Trẻ mồ côi sẽ được chăm sóc tại các “gia đình thay thế”
VOV.VN -Những “gia đình thay thế” nếu được xã hội, nhà nước hỗ trợ thêm một khoản ngân sách thì các em bé mồ côi được chăm sóc tốt hơn.
Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) sẽ được đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII. Dự thảo gồm 6 chương với 96 điều (tăng 36 điều so với Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em hiện hành), có nhiều điểm mới, trong đó tập trung bổ sung, sửa đổi các quy định về quyền và bổn phận của trẻ em; bảo đảm các quyền được tham gia của trẻ em; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền trẻ em…
“Giọt máu đào hơn ao nước lã”
Theo nhiều ý kiến, mục 2 chương III quy định về “Chăm sóc thay thế” là một trong những điểm mới của dự thảo Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) lần này. Trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa vẫn được những ông bố, bà mẹ đơn thân, hoặc cô dì chú bác hai bên vẫn chăm sóc. Quan niệm “một giọt máu đào hơn ao nước lã” là truyền thống của người Việt Nam, điều này sẽ giúp các em được sống trong tình yêu thương của người họ hàng.
Đưa trẻ mồ côi vào trung tâm bảo trợ là biện pháp sau cùng (Ảnh minh họa) |
Bên cạnh đó, rất nhiều gia đình hiếm con, có tâm vẫn mong muốn nhận những em bé mồ côi về nuôi. Tuy nhiên, những gia đình đó chưa được “phủ sóng” chính sách của nhà nước.
Do đó, theo các chuyên gia, những "gia đình thay thế” nếu được xã hội, nhà nước hỗ trợ thêm một khoản ngân sách thì các em bé được chăm sóc tốt hơn. Điều này sẽ giúp các em nhỏ được sống trong mái ấm gia đình, thay vì đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội, trong khi việc này còn tốn kém hơn rất nhiều.
ThS. BS. Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD), nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH) dẫn chứng: “Năm 2013, tổng số kinh phí trợ giúp cho các cơ sở nuôi dưỡng, các trung tâm bảo trợ xã hội là 129 tỷ đồng, trong đó từ ngân sách nhà nước là 108 tỷ đồng.
Khoản ngân sách này thay vì đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội, nếu chia về các gia đình hỗ trợ những ông bố, bà mẹ trực tiếp nuôi dưỡng các em bé, thì sẽ không bị thất thoát. Bởi có thực trạng trong các trung tâm bảo trợ có hiện tượng xà xẻo, rơi rụng ở các cấp trung gian, khi đến các em còn rất ít ỏi. Cho nên cần thiết phải quy định trong luật”.
Đưa trẻ vào trung tâm là biện pháp cuối cùng
Dự thảo luật Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) quy định 9 điều về chăm sóc thay thế, đặc biệt là hình thức chăm sóc thay thế tại cộng đồng và gia đình, được người thân chăm sóc và nuôi dưỡng, được gọi là “chăm sóc nhận nuôi tại cộng đồng”.
BS. Nguyễn Trọng An cho biết: “Mô hình này chúng tôi được sang học tập tại Saint Peterburg (Nga) năm 2009. Họ làm rất tốt mô hình này khi chăm sóc những em bé có cha mẹ nghiện rượu, đi tù, chết… Đầu tiên là vốn của dự án 100%, sang năm thứ 2 là nhà nước 30, dự án 70%; năm thứ 3 là 50/50; sang năm thứ 4 nhà nước chịu trách nhiệm hoàn toàn và họ vẫn duy trì mô hình này rất tốt. Vì thế khi dự án rút đi vẫn mang tính bền vững”.
Theo phân tích, tại Việt Nam, phương thức chăm sóc thay thế quan trọng nhất là chăm sóc tại gia đình và cộng đồng, người thân. Phương thức thứ 2 là không phải người thân, nhưng là người có tâm chăm sóc trẻ trong một giai đoạn tạm thời khi cha mẹ em bé vì lý do nào đó không nuôi dưỡng được các em, không có điều kiện để chăm sóc các em.
Nâng độ tuổi trẻ em lên 18 có trái luật?
Phương thức thứ 3 là nhận con nuôi. Điều này được quy định trong Luật con nuôi. Em bé được nhận, nuôi dưỡng như một người con trong gia đình. Cuối cùng, không còn cách nào khác thì mới được đưa em bé vào trong trung tâm bảo trợ xã hội và các trung tâm nuôi dưỡng tập trung.
Các chuyên gia nhận định, việc quy định trong luật về hình thức chăm sóc thay thế thể hiện sự văn minh, ưu việt, hướng đến mục tiêu trẻ em được chăm sóc trong môi trường gia đình. Đưa trẻ em vào các cơ sở bảo trợ xã hội chỉ là biện pháp cuối cùng khi không tìm được gia đình thay thế cho các em./.