Trồng 5.100 cây tràm và dừa làm kè sinh thái chống sạt lở bờ sông
VOV.VN - Chiều 31/5, tại ấp Trường Hòa, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang phối hợp với Cục quản lý thị trường tỉnh và UBND huyện Châu Thành A tổ chức lễ trồng cây làm kè sinh thái và chống sạt lở.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Võ Quốc Sử - Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A nhấn mạnh, đây là hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chính quyền các cấp và tầng lớp nhân dân trong huyện về vai trò, tác dụng của việc trồng cây xanh không chỉ bảo vệ môi trường sinh thái mà còn góp phần làm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Đặc biệt là việc trồng cây tràm, dừa ven các tuyến sông, kênh, rạch sẽ có lợi ích rất lớn trong việc giữ phù sa, chống xói mòn, bảo vệ được tuyến lộ giao thông nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của bà con.
Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A kêu gọi toàn thể nhân dân trong huyện tiếp tục hưởng ứng, nhân rộng mô hình trồng cây xanh chống sạt lở bờ sông trên các tuyến kênh, sông, rạch trên địa bàn huyện trong thời gian tới.
Sau buổi lễ phát động, lãnh đạo Văn phòng Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, Cục quản lý thị trường tỉnh, UBND huyện Châu Thành A, chính quyền và bà con xã Trường Long A đã tiến hành trồng 5.100 cây xanh, gồm dừa và tràm, với chiều dài 500m. Tổng kinh phí thực hiện của đợt phát động này là 250 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa.
Những năm qua, tình hình sạt lở bờ sông ở tỉnh Hậu Giang diễn ra phức tạp. Từ thực tế đó mà mô hình kè sinh thái được Chi cục Thủy lợi tỉnh nghiên cứu, triển khai thí điểm tại một số tuyến kênh. Đến năm 2020, UBND tỉnh thống nhất cho chủ trương triển khai trên địa bàn toàn tỉnh trong chiến dịch giao thông nông thôn, thủy lợi và trồng cây xanh hàng năm. Chỉ tính riêng tại huyện Phụng Hiệp, đến nay đã xây dựng hơn 50.000 m2 kè sinh thái, với kinh phí hơn 5 tỷ đồng, phần lớn đều do người dân thực hiện.
Việc xây dựng kè sinh thái được xem là giải pháp hiệu quả, vừa tiết kiệm được chi phí, thân thiện với môi trường, lại giúp người dân có được nguồn thu nhập từ những loại cây trồng trên đất. Mô hình này được đánh giá rất phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 120 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu./.