Trẻ chưa tiêm vaccine COVID-19 có nên đến trường?
VOV.VN - Theo các chuyên gia, trẻ em có nguy cơ mắc COVID-19 như người lớn, song lại ít có nguy cơ bị bệnh nặng hơn. Điều quan trọng để trẻ trở lại trường an toàn, đặc biệt là trẻ chưa tiêm phòng chính là sự đồng hành của cha mẹ.
Chia sẻ với phóng viên VOV.VN, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, mặc dù số ca mắc COVID-19 tăng cao nhưng chủ yếu là các ca bệnh không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Trong thời điểm này, nếu trẻ đi học trở lại, có thể trẻ cũng sẽ bị mắc COVID-19 vì virus SARS-CoV-2 lây qua tiếp xúc gần, như các bệnh đường hô hấp khác. Tuy nhiên, các cha mẹ cũng không nên sợ hãi, lo lắng quá. Đã đến lúc phải coi Covid-19 ở trẻ em như một bệnh nhiễm khuẩn hô hấp thông thường. Nếu trẻ mắc COVID-19 mà sốt cao thì dùng hạ sốt và thực hiện cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Ông Dũng cũng nêu rõ, hiện nay tỷ lệ người mắc COVID-19 thể nhẹ là nhiều. Tuy nhiên, tâm lý của người dân khi bị mắc COVID-19 là lo lắng, muốn đến ngay cơ sở y tế để được điều trị mới dẫn đến tình trạng quá tải cục bộ. Vì vậy, chuyên gia khuyến cáo nếu trẻ mắc bệnh thể nhẹ thì cho trẻ theo dõi, điều trị tại nhà. Chỉ khi trẻ có các biểu hiện sốt cao liên tục không giảm, khó thở, cần đưa ngay đến cơ sở y tế.
Vị chuyên gia này cho rằng, kể cả khi đã tiêm vaccine cũng có thể bị mắc COVID-19, vì vậy các cha mẹ và trẻ cũng cần chuẩn bị tâm thế thật tốt, chủ động, sẵn sàng đón nhận mình có thể trở thành F0 bất cứ lúc nào.
Theo PGS Dũng, trẻ em từ 5-11 tuổi, kể cả lứa tuổi trẻ mầm non cũng nên đến trường học trực tiếp trở lại, kể cả trong trường hợp trẻ chưa được tiêm vaccine COVID-19, đừng chờ đợi tiêm vaccine xong mới đến trường.
Trước đó, trả lời phóng viên VOV.VN, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, điều quan trọng là khi đi học, cần đánh giá F1 chính xác và thực hiện biện pháp cách ly theo đúng quy định của Bộ Y tế, tránh việc không đánh giá đúng nguy cơ sẽ phòng chống dịch không hiệu quả. Nếu đánh giá nguy cơ thái quá dẫn đến tình trạng bắt trẻ nghỉ học, gây gián đoạn việc học của trẻ.
Thực tế, Việt Nam hiện nay đã có trên 80% dân số được tiêm vaccine COVID-19 - ngưỡng đạt miễn dịch cộng đồng. Bên cạnh đó, trẻ em là nhóm đối tượng ít bị ảnh hưởng, bị chuyển nặng và có tỷ lệ tử vong thấp nếu không may mắc bệnh. Đây cũng là những yếu tố để các gia đình yên tâm cho con em trở lại trường.
Sự đồng hành của cha mẹ
Tại Mỹ, theo một nghiên cứu, việc tiêm phòng cho những người đủ điều kiện, cùng với các chiến lược phòng ngừa khác như đeo khẩu trang là rất quan trọng để giảm tỷ lệ mắc COVID-19 nghiêm trọng ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Tuy nhiên, trong trường hợp trẻ buộc phải trở lại trường học, theo Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật COVID-19 của Tổ chức Y tế thế giới, cách tốt nhất để giữ an toàn cho trẻ chính là phòng ngừa. Đảm bảo trẻ biết vệ sinh bàn tay đúng cách với xà phòng hoặc nước sát khuẩn, biết lấy khuỷu tay che miệng khi ho hay hắt hơi.
“Đây là những thói quen tốt cần hình thành cho trẻ ngay từ khi còn bé”, tiến sĩ Maria Van Kerkhove nhấn mạnh. Cùng với đó là đảm bảo đeo khẩu trang đúng cách, khẩu trang được đeo qua tai, che mũi, miệng và tuyệt đối không chạm vào mặt ngoài của khẩu trang nếu không cần thiết.
Tuy nhiên, điều quan trọng để trẻ trở lại trường an toàn, đặc biệt là trẻ chưa tiêm phòng chính là sự đồng hành của cha mẹ. Ở bên ngoài có rất nhiều thông tin khó hiểu và thậm chí là đáng sợ. Vì vậy hãy dành thời gian để nói chuyện và trả lời những thắc mắc của trẻ để giảm bớt nỗi sợ hãi của chúng và đảm bảo chúng luôn nhận được những thông tin đúng đắn nhất. Một điều quan trọng nữa là giúp trẻ hình thành ý thức về giãn cách vật lý trong thời kỳ đại dịch.
Các nghiên cứu tới nay đều khẳng định, trẻ em có nguy cơ mắc COVID-19 như người lớn, song lại ít có nguy cơ bị bệnh nặng hơn. Hơn 50% trẻ em và thanh thiếu niên có thể bị COVID-19 không triệu chứng. Tuy nhiên, một số trẻ mắc bệnh cần phải nhập viện, điều trị tại phòng chăm sóc đặc biệt hoặc đặt máy thở. Một số tình trạng y tế nhất định có thể làm tăng nguy cơ mắc COVID-19 nghiêm trọng của trẻ như béo phì, tiểu đường, hen suyễn, tim bẩm sinh, yếu tố di truyền,,…
Những dấu hiệu và triệu chứng mắc COVID-19 phổ biến ở trẻ là ho và sốt. Các triệu chứng khác so thể bao gồm tức ngực, mất vị giác hoặc khứu giác, những thay đổi trên da, chẳng hạn như các vùng đổi màu trên bàn chân và bàn tay, viêm họng, buồn nôn, đau bụng hoặc tiêu chảy, ớn lạnh, đau nhức cơ bắp, đau đầu dữ dội, nghẹt mũi,… Các triệu chứng COVID-19 xuất hiện trung bình khoảng 6 ngày sau khi tiếp xúc và rất khó để biết con bạn có mắc COVID-19 hay một căn bệnh khác với các triệu chứng tương tự, chẳng hạn như cúm.
Những dấu hiệu cảnh báo khẩn cấp cần lưu ý bao gồm khó thở, đau dai dẳng hoặc có áp lực trong lồng ngực, không thể đánh thức hoặc tỉnh táo, hoặc da, môi hoặc móng tay nhợt nhạt, xám hoặc xanh - tùy thuộc vào màu da của con bạn. Nếu bạn cho rằng con mình có thể bị COVID-19, hãy nói chuyện với bác sĩ, giữ con bạn ở nhà và tránh xa những người khác, trừ khi được chăm sóc y tế. Nếu có thể, hãy cho trẻ sử dụng phòng ngủ và phòng tắm riêng biệt./.