Trung Quốc xả nước chỉ là giải pháp chống hạn tạm thời ở ĐBSCL
VOV.VN -Trung Quốc sẽ thực hiện xả nước giải quyết "cơn khát" của ĐBSCL. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng đây mới chỉ là giải pháp tạm thời.
Đáp lại công hàm của Bộ Ngoại giao Việt Nam đề nghị Trung Quốc phối hợp giải quyết vấn đề khô hạn tại lưu vực hệ thống sông Mê Kông, ngày 15/3, phía Trung Quốc cho biết sẽ thực hiện xả 2.190 mét khối nước/giây và trong thời gian từ 15/3 đến 10/4. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc Trung Quốc xả nước ở thượng nguồn cũng không cải thiện được nhiều khả năng đối phó với hạn và chống ngập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Ảnh minh họa |
Theo thông báo từ phía Trung Quốc, từ 15/3 đến 10/4, nước này tăng lưu lượng nước xả từ đập thủy điện Cảnh Hồng ở Vân Nam xuống khu vực hạ lưu từ mức 1.100 m³ /giây lên 2.190 m³ /giây, gấp đôi so với trung bình cùng kỳ nhiều năm. Một số chuyên gia cho rằng, thông báo xả nước của Trung Quốc là không khả thi khi hồ Cảnh Hồng có dung tích khoảng 1 tỷ mét khối nước, với mức xả 2000 m3/giây, nếu xả liên tục, dung tích hồ Cảnh Hồng chỉ xả khoảng 30 tiếng là hết nước. Tuy nhiên, thực tế, hồ Cảnh Hồng là bậc thang cuối trong hệ thống thủy điện của Trung Quốc trên sông Mê Kông gồm 5 hồ chứa, trong đó còn nhiều hồ rất lớn ở phía trên, như hồ Mãn Loan, Tiểu Loan… với tổng dung tích khả dụng khoảng 23 tỷ mét khối nước.
Giáo sư – Tiến sỹ khoa học Phạm Hồng Giang cho rằng, đợt xả nước này từ phía Trung Quốc có tác dụng không nhiều trong việc cứu hạn, đẩy mặn hạ du: “Đối với Trung Quốc, việc xả nước chạy thủy điện là phải làm thường xuyên, cho nên hạ du vẫn có nước xuống. Ngoài ra, Trung Quốc có đường thủy xuống bắc Lào, Thái Lan, phục vụ cho vận chuyển hàng hóa từ Vân Nam, vì vậy, họ vẫn phải duy trì một mức nước cố định. Với lưu lượng xả 2000 m³ /giây, chỉ bằng lưu lượng vào đồng bằng sông Cửu Long trong mùa khô thôi. Do vậy, việc có thể giúp cứu hạn, đẩy mặn ở hạ du rất hạn chế. Dòng chảy sẽ chảy qua các nước phía trên, trong khi, Thái Lan, Lào, Campuchia… cũng đang bị hạn rất nặng nề. Vì vậy, khi dòng chảy sông Mê Kông được cải thiện, các nước đó cũng phải tranh thủ. Như thế, nước có thể về đến đồng bằng sông Cửu Long sẽ còn rất ít. Chúng ta không nên kỳ vọng nhiều ở giải pháp này.”
Theo Ủy hội sông Mê Kông, sẽ có từ 27-54% lượng nước xả từ nhà máy thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) về đến đồng bằng sông Cửu Long trong khoảng 2-3 tuần nữa. Ủy hội sông Mê Kông sẽ tích cực giám sát lưu lượng nước được xả về từ Trung Quốc thông qua 48 trạm quan trắc trên hệ thống sông Mê Kông, trong đó có 2 trạm quan trắc trên địa phận Trung Quốc.
Ông Trần Đức Cường, phó Chánh văn phòng Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam cho biết: “Chúng tôi nhận thấy việc sử dụng được lượng nước thừa đó trên các hồ chứa có thể giúp giải quyết bài toán về khô hạn. Vì thế, chúng tôi khuyến cáo cho Bộ Ngoại giao thông qua các kênh ngoại giao, cơ chế hợp tác vùng làm việc với các quốc gia ở thượng lưu sông Mê Kông, yêu cầu xả nước để cứu hạn cho hạ lưu. Chúng tôi hy vọng với lượng xả 2 m³/ giây như thông báo của Trung Quốc, thì chúng ta sẽ giải quyết được phần nào đó khả năng tưới, cứu hạn dưới hạ lưu. Còn khả năng đẩy mặn phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến triều cường. Nếu đỉnh triều tiếp tục cao thì việc giải quyết mặn rất khó”.
Trong khi chờ đợi lượng nước xả từ hồ Cảnh Hồng (Trung Quốc) vượt qua hơn 3000km về đến đồng bằng sông Cửu Long, thì theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, trong thời gian tới, thời tiết tiếp tục nắng nóng khiến lượng nước ngọt bốc hơi cao, hao phí tự nhiên lớn. Kết hợp với những ngày triều cường, gió chướng mạnh, tình hình xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục diễn ra gay gắt.
Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: “Theo những số liệu dự báo mới nhất, hiện tượng El-Nino vẫn tiếp tục kéo dài đến tháng 6. Năm nay, mùa mưa cũng tiếp tục đến muộn, đâu đấy cuối tháng 5 sang đầu tháng 6 mới đến. Vì thế tình hình hạn hán sẽ càng gay gắt, nghiêm trọng hơn nữa, đặc biệt ở Tây nguyên, ven biển Trung Trung bộ, Nam Trung bộ và có thể mở rộng cả Bắc Trung bộ nữa”.
Theo Tiến sỹ Đào Trọng Tứ, mạng lưới sông ngòi Việt Nam, Trung Quốc chỉ chiếm 16% lưu lượng sông Mê Kông. Nếu yêu cầu phát điện phải trữ nước thì lượng nước tích trữ đó cũng gây tác động đến dòng chảy chung của sông Mê Kông.
Trong khi đó, đồng bằng sông Cửu Long chỉ có thể tự chủ 5% lượng nước, 95% lượng nước còn lại phụ thuộc các quốc gia ở thượng nguồn, vì vậy, cần phải chủ động hợp tác với các quốc gia này: “Khi chia sẻ chung một dòng sông, theo luật quốc tế, các quốc gia thượng nguồn và quốc gia hạ nguồn phải hợp tác với nhau và sử dụng nguồn nước một cách công bằng, hợp lý, không gây hại cho nhau. Rõ ràng và thái độ kiên quyết trong hợp tác là một trong những yếu tố rất quan trọng để giúp chúng ta tồn tại và phát triển. Ngoài ra, chúng ta cũng thực hiện các biện pháp chủ động ở hạ nguồn như chuyển đổi cơ cấu, tái cấu trúc nông nghiệp để làm thế nào sử dụng hiệu quả nguồn nước có lúc mặn, có lúc ngọt. Chúng ta phải chấp nhận ở mức độ nào đấy thiệt hại do thiên tai gây ra”.
Giải pháp tốt nhất hiện nay là sử dụng hiệu quả các công trình thủy lợi hiện có để đóng cống, đắp đập ngăn mặn giữ ngọt; đồng thời kêu gọi người dân tiết kiệm nước ngọt trong sản xuất và sinh hoạt. Chính phủ cần đầu tư hồ trữ nước ngọt ở các vịnh sâu trong đất liền, phục vụ cấp nước cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là vào mùa khô./.