Trường Sa vạn tấc quê hương

Mỗi khi nghe hai tiếng Trường Sa, tự đáy lòng mỗi người dân Việt Nam lại dâng trào niềm tự hào mãnh liệt về một vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc mà bao thế hệ đã không tiếc máu xương gìn giữ.  

Nghe âm thanh tại đây

Từ những hồi ức tràn nước mắt

Đạp bằng muôn ngàn con sóng dữ mùa biển động, con tàu HQ 633 rời quân cảng Cam Ranh giữa ráng chiều rực đỏ, để lại những cái bắt tay rất chặt của đồng đội, những cặp mắt đỏ hoe của người vợ trẻ tiễn chồng ra với Trường Sa. Lần đầu ra đảo, cánh tân binh ùa lên boong tàu cười nói vô tư. Những bài hát một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, chút tâm tình của người lính đảo lúc chia tay ngân vang giữa biển đêm dậy sóng. Tiếng đàn ghita bập bùng, tiếng vỗ tay rộn ràng hòa vào tiếng nhạc biển khơi. Mọi nỗi nhọc nhằn, vất vả trên đường hành quân dường như tan biến, chỉ còn lại tiếng hát của những người lính trẻ: "Mỗi cánh thư về từ đảo xa, anh thường nói rằng Trường Sa lắm xa xôi, nơi anh đóng quân là một vùng đảo nhỏ…; Đời mình là một khúc quân hành, đời mình là bài ca chiến sĩ, ta ca vang, triền miên qua tháng ngày, lượn bay qua núi rừng biên cương đến nơi đảo xa...".       

Gần 2 ngày 2 đêm vượt sóng, Trường Sa hiện rõ dần trong sự trông ngóng của mọi người. Thượng uý Nguyễn Xuân Tuyến, thuỷ thủ tàu HQ633 chỉ tay về  phía đảo Gạc Ma bồi hồi kể lại: “Hồi đó tôi là thủy thủ tàu HQ931. Sáng 14/3/1988, đang ở đảo Sinh Tồn thì nhận lệnh đi cấp cứu tại đảo Gạc Ma. Đến nơi, thấy tàu HQ505 đang cháy, sau mới biết là anh em mình lao tàu lên giữ đảo Cô Lin, 2 tàu còn lại là 504 và 605 bị bắn chìm, đối phương ngăn cản không cho mình tiếp cận tàu bị nạn. Anh em lấy chiếc áo trắng, dùng sơn đỏ vẽ chữ thập treo lên, đối phương mới cho tàu vào đảo. Chúng tôi bơm nước dập lửa, cứu được 4 thương binh. 64 đồng đội của tôi đã hy sinh để bảo vệ đảo”. Giọng anh nghẹn lại giữa chừng, mắt đỏ hoe nhìn về phía xa xăm.        

 Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đưa tiến cán bộ chiến sĩ trước lúc lên đường

Mới đó mà đã hai mươi năm, thời gian đủ để cậu bé Nguyễn Mậu Trường, con trai liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong trưởng thành. Ngày bố hi sinh, Trường mới hai tuổi, em Xuân cũng vừa lọt lòng vài tháng. Mẹ  Liễu chắt chiu bòn mót trên vùng cát trắng Quảng Bình nuôi 2 anh em khôn lớn. Anh Phong là người đầu tiên cắm cờ khẳng định chủ quyền quốc gia trên đảo Gạc Ma, quần đảo Trường Sa và đã hy sinh trong buổi sáng 14/3/1988. Giờ thì con anh xung  phong ra đảo. Chiếc balô hành quân chỉ đơn sơ vài bộ quần áo, còn lại là tấm ảnh đã ố vàng, huân chương của người cha thân yêu được Trường trân trọng như báu vật.       

Trước khi lên đảo Côlin, đoàn công tác làm Lễ thả hoa tưởng niệm 64 liệt sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo. Thuyền trưởng tàu HQ633 Võ Cát Khánh kéo 3 hồi còi trầm hùng tưởng niệm đồng đội. Đây là công việc mà những người lính Trường Sa vẫn làm suốt hai mươi năm qua, mỗi khi tàu ngang qua vùng đảo Gạc Ma, Cô Lin. Ở một góc con tàu, người lính trẻ Nguyễn Mậu Trường lặng lẽ thắp hương, thả nải chuối xanh cẩn thận mang theo trong balô xuống biển, Trường nói trong nước mắt: “Bố ơi, con đã ra với bố. Con sẽ huấn luyện thật giỏi, làm tròn nhiệm vụ người chiến sĩ, để không uổng phí máu xương của bố và các chú đã đổ xuống cho Trường Sa".      

Chúc bạn lên đường may mắn

 

Câu chuyện của Nguyễn Mậu Trường làm tôi nhớ buổi chiều trước khi lên đường, có một người phụ nữ đứng thẫn thờ trên bến cảng, chị là Đỗ Thị Hà. Hai mươi năm trước, cũng nơi này, chị tiễn chồng - trung úy Đinh Ngọc Doanh ra đảo, và anh đã không về sau cái tin đau đớn ngày 14/3/1988. "Đời tôi, chỉ được tiễn chồng ra đảo một lần”. Chị nói vậy. Một thời xuân sắc sống trong cảnh góa bụa, chị thấm thía nỗi đau mất mát, nên hễ ai gợi chuyện cũ là nước mắt lại chảy tràn. "Bố con bé ngập ngừng ngỏ lời yêu tôi trong một chiều mưa” - Chị bồi hồi như đang sống lại thời con gái. Chị kể lại: “Chưa thấy nụ cười nào rạng rỡ hơn nụ cười trên khuôn mặt mặt rám nắng của chàng lính thủy quê Ninh Bình trong đám cưới nhà binh năm ấy".  Đêm mưa đầu tiên sống đời góa phụ, người vợ trẻ bó gối ngắm đứa con gái chưa đầy tuổi vô tư mỉm cười trong giấc mơ mà tay áo ướt đầm nước mắt. Không thể cứ mãi ngồi khóc chồng, chị một mình bươn bả nuôi con. Càng lớn, bé Mỹ Lệ càng hỏi nhiều về ba khiến lòng chị thêm quặn thắt. Hai mươi năm qua, mùa biển động, chị thường ra cảng tiễn đưa đồng đội của chồng ra đảo. Trường Sa với chị bây giờ là nỗi nhớ đong đầy về người chồng và niềm tự hào về cô con gái đang học năm cuối khoa Kinh tế Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.       

Giữa biển cả, bóng một con tàu là tín hiệu làm ấm lòng người xa nhà. Vì vậy, thấy tàu đến, anh em trên đảo ào ra tận cầu cảng đón khách. Lính cũ ôm chầm lính mới, ai cũng vui như gặp người thân. Quà  của lính mới là chuyện nhà cửa, mẹ cha, chuỵên người yêu hò hẹn đợi ngày về... Những ngày biển động bão tố tràn qua đảo, những buồn vui đời lính Trường Sa được người anh em cựu binh tặng cánh tân binh. Cứ thế, chuyện đồng ruộng quê nhà, chuyện biển rộng sóng to kể mãi đến tận khuya. Đêm ở biển dường như ngắn lại. Trường Sa bây giờ đảo nổi thì cây cối xanh mát, nhà cửa khang trang. Đảo chìm khó khăn hơn nhưng nước ngọt đã đủ dùng, đất trong bờ mang ra, cải bẹ, mồng tơi, rau muống xanh mướt. Cá, ốc bắt quanh đảo, bữa cơm chiến sĩ cũng tươi hơn. Đêm ở đảo Phan Vinh, mọi người cùng nhau ca hát, kể cho nhau nghe bao chuyện vui buồn đời lính đảo. Từ chuyện thiếu uý Đỗ Hữu Cường nghỉ phép về Hưng Yên cưới vợ, mới 10 ngày nhận lệnh ra Trường Sa. Rồi trung uý Nguyễn Tất Thắng, Chính trị viên đảo Tiên Nữ được bạn gái nhận lời yêu có 3 ngày thì hết phép, đành hẹn mỗi tuần viết cho nhau 1 lá thư, dẫu biết rằng phải mấy tháng thì người yêu mới nhận được. Trung uý Nguyễn Văn Hạnh ở đảo Len Đao nhận thư nhà, đầu thư vợ báo tin cha mất, cuối thư lại báo tin mới sinh con trai. “Em không biết nên buồn hay vui. Cả hai việc mình là đàn ông đều không có nhà”. Hạnh thật thà kể lại. Sau cơn say xe vật vã 1.300km từ Hải Phòng vào Cam Ranh, vợ chồng đại úy Tăng Văn Ngọc được đơn vị bố trí gặp nhau tại nhà khách Vùng 4. Tàu ra khơi, chị còn nói với theo: “ Kiếp sau, anh lại cho em làm vợ anh nhé!". Tôi còn gặp cô giáo Hoàng Thị Mai, giáo viên Trường mầm non Nam Triệu - Hải Phòng ra Trường Sa thăm chồng. Ngày anh Chinh, chồng cô ra đảo, con trai mới sinh. Sau 18 tháng xa cách, cô vượt biển ra với anh, mang theo tất cả tình thương và nhiều chuyện về đứa con đầu lòng của họ.    

Đưa hàng lên đảo cho chiến sĩ

Đảo xa càng về khuya càng lạnh, gió thốc khô cả người, người lính Trường Sa vẫn cầm chắc tay súng dõi theo từng cơn sóng trong đêm. Bên ấm trà nóng dưới gốc cây bàng vuông, Lữ đoàn phó Lữ doàn 146 Đỗ Như Phú kể chuỵên chiến trường với cánh tân binh mà như tâm tình của người cha già với những đứa con. Sinh ra từ quê lúa Thái Bình, cả thời trai trẻ ngang dọc khắp chiến trường Quảng Nam, Quảng Ngãi. Chiến tranh biên giới Tây Nam, ông vác balô sang tận Campuchia. Khi tiếng súng tạm yên, thấy anh Tiểu đội trưởng hơn 30 tuổi vẫn phòng không, đơn vị cho về quê cưới vợ. Cưới xong lại đi, từ Bạch Long Vĩ đến Thổ Chu, Phú Quốc, đâu cũng có dấu chân ông. Mới đó mà đã 38 năm. Dẫu tóc đã pha sương, con ngựa già Đỗ Như Phú vẫn còn rong ruổi khắp vùng biển đảo từ Đá Nam, Đá Tây, Thuyền Chài đến Sinh Tồn, Sơn Ca, Phan Vinh, Tiên Nữ... Trường Sa ngày một rộng dài theo bước chân những người đi về phía biển.       

Đến khát vọng mạnh giàu

Trường Sa bây giờ là một ngư trường trù phú, giàu tiềm năng phát triển nghề khai thác, chế biến thuỷ sản. Cơ sở dịch vụ hậu cần nghề  cá ở Trường Sa trở thành điểm tựa của ngư dân miền Trung. Những ngày bão tố hoặc  ốm đau thì bộ đội Trường Sa là cứu cánh cho ngư dân. Có lênh đênh cùng ông Chủ tịch huyện đảo câu cá đến một hai giờ sáng mới hiểu hết nỗi khát khao của ông. Cách thả câu, cầm cước của ông mới điệu nghệ làm sao. Nghe cá ăn mồi, ông biết đâu là cá mú, đâu là cá thu, cá mập… Mấy chục đảo ở Trường Sa, chỗ nào có cá, chỗ nào có mực, ông đều thuộc làu. Ông nói về biển rành rọt như một cán bộ thuỷ sản thứ thiệt. Ông và đồng đội của mình đang kéo co với biển cả, để Trường Sa không chỉ là khát vọng mạnh giàu, mà là một điểm tựa vững chắc để Việt Nam vươn ra với Chiến lược biển quốc gia.          

Ai đã từng gắn bó với biển khơi mới hiểu hết màu xanh mênh mông của đại dương. "Một tấc bản đồ, vạn tấc quê hương. Một tấc lòng, vạn tấc nhớ thương...". Những câu thơ nằm lòng từ tấm bé, giờ lớn lên, dù xa xôi đâu dễ ai quên. Tất cả truyền môi nhau khi nói về Trường Sa, một phần máu thịt  thiêng liêng của Tổ quốc. Và ai cũng muốn góp phần mình cho Trường Sa, để Trường Sa sống mãi trong tim mỗi người dân Đất Việt. Từ khoản kinh phí hỗ trợ 3 tỉ đồng mỗi năm của thành phố Hồ Chí Minh đến những món quà nhỏ, từng cánh thư thơm mùi giấy học trò theo những chuyến tàu ra đảo, tất cả đều mang nặng nghĩa nặng tình của đất liền, sưởi ấm lòng những người đang ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc. Từ chuyện 1.000 hạt giống chùm ngây được các bạn trẻ ở xã Cam Lĩnh, thị xã Cam Ranh gom được trong một đêm gửi tặng bộ đội Trường Sa để các anh trồng trên huyện đảo, hy vọng cây lớn, cây xanh trong ấm áp tình người đến việc 5 năm qua, ngày 4 lần, trang web: http://vnbaolut.com  của Công ty AMI tại Mỹ liên tục dự báo thời tiết trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, ai cũng hiểu dù cho vật đổi sao dời, dù họ chưa có điều kiện về quê Mẹ, trong tâm tưởng những người mang dòng máu Việt, vùng biển đảo ngoài khơi mù sóng ấy, vẫn mãi mãi không xa. Đấy chính là tấm lòng của hàng triệu triệu người con mang dòng máu Lạc Hồng biết yêu đất nước, biết trân trọng từng tấc đất của Trường Sa.     

Trường Sa, nơi bình minh đến sớm. Nắng gieo từng sợi vàng trên đầu ngọn sóng. Những cây bàng quả vuông trụi lá sau cơn bão số 7 giờ đã nảy lộc xanh non trong nắng xuân ấm áp. Biển dạt dào khúc hát ngàn năm cùng những người giữ đảo để Trường Sa mãi mãi trung dũng vị trí tiền đồn Tổ quốc.       

Như cây phong ba vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió, vượt lên những khắc nghiệt của thiên nhiên, vượt lên thử thách của chính mình, từ Trường Sa Lớn đến Trường Sa Đông, từ Phan Vinh đến Nam Yết, Sinh Tồn, Cô Lin, Tốc Tan, Tiên Nữ... Biển đảo quê hương ngày một xanh tươi và trù phú. Những chàng trai tràn đầy sức trẻ hôm nay vẫn tự tin đi về phía biển, ngày đêm thức cùng trời biển Trường Sa, làm nên vóc dáng Trường Sa, vóc dáng Việt Nam./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên