Triển khai các biện pháp phòng chống mưa lũ ở Nam Trung bộ

 Đến thời điểm này, công tác chỉ huy phòng chống mưa lũ tại Khánh Hoà vẫn đảm bảo an toàn.

Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp tại các tỉnh từ Khánh Hoà đến Ninh Thuận, chiều 1/11, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương đã cử một đoàn công tác vào Khánh Hoà do Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương Nguyễn Xuân Diệu làm Trưởng đoàn. Đến sáng 2/11, đoàn đã hoàn thành việc kiểm tra công tác đối phó với mưa lũ tại Khánh Hoà.

Về việc vận hành đảm bảo an toàn hệ thống hồ chứa tại địa phương, Trưởng đoàn công tác, ông Nguyễn Xuân Diệu, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi cho biết: “Tình hình ứng phó với mưa lũ ở Khánh Hoà cơ bản tốt. Chủ tịch tỉnh Khánh Hoà trực tiếp chỉ đạo việc này, đã cử người thường trực tại các hồ đập nước lớn để điều hành, nắm diễn biến lượng mưa liên tục, từng giờ một. Đến thời điểm này, lượng mưa tại Khánh Hoà lên tới 500-600mm nhưng vẫn giữ được an toàn hồ chứa. Hiện nay, ở Khánh Hoà mưa đã ngớt và hồ đập ở Khánh Hoà đã đảm bảo được an toàn”.

Ông Nguyễn Xuân Diệu cũng cho biết thêm, trong đợt lũ này, Khánh Hoà có 4 người chết, nhưng không phải do bị lũ cuốn mà do các tai nạn như: điện giật, đổ tường, do bất cẩn gây ra. Hiện nay, đoàn công tác đang trên đường vào Ninh Thuận để thị sát tình hình các hồ đập, kiểm tra công tác đối phó với mưa lũ tại địa phương.

Trong ngày 2/11, Bộ Y tế ban hành Công điện khẩn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Bà Rịa Vũng Tàu, các tỉnh Tây Nguyên và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế triển khai các biện pháp phòng chống mưa lũ.

Bộ Y tế yêu cầu, Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế theo dõi diễn biến của thời tiết và có kế hoạch phòng chống mưa bão và lũ trên các sông cụ thể với từng địa phương, đề phòng thời tiết có diễn biến phức tạp, phạm vi ảnh hưởng lớn.

Sở Y tế các tỉnh, thành phố chủ động triển khai ngay các phương án bảo vệ hoặc di dời cơ sở y tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế cũng như trang thiết bị y tế tại các vùng có nguy cơ xảy ra mưa bão; lên kế hoạch chủ động sơ tán cơ sở y tế ở những vùng trũng thấp, và vùng có nguy cơ ngập úng, lũ quét, lũ ống xảy ra ở những địa hình có nhiều đồi núi, độ dốc lớn. Đồng thời, có kế hoạch tăng cường dự trữ cơ số thuốc, hóa chất tại địa phương, tránh xảy ra tình trạng thiếu thuốc  phục vụ phòng chống lụt bão. Các cơ sở y tế tổ chức trực ban cấp cứu cả ngày đêm, sẵn sàng thu dung và cấp cứu miễn phí cho nạn nhân do mưa lũ gây ra. Các đội cấp cứu cơ động sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả do mưa, bão gây ra.

Mưa lũ vẫn diễn biến phức tạp

Tại Khánh Hòa: Từ đêm qua đến sáng 2/11, tại Khánh Hòa và Phú Yên, tình hình mưa lũ tiếp tục phức tạp, gây nhiều thiệt hại cho người và tài sản của nhân dân. UBND tỉnh Khánh Hòa đã họp khẩn cấp để chỉ đạo công tác phòng chống bão lũ. Tại Phú Yên mực nước các sông đang lên trên báo động 3.

Mưa lớn kéo dài buộc nhiều hồ thủy lợi ở Khánh Hòa như: Láng Nhớt, Suối Dầu, Sông Trâu... phải xả lũ, khiến mực nước vùng hạ lưu lên nhanh, chảy mạnh, tạo thành lũ gây sạt lở nhiều cầu, tràn và đường giao thông trong toàn tỉnh.

Tại huyện Diên Khánh, kè bờ sông Cái đoạn cầu Phú Cốc đến Tỉnh lộ 8, xã Diên Lâm bị sạt lở. Tỉnh lộ 2 đoạn qua xã Diên Sơn do nước chảy xiết từ sườn đồi làm sạt lở nhiều đoạn, tổng chiều dài sạt lở khoảng 1km.

Tuyến đường nối Nha Trang - Đà Lạt cũng bị sạt lở nhiều điểm, ngành giao thông vận tải đã cấm xe cộ qua lại. Hiện, các đường vào thành phố Nha Trang như đường 2.4, 23.10 đều đã bị ngập sâu. Riêng đại lộ Nguyễn Tất Thành, nối sân bay Cam Ranh với thành phố Nha Trang đã bị sạt lở nghiêm trọng, không thể đi lại được. Ông Nguyễn Công Định, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Trên đèo Cù Hin có nhiều vị trí sạt lở, nặng nhất tại KM 12+700, 12+800, chúng tôi đang đến KM 15, khối lượng sạt lở tràn mặt đường dài mỗi đoàn 30-40m, hiện nay đang huy động xe máy, san gạt để đảm bảo 1 làn xe chạy”.

Từ 9h sáng 1/11, hồ Sông Trâu bắt đầu xả lũ với cường độ lớn càng làm cho nước lũ vùng hạ lưu dâng cao nên trước đó, lực lượng chức năng phải di dời toàn bộ 217 hộ dân của thôn Mỹ Thanh, xã Cam Thịnh Đông, thị xã Cam Ranh, địa phương ở hạ lưu hồ Sông Trâu đến nơi an toàn. Hiện nay, hàng loạt hồ thủy lợi ở Khánh Hòa đang xả lũ, vì vậy mực nước tại Khánh Hòa đang và sẽ tiếp tục dâng cao, hàng vạn ngôi nhà đang ngập trong nước, hàng vạn người dân đang phải chống chọi với lũ dữ.

Ông Đào Công Thiên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Chúng tôi phải căn cứ vào điều kiện thời tiết, mức triều và khả năng tích nước trong hồ, xem xét đến hạ lưu. Chúng tôi thả nước vào ban ngày, ban đêm xả cầm chừng, do đó tránh thiệt hại hạ lưu, đồng thời đảm bảo mực nước trong hồ. Di tân dân ở những vùng trũng ngập lụt, quan sát lũ trên hồ đổ về, để tránh thiệt hại tài sản và tính mạng con người”.

Tại Phú Yên, mưa lớn kéo dài trong những ngày qua đã làm nước các sông trên địa bàn tỉnh Phú Yên lên nhanh. Trưa 2/11, nước trên sông Kỳ Lộ lên mức báo động cấp 3. Nước lũ lên nhanh đã làm cho nhiều vùng dân cư vùng trũng thấp ở các xã: Xuân Sơn Bắc, Xuân Sơn Nam, Xuân Quang 3, Xuân Phước, huyện Đồng Xuân bị ngập lụt và chia cắt.

Ban Chỉ huy Phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn huyện Đồng Xuân phối phối hợp với chính quyền các địa phương khẩn trương di dời gần 120 hộ dân đến nơi an toàn.

Lũ lụt cũng đã làm 2 người dân tại huyện Đồng Xuân mất tích. Đó là ông Đặng Ngọc Kỳ, 50 tuổi và con gái là Đặng Thị Mai, 24 tuổi ở thôn Lãnh Cao, xã Xuân Lãnh. Ngay sau khi xảy ra sự việc, chính quyền và nhân dân địa phương triển khai tìm kiếm nhưng đến sáng nay vẫn chưa thấy hai nạn nhân. Như vậy, đến thời điểm này, tại tỉnh Phú Yên đã có 2 người chết và 2 người mất tích do mưa lũ.

**  Tại Khánh Hòa: Tan hoang, thảm thương, đau lòng… là những gì còn sót lại sau tai nạn lở đất, sập nhà vì mưa lũ ở thôn Thành Phát (xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) vào sáng 2/11. Lở đất đã cướp đi sinh mạng của cháu Võ Ngọc Nhất 11 tuổi, cháu Võ Vũ Thành Huy 3 tuổi bị chấn thương sọ não đang nằm cấp cứu ở Bệnh viện Tỉnh.

** Tại Ninh Thuận: Tối 1/11, mưa lớn trở lại trên địa bàn Tỉnh khiến cho nước lũ hôm trước tiếp tục dâng cao, nhiều địa phương trong tỉnh bị ngập lụt, một số nơi bị cô lập hoàn toàn, các tuyến đường giao thông huyết mạch như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 27 và tuyền đường sắt Bắc – Nam bị chia cắt gây khó khăn cho công tác cứu hộ. Trước tỉnh hình trên, để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, tỉnh Ninh Thuận đã huy động lực lượng bộ đội, công an và lực lượng dân phòng, dân quân tự vệ khẩn trương đưa người  dân ở những vùng xung yếu đến nơi an toàn. 

Mưa lớn suốt đêm 1/11, đã làm cho nước ở các sông trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận lên cao, nhiều địa phương trong tỉnh đã bị ngập lụt, nay tiếp tục bị ngập chìm trong nước. Không chỉ ở các vùng sâu, vùng xa, vùng trũng mà ngay ở tại TP.Phan Rang – Tháp Chàm và vùng phụ cận nước đã ngập phần lớn khu dân cư, từ 0,5 đến vài mét, gây ắch tắc giao thông trầm trọng.

Theo báo cáo chưa đầy đủ của Ban Chỉ huy Phòng chống bão lụt Ninh Thuận: toàn tỉnh đã có hàng chục ngôi nhà sập, hơn 1.100 ngôi nhà ngập nước từ 2 đến 3m; gần 9.000 ha lúa và hoa màu các loại bị ngập chìm trong nước. Hàng nghìn mét đường giao thông nông thôn bị sạt lở; có 7 chiếc ghe của ngư dân huyện Thuận Nam bị chìm; hơn 70 ha tôm nuôi bị mất trắng.

Huyện Thuận Nam là một trong những địa phương bị nước lũ cô lập nhiều nơi. Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, ngay từ khi có mưa lớn, Ban Chỉ huy Phòng chống bão lụt huyện đã khẩn trương triển khai các phương án phòng chống lũ theo phương châm “4 tại chỗ”, nhất là chuẩn bị các phương tiện để tổ chức di dân ở các vùng có nguy cơ sạt lở đất, vùng ven biển và vùng trũng đến nơi an toàn. Nhờ vậy, khi lũ đến, huyện Thuận Nam đã phối hợp với lực lượng chức năng nhanh chóng di dời toàn bộ người dân vùng bị ngập lụt về nơi an toàn.

Công tác cứu hộ dân cũng được thực hiện một cách tích cực tại xã Thành Hải, thành phố Phan Rang Tháp Chàm và xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải. Đây là 2 địa phương thường xuyên bị ngập lụt mỗi khi mùa mưa đến. Tuy nhiên, so với mọi năm, do mưa quá to nên năm nay phần lớn nhà ở của dân ở 2 địa phương này đều bị ngập chìm trong biển nước. Nước lũ về bất ngờ đã làm cho hàng trăm người dân bị mắc kẹt phải nhờ đến lực lượng cứu hộ.

Ông Thái Ngọc Anh, xã Thành Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm tỉnh Ninh Thuận sau 1 đêm ngâm mình trong nước lũ, 10h sáng 2/11, mới đựơc lực lượng cứu hộ phát hiện đưa về nơi an toàn.

Tính đến nay, Tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức di dời được hơn 3.000 hộ với trên 12.000 khẩu đến nơi an toàn. Các địa phương đã tổ chức nơi ăn, ở, đảm bảo cho người dân không bị đói và rét. Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận đã kịp thời đến thăm hỏi và động viên người dân an tâm tránh lũ, không nên trở về nhà khi nước lũ chưa rút. Nói về nhiệm vụ trước mắt của tỉnh, ông Đỗ Hữu Nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận nói: “Những nơi nào bà con đang còn bị cô lập sẽ phải đưa đến nơi an toàn ngay và lo trợ giúp cho bà con về ăn uống nghỉ ngơi, nơi cư trú. Đối với những vùng xung yếu phải thường trực để ứng phó với diễn biến xấu xảy ra. Đảm bảo những khu vực nguy hiểm không cho bà con qua lại, tránh thiệt hại về người”.

Các tuyến đường giao thông Quốc lộ 1A và 27, tỉnh lộ và các tuyến đường liên huyện, liên xã đang bị ngập sâu từ 0,1-0,5m và nhiều tuyến đường bị chia cắt. Tuyến đường sắt Bắc-Nam cũng bị ngập nước, chia cắt nhiều nơi khiến cho 650 hành khách đi tàu bị kẹt tại Ga Tháp Chàm và Ga Hòa Trinh.

Tỉnh đang chỉ đạo lực lượng Công an và lực lượng chức năng phân luồng, phân tuyến, hướng dẫn các phương tiện giao thông đi lại an toàn, đồng thời chuẩn bị phương án để đưa hành khách đi tàu bằng ô tô khi điều kiện cho phép.

Hiện tại, ở Ninh Thuận thời tiết vẫn đang diễn biến phức tạp, tỉnh đang huy động lực lượng vũ trang gia cố đê bao Sông Dinh nhằm tránh để nước lũ tràn vào thành phố ngập nhà dân. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi để phản ánh kịp thời công tác khắc phục hậu quả thiên tai của địa phương này.

Mưa lớn kéo dài trong những ngày qua trên địa bàn huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận đã làm ngập một số tuyến đường và khu dân cư, gây khó khăn trong việc sinh hoạt, đi lại và làm thiệt hại tài sản, hoa màu của nhân dân.

Tại đây, có 2 điểm bị ngập nặng nhất là xã Ngũ Phụng và Tam Thanh, nhiều điểm ngập sâu từ 0,5 đến 1 m; các phương tiện giao thông bị đình trệ; các hộ dân trong khu vực này đều chìm trong nước khiến mọi sinh hoạt của bà con hết sức khó khăn.

Ông Đỗ Hữu Tường, Chủ tịch UBND xã Ngũ Phụng, huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận cho biết, xã đã huy động hết lực lượng, phối hợp với lại cơ quan quân sự huyện và Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão huyện chuyển vật liệu, của cải tài sản của bà con, vận động di dời bà con đến nơi cao để mà trú ẩn trong thời gian này.

** Tại Sóc Trăng: Sáng 2/11, gần 160 học sinh mẫu giáo của trường mẫu giáo Ngọc Tố, thuộc xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng không vào lớp học được vì trường học ngập nước trầm trọng. Các giáo viên phải di chuyển bàn ghế của học sinh lên bục giảng để tạm, nhiều simili được trải trên nền phòng học được cuốn lên đem phơi khô để tránh tình trạng hư mục.

Theo cô Triệu Thị Oanh, Hiệu trưởng trường mẫu giáo Ngọc Tố cho biết: “Do mực nước sông Ngọc Tố và trong sân trường ngang bằng nhau nên vấn đề thoát nước gặp rất nhiều khó khăn”. (Thu Quỳnh)

Chung tay hỗ trợ đồng bào bị lũ lụt

Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cùng Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Tổng Công ty truyền thông đa phương tiện (VTC) và các đối tác liên quan đang khẩn trương triển khai kế hoạch mua 400 tấn gạo, 1.000 con bò sinh sản để tặng các gia đình nghèo miền Trung bị mất hết tài sản trong đợt lũ lịch sử vừa qua.

Theo kế hoạch, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đang phối hợp cùng các bên liên quan triển khai mua 400 tấn gạo để hỗ trợ lương thực 6 tháng cho từ 50.000 – 60.000 gia đình; mua 1.000 con bò sinh sản tặng các gia đình nghèo bị mất hết tài sản trong đợt lũ; hỗ trợ xây dựng 500 căn nhà (trị giá 30 triệu đồng/nhà) cho những gia đình nghèo nhất bị mất nhà; 7.000 thùng hàng gia đình…

Theo thông tin từ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, 400 tấn gạo sẽ được gửi đến đồng bào Nghệ An (100 tấn), Hà Tĩnh (150 tấn), Quảng Bình (150 tấn). 1.000 con bò sinh sản được gửi tặng cho đồng bào 5 xã thuộc các huyện Minh Hoá, Lệ Thủy, Quảng Trạch tỉnh Quảng Bình (400 con); 5 xã thuộc các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh (400 con) và một số huyện nghèo của tỉnh Nghệ An (200 con)./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên