Phá rừng trồng keo: Lợi một người, hại triệu người

Trồng rừng gỗ lớn, hướng đi bền vững

VOV.VN - Đã đến lúc chính quyền và người dân các địa phương miền Trung cần xem lại chuyện được mất từ việc trồng cây keo ngắn ngày ở vùng núi cao, từng bước chuyển sang trồng rừng gỗ lớn, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

LTS: Cây keo từng được xem là cây thoát nghèo và có thể làm giàu cho người dân vùng miền núi trong nhiều năm qua. Thế nhưng, sự phát triển quá nóng về cây keo đã phá vỡ qui hoạch, tình trạng phá rừng đầu nguồn để trồng keo tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và gây ra những hệ lụy khôn lường. Vậy giải pháp nào để phát triển bền vững? Trong bài viết thứ 2 với nhan đề “Trồng rừng gỗ lớn, hướng đi bền vững” chúng tôi sẽ đề cập đến vấn đề này.

Tròn một năm sau các vụ sạt lở đất kinh hoàng vùi lấp nhiều người ở huyện miền núi cao Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, nỗi đau vẫn nhức nhối. Tại nóc Ông Sinh thuộc thôn 1, xã Trà Vân, huyện Nam Trà My, nhiều người còn ám ảnh chuyện 8 người trong một gia đình bị thiệt mạng, nhiều người bị thương, hàng loạt ngôi nhà bị vùi lấp.

 Dưới đống bùn đất là ngổn ngang những thân cây keo, khô quắt đã một năm nay không ai đoái hoài. Đang vào mùa trồng rừng nhưng không mấy ai mặn mà với cây keo.

Ông Hồ Văn Sinh, ở xã Trà Vân, huyện Nam Trà My cho biết, bà con bây giờ thấy cây keo là sợ:  “Vừa rồi chỗ đồi kia, trồng keo bị sạt lở hết. Bây giờ, cây keo không ai dám trồng. Bà con sợ lắm rồi, bán cũng không được, xe lên khó khăn”.

Các chuyên gia lâm nghiệp cho rằng, cây keo có giá trị kinh tế cao, gỗ keo xuất khẩu chiếm tỷ trọng rất lớn. Việc phát triển cây keo là chủ trương đúng. Vấn đề đặt ra là, cây keo nên trồng ở vùng nào, giống keo nào cho phù hợp. 

Theo Phó Giáo sư - Tiến sỹ Đặng Thái Dương, Giảng viên Khoa Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế, hiện nay, các địa phương đã quy hoạch được 3 loại rừng, gồm: rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Tuy nhiên, công tác quản lý tại các địa phương còn lỏng lẻo, hiện tượng xâm lấn rừng phòng hộ, biến rừng phòng hộ thành rừng sản xuất để trồng keo còn xảy ra phổ biến. Người dân chạy theo lợi ích trước mắt để ồ ạt trồng cây keo mà phá vỡ quy tắc này.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đặng Thái Dương khuyến nghị, các địa phương cần tăng cường công tác quản lý sau quy hoạch các loại rừng: “Mặc dù, khu vực đó đã quy hoạch khu vực rừng sản xuất nhưng nếu ở chỗ đó sạt lở thường xuyên xảy ra, thì sở, ban ngành đó phải quy hoạch lại. Vùng đó không được trồng keo nữa mà phải trồng rừng phòng hộ, trồng cây bản địa”.

Chuyển dần sang trồng rừng gỗ lớn, thay thế trồng cây keo ngắn ngày là hướng đi bền vững, đạt mục tiêu về giá trị kinh tế lẫn môi trường được nhiều địa phương ở miền Trung thực hiện từ mấy năm nay. Trồng rừng gỗ lớn là tăng thời gian chăm sóc, khai thác rừng trồng lên gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với trồng rừng ngắn ngày, chủ yếu sử dụng cây bản địa như lim, chò, sao đen... Với  chu kỳ từ 12-15 năm tuổi, rừng rỗ lớn sẽ cho sản lượng gỗ xẻ cung cấp nguyên liệu phục vụ cho chế biến gỗ nội thất, thu nhập cao gấp 3 lần so với trồng keo ngắn ngày cung cấp gỗ băm dăm.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, tỉnh Quảng Nam đã định hướng lại hướng phát triển cho vùng miền núi, tập trung vào 3 mũi nhọn chính là: trồng rừng gỗ lớn, phát triển dược liệu dưới tán rừng và trồng cây ăn quả, thay thế dần diện tích cây keo ở miền núi cao.

“Quảng Nam là vùng đất hay hứng chịu thiên tai, một năm hứng chịu từ 4 - 5 cơn bão, có năm nhiều hơn. Cây keo lại rất mẫn cảm với bão. Khi bão vào, cây keo ngã đổ, giá trị còn lại cho người trồng keo coi như là bị âm. Chủ trương của tỉnh Quảng Nam muốn thay đổi triệt để cây keo bằng những loại cây khác”, ông Hồ Quang Bửu cho hay.

Theo ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, tỉnh đã có văn bản cấm mở rộng các nhà máy chế biến băm dăm mà khuyến cáo cho mở rộng nhà máy chế biến sản xuất sâu. Tỉnh này cũng khuyến khích các doanh nghiệp liên doanh, liên kết với các hộ gia đình để đầu tư trồng rừng gỗ lớn.

“UBND tỉnh đã giao cho ngành nông nghiệp xây dựng đề án kinh doanh trồng rừng gỗ lớn, hạn chế khai thác trồng rừng gỗ non để bán gỗ băm dăm như thời gian vừa rồi. Làm sao đó, trong 1 ha có 50% diện tích trồng chu kỳ 5 - 7 năm và 50% diện tích kinh doanh từ 10 - 15 năm để có gỗ lớn, lấy ngắn nuôi dài; khuyến khích các nhà đầu tư liên doanh, liên kết thành chuỗi”.

Hiệu quả trồng rừng gỗ lớn ngày càng thấy rõ, nhưng vì sao người dân không đầu tư, mở rộng sản xuất phát triển rừng gỗ lớn? Cần thấy rằng, phần lớn đồng bào miền núi lâu nay sống nhờ rừng trồng keo, chỉ vài ba năm là có thể khai thác rừng trồng, bán gỗ băm dăm có tiền trang trải cuộc sống. Bà con không đủ kiên nhẫn để chờ đợi hơn chục năm sau thu hoạch cây gỗ lớn. Mặt khác, trồng rừng gỗ lớn cần nhiều vốn đầu tư, nguy cơ rủi ro cao do thiên tai, trong khi việc trồng rừng gỗ lớn chưa có chính sách bảo hiểm cho rừng trồng.

Ông Trần Quang Bảo, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, Tổng cục đã tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trình Chính phủ ban hành một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp. Trong đó, có nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn, khuyến khích đầu tư trồng rừng gỗ lớn như: miễn, giảm tiền thuê đất, hỗ trợ chênh lệch lãi suất đối với hộ vay vốn ngân hàng thương mại, hỗ trợ giống, đầu tư hạ tầng lâm nghiệp để nâng cao khả năng vận chuyển, thí điểm bảo hiểm rừng trồng gỗ lớn… Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025, tương đương với khoảng 5,2 triệu ha rừng, trong đó, trồng rừng tập trung tại rừng đặc dụng và phòng hộ, chủ yếu sử dụng loài cây bản địa.

Theo ông Trần Quang Bảo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, giai đoạn 2021-2025, trong đó chú trọng bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, nâng cao chất lượng rừng tự nhiên.

“Mục tiêu là chú trọng là bảo vệ, khôi phục rừng tự nhiên. Mỗi năm bình quân phải thực hiện khoanh nuôi, tái sinh trồng rừng bổ sung khoảng 150.000 ha rừng, có trồng rừng bổ sung để nâng cao năng suất, chất lượng rừng. Đồng thời, tăng cường đầu tư, ưu tiên nguồn vốn, trồng các loại rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ với các loài cây bản địa có khả năng phòng hộ tốt, sẽ giảm được thiệt hại thiên tai và nâng cao khả năng phòng hộ của rừng”, ông Trần Quang Bảo nhấn mạnh.

Thực tế không thể phủ nhận giá trị kinh tế của cây keo mang lại trong đời sống người dân thời gian qua. Thế nhưng, tình trạng người dân phá rừng, ồ ạt trồng cây keo ở vùng núi cao cho thấy lợi bất cập hại. Nạn phá rừng tự nhiên, chặt hạ rừng đầu nguồn để trồng keo, lợi một người nhưng hại đến hàng triệu người. Hậu quả nhãn tiền là những trận lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt lịch sử gây tổn thất nặng nề về người và tài sản.

Đã đến lúc chính quyền và người dân các địa phương miền Trung cần xem lại chuyện được mất từ việc trồng cây keo ngắn ngày ở vùng núi cao, từng bước chuyển sang trồng rừng gỗ lớn, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Đây cũng là hướng đi phù hợp trong bối cảnh rừng tự nhiên bị thu hẹp và thiên tai ngày càng cực đoan./.

>> Phá rừng tự nhiên đến đâu, cây keo mọc lên đến đó

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Phá rừng, chiếm đất lâm trường để trồng keo ở Quảng Trị
Phá rừng, chiếm đất lâm trường để trồng keo ở Quảng Trị

VOV.VN -Hàng loạt cây rừng trồng ở Tiểu khu 775, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị bị người dân đốn hạ để chiếm đất trồng keo.

Phá rừng, chiếm đất lâm trường để trồng keo ở Quảng Trị

Phá rừng, chiếm đất lâm trường để trồng keo ở Quảng Trị

VOV.VN -Hàng loạt cây rừng trồng ở Tiểu khu 775, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị bị người dân đốn hạ để chiếm đất trồng keo.

Phá rừng tự nhiên đến đâu, cây keo mọc lên đến đó
Phá rừng tự nhiên đến đâu, cây keo mọc lên đến đó

VOV.VN - Trong 2 tháng 8 và 9 vừa qua, khi cả nước tập trung chống dịch Covid-19 thì trên địa bàn tỉnh Phú Yên liên tiếp xảy ra các vụ phá rừng đầu nguồn nghiêm trọng. Rừng bị tàn phá đến đâu cây keo mọc lên đến đó.

Phá rừng tự nhiên đến đâu, cây keo mọc lên đến đó

Phá rừng tự nhiên đến đâu, cây keo mọc lên đến đó

VOV.VN - Trong 2 tháng 8 và 9 vừa qua, khi cả nước tập trung chống dịch Covid-19 thì trên địa bàn tỉnh Phú Yên liên tiếp xảy ra các vụ phá rừng đầu nguồn nghiêm trọng. Rừng bị tàn phá đến đâu cây keo mọc lên đến đó.

Làm rõ trách nhiệm để xảy ra phá rừng tại rừng phòng hộ A Lưới
Làm rõ trách nhiệm để xảy ra phá rừng tại rừng phòng hộ A Lưới

VOV.VN - Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, qua kiểm tra hiện trường, xác minh hồ sơ, truy xuất dữ liệu đơn vị đã phát hiện vụ khai thác rừng trái phép tại khoảnh 7, Tiểu khu 312, xã Hương Phong thuộc Ban Quản lý Rừng phòng hộ A Lưới quản lý.

Làm rõ trách nhiệm để xảy ra phá rừng tại rừng phòng hộ A Lưới

Làm rõ trách nhiệm để xảy ra phá rừng tại rừng phòng hộ A Lưới

VOV.VN - Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, qua kiểm tra hiện trường, xác minh hồ sơ, truy xuất dữ liệu đơn vị đã phát hiện vụ khai thác rừng trái phép tại khoảnh 7, Tiểu khu 312, xã Hương Phong thuộc Ban Quản lý Rừng phòng hộ A Lưới quản lý.