Theo Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 9, cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Trong đó, lao động bị giảm thu nhập (với mức giảm thu nhập nhẹ) là 68,9%; lao động phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên là gần 40% và lao động buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 14%. 

Trong bối cảnh này, các Trung tâm dịch vụ việc làm phải đẩy mạnh hoạt động, trở thành chỗ dựa cho người lao động.

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, trong năm 2020, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tất cả lĩnh vực bao gồm đời sống, xã hội, kinh tế, du lịch… Đặc biệt thị trường lao động TP Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung đều bị ảnh hưởng. Trong giai đoạn từ tháng 2 đến 5/2020, Trung tâm buộc phải dừng việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm hằng ngày, từ thứ hai đến thứ sáu; đồng bộ hơn 15 đầu điểm sản đặt trên 15 quận, huyện thuộc địa bàn thành phố… để chuyển hướng sang cung cấp thông tin thị trường lao động.

Để làm được việc đó, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội đã chủ động tiến hành công tác thu thập về phía doanh nghiệp và nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động. Sau đó, tiến hành kết nối sơ bộ, định hướng, đưa ra danh sách những ứng viên phù hợp để gửi lại doanh nghiệp, cũng như để người lao động chủ động kết nối với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trung tâm còn hỗ trợ công tác hoạt động trực tuyến, như: phỏng vấn online, trao đổi công việc qua trực tuyến… Những hoạt động này đã được người lao động và doanh nghiệp đánh giá tốt.

Thứ hai, trong giai đoạn từ 1/6/2020, trung tâm tiếp tục tổ chức phiên giao dịch lao động hằng ngày, các phiên giao dịch lưu động tại các quận huyện bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Quy mô hạn chế và vẫn bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19.

Tính đến hiện tại, chúng tôi tổ chức hơn 150 phiên giao dịch. Kết quả, có gần 15.000 lao động được tuyển dụng trực tiếp thông qua các hoạt động này; hơn 6.000 doanh nghiệp tham gia phiên giao dịch. Bên cạnh đó, trong thời gian cách ly xã hội, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã chủ động, kịp thời triển khai thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho người lao động giải quyết hưởng chế độ BHTN. Chúng tôi bố trí thêm nhân lực, mở thêm các quầy tiếp nhận giải quyết hồ sơ. Hướng dẫn, phân luồng người lao động tại bộ phận tiếp nhận và giải quyết hồ sơ BHTN để bảo đảm công tác nhanh chóng, hiệu quả, giảm ùn tắc”, ông Thành cho biết. 

Về kết quả thực hiện, tính đến hết ngày 18/12/2020, Trung tâm đã tiếp nhận hơn 80.000 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, 333.340 lượt người đến thông báo tìm kiếm việc làm hằng tháng.

Còn theo ông Phạm Ngọc Khánh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ninh, Quảng Ninh là địa phương thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư. Tuy nhiên, nguồn lao động trên địa bàn không đủ để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng. Trong khi đó, một bộ phận lao động địa phương lại gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm. Thực trạng này đòi hỏi Trung tâm phải đổi mới các hoạt động trong công tác kết nối cung - cầu.

Trung tâm đã đổi mới cách thức kết nối giữa người lao động và doanh nghiệp bằng việc cung cấp thông tin việc làm, nhu cầu, yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp đến người lao động. Để làm được điều này, Trung tâm đã phân công cụ thể từng cán bộ đến doanh nghiệp để tìm hiểu nhu cầu của đơn vị.

Trên cơ sở đó, Trung tâm đẩy mạnh tuyên truyền bằng các hình thức: Thông báo tuyển dụng lao động trên website, trang facebook, tuyên truyền lưu động, tư vấn việc làm trực tiếp giúp người lao động tìm được việc làm, tiếp cận công việc phù hợp với trình độ. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để đơn vị, doanh nghiệp tìm lao động có trình độ tay nghề phù hợp với yêu cầu công việc. Việc ứng dụng công nghệ vào đăng tải thông tin, tổ chức giao dịch việc làm, kết nối cung - cầu đã giúp người lao động và các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận gần hơn với nhau.

Là tỉnh miền núi, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Hà Giang đã có nhiều hoạt động hỗ trợ lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc ở ngoài tỉnh, đi làm việc ở nước ngoài, phát triển lao động tham gia BHTN.

Đại diện Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Hà Giang cho biết, trong những năm qua, do yêu cầu của hoạt động cung cấp thông tin thị trường lao động cho người dân, do vậy Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Giang đã đẩy mạnh mở rộng thị trường lao động trong và ngoài nước, tham mưu Sở LĐ-TB-XH Hà Giang ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác cung ứng lao động Hà Giang cho các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh,...; cung ứng cho các doanh nghiệp Trung Quốc theo thỏa thuận, bước đầu hoàn thiện một số thủ tục đưa lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc. 

Với đặc thù là tỉnh có địa bàn cơ sở cách xa trung tâm hành chính, giao thông đi lại khó khăn, do vậy hoạt động cung cấp thông tin thị trường lao động đến người dân chủ yếu bằng hình thức lưu động, với các nội dung dễ nghe, dễ hiểu, như mời doanh nghiệp sử dụng lao động cùng với trung tâm về tổ chức phiên giao dịch tại các xã, cụm xã hoặc về thôn bản tuyên truyền thông qua các tuyên truyền viên là cán bộ thôn, cán bộ xã, người già có uy tín; hoặc sử dụng chính người công nhân của thôn bản đã đi làm việc tại doanh nghiệp về tuyên truyền. Tổ chức hội chợ việc làm tại các huyện hoặc cụm xã kết hợp sử dụng những tuyên truyền viên có uy tín đã khuyến khích lao động tìm kiếm thông tin việc làm, vị trí việc làm trống của các doanh nghiệp.

Với những nỗ lực trong kết nối lao động, trong giai đoạn 5 năm qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Giang đã tổ chức 625 phiên giao dịch việc làm tại các xã, thị trấn, các huyện; thu hút trên 200 lượt doanh nghiệp với gần 60.000 lượt lao động tham gia, trong đó đã có 8.314 lao động được trung tâm trực tiếp kết nối và đưa đi làm việc trong nước và nước ngoài. 

Ngoài số lao động được Trung tâm trực tiếp kết nối đưa về doanh nghiệp làm việc, đã có hàng ngàn lao động chủ động kết nối với doanh nghiệp để đi làm việc thông qua các phiên giao dịch do trung tâm tổ chức.

Đặc biệt, năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19, trung tâm đẩy mạnh việc giải quyết các thủ tục về BHTN, giới thiệu việc làm cho người lao động. Các phiên giao dịch việc làm đã tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tiếp xúc, trao đổi trực tiếp với người sử dụng lao động và các đơn vị, tổ chức; các bên trao đổi về nhu cầu tuyển dụng lao động, tuyển sinh đào tạo, về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quá trình làm việc, học tập; giúp người lao động tìm được việc làm và ngành nghề đào tạo thích hợp. 

Các phiên giao dịch cũng đã tăng cường thêm nhận thức cho các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân về lao động, việc làm và dạy nghề. Cung cấp thông tin về lĩnh vực lao động, việc làm, dạy nghề và thị trường lao động cho người lao động, người sử dụng lao động và cho các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề.

Hoạt động giao dịch việc làm của Trung tâm Dịch vụ việc làm đã rút ngắn thời gian người lao động đi tìm việc, giảm rủi ro khi đi tìm việc, giúp lao động sớm có việc làm, thu nhập ổn định, bảo đảm cuộc sống của bản thân và gia đình, góp phần giảm nhu cầu bức bách của xã hội về việc làm và thất nghiệp. 

Để nâng cao hiệu quả hoạt động, ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, trong thời gian tới, trung tâm tiếp tục tích cực phối hợp đơn vị liên quan các cấp từ Trung ương đến địa phương, các hội đoàn thể thực hiện các nội dung truyền thông, tuyên truyền đến người doanh nghiệp, người dân.

Đồng thời, tiếp tục sử dụng trực tuyến, mạng xã hội như Zalo, Facebook để truyền thông, hướng đến các nội dung tuyên truyền để thông tin của đơn vị đến với doanh nghiệp và người lao động nhiều hơn, tiếp tục mang nguồn thông tin đến tận nơi, tận cơ sở.

Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH) nhấn mạnh:  “Giao dịch việc làm trực tuyến hiện nay đang ở xu thế chuyển dịch mạnh mẽ trên mạng xã hội. Vấn đề đặt ra là xây dựng hệ thống quản trị của Nhà nước để quản lý, chứng nhận chất lượng về những sàn tuyển dụng lao động trực tuyến. Chúng ta có thể dùng quản trị nhà nước hiện đại trên nền tảng môi trường 4.0, kết hợp với dùng quản trị của thị trường thông qua thương hiệu, thông qua sự minh bạch.

Để làm được việc này, Cục Việc làm cũng đề xuất lên Bộ LĐ-TB-XH, lên Quốc hội để đưa ra những thể chế, bảo đảm cho phép giao dịch việc làm trực tuyến. Quan điểm của chúng tôi, nhà nước xây dựng thể chế, chính sách. Các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp phải xây dựng thương hiệu, chứng nhận chất lượng trên không gian mạng khi muốn giao dịch việc làm”.

Cục trưởng Cục Việc làm cũng cho rằng, hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm đã được thiết kế và vận hành đã có hiệu quả trong 10 năm qua nhưng thực tế đối với sự thay đổi hiện nay, vẫn còn nhiều vấn đề. Hiện nay Bộ LĐ-TB-XH  đang sửa đổi Nghị định về các trung tâm dịch vụ việc làm và giao dịch.

Ông Bình cho rằng, hiện nay, không phải chính quyền địa phương nào cũng nhận thức trung tâm dịch vụ việc làm đúng theo Công ước quốc tế 88 mà Chủ tịch nước đã ký. Đó là trung tâm dịch vụ việc làm là đơn vị công, làm dịch vụ công, bảo đảm sự kết nối giữa thị trường và Nhà nước. Có những địa phương đã từng mong muốn cổ phần hóa các trung tâm dịch vụ việc làm và Bộ LĐ-TB-XH đã có những hành động rất nhanh để chấn chỉnh.

“Nhiều cơ chế tổ chức của trung tâm dịch vụ việc làm hiện nay cũng đang khó khăn. Chúng tôi đang cố gắng để đổi mới. Khó khăn thứ nhất, chúng ta xác định cơ chế của trung tâm dịch vụ việc làm có viên chức khung, và việc ký hợp đồng phải mở ra cho trung tâm được phép ký hợp đồng với thị trường và nhận các hợp đồng giao dịch hỗ trợ các doanh nghiệp. Việc này vẫn còn khó khăn. Chúng ta coi trung tâm dịch vụ việc làm hoạt động như một đơn vị hoàn toàn miễn phí với thị trường, trong khi đó kinh phí cấp cho các trung tâm lại rất hạn chế và ngày càng bị cắt đi. Cho nên chúng ta đang là một "cơ chế bó" bắt trung tâm hoạt động theo cơ chế thị trường, nhưng lại ở trong trại thái bó các trung tâm theo cơ chế hoàn toàn miễn phí, dịch vụ miễn phí. Đây là một mâu thuẫn mà chúng tôi đang cố gắng đề xuất để giải quyết”, ông Vũ Trọng Bình chỉ rõ.

Cục trưởng Cục Việc làm cũng nhìn nhận rằng lãnh đạo và nhân viên trung tâm dịch vụ việc làm đòi hỏi phải hiểu biết về thị trường, về kỹ năng giao dịch việc làm. Do đó, việc chuẩn hóa trình độ, kỹ năng của đội ngũ trung tâm dịch vụ việc làm là hết sức quan trọng.

Ông Vũ Trọng Bình cho rằng, nếu làm tốt việc thu thập dữ liệu, xử lý để dự báo cung cầu lao động sẽ giúp cho việc giao dịch trên thị trường được minh bạch hơn với chi phí giảm. Thị trường càng liên thông, càng minh bạch thì chi phí càng giảm và tính hiệu quả của thị trường đánh giá bằng chi phí giao dịch, chi phí giao dịch càng thấp thì thị trường càng hiệu quả.

“Trong thời gian tới, Cục Việc làm sẽ cố gắng thúc đẩy để liên kết 63 sàn giao dịch việc làm của các Trung tâm Dịch vụ việc làm trên cả nước. Việc thúc đẩy liên kết các sàn để chia sẻ dữ liệu là hết sức quan trọng cho chính sức sống của các sàn giao dịch, giúp cho thị trường lao động phát triển và công tác hoạch định chính sách được bảo đảm”, ông Vũ Trọng Bình cho biết./.


Thứ Ba, 10:20, 29/12/2020