Trên 95% nước thải sinh hoạt xả thẳng ra môi trường
VOV.VN - Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết trên 95% nước thải sinh hoạt xả thẳng ra môi trường trong khi năng lực xử lý của làng nghề truyền thống hạn chế.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) về tình trạng ô nhiễm trên các lưu vực sông Đáy, sông Nhuệ, sông Cầu, sông Châu Giang càng ngày càng phức tạp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thừa nhận môi trường nói chung và lưu vực sông nói chung chưa cải thiện.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thừa nhận, trên 95% nước thải sinh hoạt xả trực tiếp ra môi trường. (Ảnh: VTV). |
Theo Bộ trường Trần Hồng Hà, có 3 nguyên nhân. Thứ nhất, nguồn thải khu công nghiệp tuy cơ bản đã kiểm soát và có biện pháp cụ thể, giám sát trước khi xả thải. Tuy nhiên khó khăn là chưa chú ý thu gom nước thải, hạ tầng đô thị yếu kém. Trên 95% nước thải sinh hoạt xả thẳng ra môi trường. Trong khi các làng nghề truyền thống năng lực hạn chế nên gây ô nhiễm.
Thứ hai, nguồn lực nhà nước lại có hạn. Trên thực tế thời gian qua đã xác định những địa phương xả nước thải chưa qua xử lý nhiều, xác định nguồn nước thải từng địa phương, huy động xã hội hóa và huy động nguồn lực từ tư nhân.
Để xử lý tình trạng ô nhiễm nước các lưu vực sông hiện nay, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết Bộ đã đưa ra 3 giải pháp: Xác định từng thành phố chịu trách nhiệm với xả thải; Thu gom rác thải và, từng bước để người dân tham gia vào đóng góp chi phí để xử lý rác thải.
Giải pháp đề ra là buộc từng thành phố chịu trách nhiệm với nguồn thải của mình. Sau nữa là thu hút các nguồn vốn xã hội hoá tham gia việc xử lý nước thải. Với trách nhiệm của từng địa phương, Bộ sẽ xác lập nguồn giám sát giữa địa phương này với địa phương kia. Bộ TN-MT sẽ là người đánh giá nguồn thải của các địa phương cũng như cung cấp công nghệ chuẩn.
Về vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt, Bộ trưởng xác định đây là vấn đề bức xúc hiện nay. Vấn đề này không chỉ có Bộ TN-MT mà còn có Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm vấn đề quy hoạch, Bộ KH-CN chịu trách nhiệm vấn đề xác định công nghệ, nhất là công nghệ xử lý rác.
Bộ trưởng khẳng định nguyên tắc là kiểm soát rác thải nhựa, coi rác thải là nguồn tài nguyên để tiến tới có những nhà máy năng lượng điện từ rác thải hoặc biến rác thải thành phân hữu cơ. Sau khi thẩm định, Bộ TN-MT sẽ công bố công nghệ được chọn cho địa phương được biết.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, "Tôi tin rằng, với cơ chế đầu tư từ nhà nước và xã hội hóa thì sẽ giải quyết được vấn đề ô nhiễm trong tương lai gần"./. Phát hiện vụ xả thải trái phép gần 3 tấn nhớt cặn ra môi trường