị khi những năm vừa rồi, để thống nhất công tác chuyên môn, hầu như các trường trong huyện ngầm định chọn chung một bộ sách.
“Năm ngoái, huyện mình có 3 trường chọn sách Toán khác bộ với những trường còn lại nên khi sinh hoạt tổ chuyên môn 3 trường đó gom vào 1 cụm. Mà 3 trường xa nhau, một trường đầu, một trường cuối huyện, thành ra rất vất vả khi tham gia hoạt động chuyên môn chung”, thầy giáo này chia sẻ.
Một lý do nữa khi chọn bộ sách giống năm trước, giáo viên cho rằng đã quen và hiểu những ưu nhược điểm của bộ sách. Việc chọn sách lúc này nên trở thành cơ hội để góp ý cho những điều chưa ổn, chưa phù hợp giáo viên nhận ra trong quá trình dạy học. Góp ý cụ thể sẽ hiệu quả hơn việc yêu cầu đọc và điền phiếu một cách máy móc.
Tuy nhiên, cũng có giáo viên cho rằng việc chọn sách với yêu cầu đọc nhận xét từng sách thuộc cùng một bộ môn vẫn cần nhằm giúp giáo viên có thêm cái nhìn rộng hơn, mở hơn để xóa đi sự ỷ lại, phụ thuộc vào sách giáo khoa được cho là đã quen. Để làm được điều này cần sự yêu thích, mong muốn thay đổi từ mỗi thầy cô giáo.
Cần trao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho giáo viên
Việc chọn sách giáo khoa để giảng dạy theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá Giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam thuộc về trách nhiệm và quyền lợi của mỗi thầy cô.
Từ năm 2017, bà Thơ đã có nghiên cứu độc lập gửi cho Quốc hội và cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo đề xuất việc trao quyền và trách nhiệm chọn sách về cho các giáo viên. Tuy nhiên trong thời điểm hiện nay bà Thơ cho rằng cũng không nên kỳ vọng về sự thay đổi mạnh mẽ cũng như hiệu quả từ việc giao quyền chọn sách cho giáo viên khi có rất nhiều những khó khăn cả chủ quan lẫn khách quan, thêm cả bối cảnh thực hiện sẽ khiến cho tính khả thi chưa cao như mong đợi.
“Tôi lấy ví dụ như hiện nay các sách giáo khoa trao cho giáo viên đọc đa số sẽ không phải là bản in. Bởi vì trong ngân sách của các công ty xuất bản cung cấp sách giáo khoa không thể nào mà cung cấp bản in miễn phí cho tất cả. Đây chắc chắn sẽ cản trở, khó tạo điều kiện cho việc thực hiện chính sách này”, bà Thơ nêu quan điểm.
Ngoài ra hiện nay trong các trường học, đầu việc của giáo viên rất nhiều, mô hình vận hành của hầu hết nhà trường chưa có sự thay đổi, khó lòng yêu cầu thầy cô dành nhiều thời gian hay có nhiều sinh hoạt chuyên môn, trao đổi dẫn đến quyết định lựa chọn sách chưa thực sự có hiệu quả.
Thêm vào đó, chưa có một hệ sinh thái, tạo điều kiện để thực hiện những nội dung có trong sách giáo khoa. Và đặc biệt thói quen, nhận thức chỉ sử dụng một bộ sách giáo khoa của các giáo viên góp phần tạo thêm áp lực cho lựa chọn này. Giáo viên cần được tiếp cận đầy đủ các bộ sách và đều phải có quá trình trải nghiệm thực tiễn, chắt lọc và lựa chọn những nội dung nào tốt nhất của từng bộ sách cho từng bài học cụ thể.
Cũng theo bà Thơ, việc duy trì một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa đã làm thay đổi căn bản sử dụng sách giáo khoa trong dạy học khi coi đây như một trong số những tài liệu, phương tiện dạy học. Điều này sẽ kéo theo việc lựa chọn sách giáo khoa trở thành đương nhiên và thường xuyên nhằm phù hợp với thực tế dạy học.
“Tôi cho rằng sự thay đổi này sẽ tạo động lực và tạo thói quen nghiên cứu tài liệu giảng dạy, giúp cho thầy cô thích ứng với những học trò của mình cũng như thích ứng được yêu cầu của xã hội, các nhà trường, các cơ quan quản lý giáo viên…Ngành giáo dục đều phải coi đây là một công việc rất quan trọng trong các nghiệp vụ của người giảng dạy”, bà Thơ khẳng định.
Thông tư 27/2023 còn có điểm mới nữa khi có sự tham gia của đại diện phụ huynh trong việc lựa chọn sách của mỗi trường học. Thực tế vai trò của phụ huynh trong phối hợp giáo dục trường học rất quan trọng nhưng hiện nay đã và đang tồn tại rất nhiều vấn đề khiến cho họ không tham gia vào quá trình giáo dục theo đúng chức năng và quyền lợi. Trong bối cảnh của câu chuyện lựa chọn sách giáo khoa này, việc tham gia của phụ huynh không phải tham gia với tư cách của người chuyên môn để phán xét cách viết bộ sách này hay kia có phù hợp cho con em mình. Vai trò của phụ huynh trong câu chuyện chọn sách theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ nên từ hai góc độ:
Một là thể hiện cam kết cùng chia sẻ và cùng phối hợp của họ với giáo viên, với nhà trường nhằm đảm bảo được những điều kiện thực hiện bộ sách hoặc những bộ sách được lựa chọn trong dạy học.
Thứ hai là giám sát việc triển khai lựa chọn sách giáo khoa cũng như sử dụng sách giáo khoa cũng như các tư liệu giảng dạy đi kèm.
Trong chia sẻ của mình, bà Thơ nhấn mạnh không nên tư duy rằng lựa chọn sách giáo khoa chỉ thuộc phạm vi lựa chọn một quyển sách nào đó mà cần chọn cả các tài liệu, các phương tiện dạy học của bộ sách đó.
Theo bà Thơ, cần có sự thay đổi mô hình cung cấp tư liệu giảng dạy cho hệ thống giáo dục quốc dân. Ở đây, vai trò các nhà xuất bản cần phải làm tốt hơn nữa, làm đúng hơn nữa. Họ không phải chỉ là đơn vị cung cấp sách mà cần phối hợp để cung cấp một gói tư liệu giảng dạy bao gồm sách giáo khoa, các điều kiện vật chất khác và đặc biệt là mô hình để phát triển năng lực giáo viên.
Năm học 2020-2021 là năm học đầu tiên học sinh lớp 1 trên cả nước chính thức học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 01/2020 hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa, trong đó giao quyền quyết định lựa chọn sách giáo khoa là của các nhà trường.
Đến tháng 8-2020, chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 2 và lớp 6 từ năm học 2021-2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT thay thế Thông tư số 01/2020. Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố tổ chức lựa chọn sách giáo khoa, thay vì giao cho các nhà trường như năm học đầu tiên thực hiện chương trình mới.
Tuy nhiên, Kết luận của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa cho rằng quy định lựa chọn sách giáo khoa phổ thông theo Thông tư số 25/2020 cón hiều điểm chưa phù hợp dẫn tới cách thức triển khai không thống nhất giữa các địa phương; tạo kẽ hở để trục lợi, cạnh tranh không lành mạnh. Thông tư số 27/2023 thay thế quy định cũ, trong đó điểm mới đáng chú ý sẽ được áp dụng để chọn sách từ năm học 2024-2025 là trao lại quyền lựa chọn sách giáo khoa cho các nhà trường.