Trẻ em chết đuối do không có chỗ học bơi?
VOV.VN -Vì sao nhiều giải pháp đã được triển khai, trong đó có việc dạy bơi, nhưng tình trạng trẻ em tử vong do đuối nước vẫn tăng cao?
Những ngày gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ trẻ em chết đuối thương tâm ở nhiều địa phương trên cả nước. Theo thống kê của Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), bình quân mỗi ngày có 9 trẻ em tử vong do đuối nước.
Mặc dù đã có nhiều giải pháp được thực hiện để giảm thiểu tình trạng này như: dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn dưới nước cho trẻ em… Tuy nhiên, những giải pháp đưa ra dường như chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Trong vòng 1 tháng qua, trên cả nước xảy ra nhiều vụ trẻ em chết đuối hết sức thương tâm. Mới đây nhất, chỉ trong 1 ngày (29/5) có 6 em nhỏ ở Nghệ An tử vong do đuối nước. Trước đó là vụ 9 trẻ em học lớp 6 tử vong khi tắm sông tại Quảng Ngãi vào ngày 15/5; 3 học sinh lớp 11 tử vong khi tắm biển ngày 8/5 tại tỉnh Nam Định…
Nhiều vụ đuối nước do trẻ thiếu kỹ năng (Ảnh minh họa) |
Câu hỏi được đặt ra là vì sao nhiều giải pháp đã được triển khai, trong đó có việc dạy bơi cho trẻ nhưng tình trạng trẻ em tử vong do đuối nước vẫn tăng cao vào dịp hè, nhất là tại các tỉnh miền Trung, nơi có nhiều bãi biển, sông suối, ao hồ?
Bà Phan Thị Mai Hương, Phó Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh cho biết, từ đầu năm đến nay, ở địa phương này đã có 11 em tử vong do đuối nước. Do thời tiết nắng nóng, ao, hồ, sông, suối nhiều nên trẻ thường rủ nhau đi tắm.
Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh giám sát con chưa chặt nên đã để xảy ra nhiều trường hợp chết đuối rất thương tâm. Vấn đề dạy bơi cho trẻ cũng chưa thực sự hiệu quả do ở Hà Tĩnh hiện mới có 5 bể bơi quy mô. Việc tận dụng ao, hồ và các bãi biển để dạy bơi cho trẻ cũng chưa nhiều.
Bà Phan Thị Mai Hương nói: “Việc dạy bơi cũng khó khăn vì không có chỗ để dạy cho các cháu. Nhiều khi phải đi thăm dò những ao, hồ, vùng biển nông để dạy bơi nhưng cũng khó. Cho nên, không có chỗ và chỗ đó không an toàn thì họ cũng không dám dạy. Vì thế số lượng các lớp dạy bơi cũng đang bị hạn chế. Chúng tôi cũng chỉ tuyên truyền và triển khai ở những chỗ thuận lợi và cơ bản đảm bảo an toàn, còn không đảm bảo an toàn thì cũng không ai dám đứng ra để làm, để tổ chức”.
Khảo sát của Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho thấy, hiện mới chỉ có 35% trẻ em ở đồng bằng sông Cửu Long và 10% trẻ em khu vực đồng bằng sông Hồng biết bơi. Tỷ lệ này càng thấp hơn nữa với vùng miền núi. Với trẻ em thành phố, tỷ lệ biết bơi ngày càng thấp so với trẻ em nông thôn.
Để giảm thiểu tình trạng chết đuối ở trẻ em vào dịp hè, những năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai nhiều mô hình dạy bơi cho trẻ em trong các trường học, đặc biệt là trường tiểu học và trung học cơ sở. Theo ông Dương Văn Bá, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo), ngành Giáo dục và Đào tạo không thiếu nhân lực dạy bơi nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay là cơ sở vật chất phục vụ việc dạy bơi.
Để đầu tư hệ thống bể bơi trong các trường học là khó khả thi do kinh phí tốn kém. Để tăng tỷ lệ trẻ em biết bơi, chủ trương Bộ Giáo dục và Đào tạo kêu gọi xã hội hóa trong việc đầu tư xây dựng bể bơi trong trường học, xây dựng thiết chế liên kết giữa trường học và cơ sở có bể bơi tại cơ sở để học sinh học bơi. Tuy nhiên, giải pháp này cũng chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu thực tế.
Bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khẳng định, thời gian vừa qua, Bộ đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành triển khai các chương trình phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em, trong đó có chương trình phòng, chống đuối nước, quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan quản lý nhà nước cũng như địa phương.
Dạy bơi cho trẻ là việc làm cần thiết, không thể lấy lý do thiếu bể bơi, thiếu cơ sở vật chất để chậm triển khai việc dạy bơi, học bơi.Việc dạy bơi cho trẻ em cần phải linh hoạt. Các địa phương nên rà soát các mô hình dạy bơi phù hợp, như dùng bạt chống thấm để tạo ra các hồ bơi, dùng lưới ngăn các góc sông để tập bơi cho trẻ.
Đối với các bể bơi sẵn có, cần huy động các tổ chức từ thiện hỗ trợ một phần tiền phí học bơi cho các trẻ. Quỹ bảo vệ trẻ em của Bộ cần nghiên cứu và sớm triển khai đề án hỗ một phần kinh phí dạy bơi cho trẻ, nhất là vùng có nguy cơ đuối nước cao.
Những vụ tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra trong thời gian vừa qua cho thấy, gia đình mà cụ thể là ông bà, cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần có trách nhiệm hơn nữa trong việc giám sát, bảo vệ con em mình.
Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức về phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ, tạo mọi điều kiện để trẻ em được tham gia học bơi. Có như vậy, tình trạng trẻ em chết đuối mỗi dịp hè không còn là nỗi ám ảnh./.