Tự chủ bệnh viện: Nguy cơ bệnh viện tuyến cuối càng quá tải
VOV.VN -Thực hiện cơ chế tự chủ tại các bệnh viện công lập còn có nhiều vướng mắc bất cập, có thể dẫn đến tình trạng bệnh viện tuyến trên sẽ ngày càng quá tải.
Đó là nhận định của các chuyên gia tại phiên giải trình về “việc thực hiện chính sách pháp luật về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập” của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội diễn ra sáng 3/10, tại Hà Nội.
Trực tiếp giám sát tại 10 tỉnh thành phố và nghiên cứu báo cáo của 8 địa phương, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận định, tất cả các bệnh viện công lập đã được giao tự chủ, mức độ tự chủ ngày càng cao, người dân có cơ hội tiếp cận với những dịch vụ kỹ thuật cao, nhiều bệnh viện khang trang và có nguồn thu cũng như thu nhập của cán bộ nhân viên y tế nhìn chung tăng lên. Tiền ngân sách cấp cho mỗi bệnh viện lớn đã giảm hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, trong đó đã giảm được khoảng 100.000 người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Chỉ số tham nhũng vặt tại bệnh viện tuyến huyện giảm rõ rệt năm 2018 còn 0,4%, trong khi năm 2016 là 17%...
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. |
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội nêu rõ, các văn bản hướng dẫn chưa hoàn thiện, việc thực hiện cơ chế tự chủ còn khó khăn đối với bệnh viện tuyến cơ sở và bệnh viện chuyên khoa. “Các bệnh viện được giao tự chủ nhưng còn nhiều ràng buộc liên quan nên chưa được tự chủ thực chất. Còn thiếu các cơ chế kiểm soát dẫn đến lạm dụng các dịch vụ y tế không cần thiết, làm tăng chi phí cho người bệnh, góp phần bội chi quỹ bảo hiểm y tế, tác động đến định hướng xã hội chủ nghĩa của nước nhà.”- bà Nguyễn Thúy Anh cho biết.
Báo cáo giải trình của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại phiên họp cũng chỉ ra những tồn tại và nguy cơ hiện hữu khi bệnh viện công lập được hướng tới tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33 của Chính phủ, trong đó 4 bệnh viện lớn là Bệnh viện K, Việt Đức, Bạch Mai và Chợ Rẫy thực hiện đầu tiên.
“Còn sự chênh lệch lớn giữa hạ tầng trình độ cán bộ, năng lực chuyên môn giữa các tuyến nên bệnh viện tuyến huyện khó làm tự chủ. Chính vì vậy người dân sẽ đổ dồn lên tuyến trên, dẫn đến quá tải. Thực hiện tự chủ quá nhiều cũng có thể dẫn đến không công bằng giữa người có thu nhập cao và thấp. Đồng thời có thể dẫn đến tỷ lệ chi tiền túi của người dân sẽ tăng cao hơn”- Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết.
Phiên giải trình trở nên sôi nổi khi nhiều đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Y tế và đại diện một số bộ ngành khác. Đại biểu Nguyễn Anh Trí, đoàn Hà Nội nêu ra những vấn đề nóng được đông đảo cử tri quan tâm.
“Làm thế nào để các bệnh viện tự chủ theo Nghị quyết 33 của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với bệnh nhân có bảo hiểm y tế, các đối tượng chính sách, các bệnh nhân nghèo, các diện khó khăn, những người yếu thế trong xã hội. Về Nghị quyết này, chúng ta thấy là rất hay cho những người có đời sống thu nhập cao, có tiền. Nhưng bên cạnh đó thì những người yếu thế sẽ rất khó khăn, quyền lợi của họ rất dễ bị xâm hại. Những biện pháp cụ thể để ngăn cản hiện tượng tư nhân hóa các bệnh viện công lập trong quá trình giao quyền tự chủ cho các bệnh viện”- Đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cũng đặt câu hỏi: “Một số cơ sở để gây những hậu quả tiêu cực thu vượt cầu, lạm dụng dịch vụ y tế kĩ thuật cao, ứng dụng cung ứng dịch vụ thuốc là không cần thiết gây tốn kém chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Đề nghị Bộ trưởng làm rõ thêm nguyên nhân này và đồng thời đưa ra những giải pháp trong thời gian tới để tạo điều kiện cho các bệnh viện thực hiện tự chủ một cách tốt nhất”.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận, tại các bệnh viện tuyến cuối, tỷ lệ người dân không có thẻ bảo hiểm y tế hoặc vượt tuyến không có giấy chuyển viện, phải chi trả chi phí cao vẫn chiếm hơn 40%.
“Khi tự chủ thì phải có nguồn thu để chi trả tất cả và tăng thu hút bệnh nhân. Tăng để tuyển người giỏi, tăng thu nhập của cán bộ để có chất lương tốt và có thể xây dựng mới, mua ga trải giường mới, mua ghế, máy lạnh. Chúng tôi đề nghị nhà vệ sinh phải đạt ít nhất là 3 sao trở lên, căng tin, đặc biệt là chống nhiễm khuẩn rất tốn kém. Bên cạnh đó, thuốc thì có thể kê thuốc ngoài doanh mục bảo hiểm thanh toán rất nhiều. Đấy là nguyên nhân thu nhiều. Giải pháp hiện nay, chúng tôi có định mức và thứ hai là thanh tra kiểm toán, giám sát.”- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ.
Từ nhận định của cử tri cho rằng 2 lĩnh vực “khủng hoảng” nhất hiện nay là y tế và giáo dục, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre) cũng lo ngại tự chủ bệnh viện sẽ dẫn đến tình trạng cát cứ của bệnh viện tuyến cuối, tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh, nguy cơ lạm dụng chỉ định và đồng tiền làm xuống cấp y đức. Đại biểu cho rằng, không được doanh nghiệp hóa bệnh viện; ngành y tế cần tăng số lượng điều dưỡng viên và cơ sở chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, đảm bảo chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân.
Cũng tại phiên giải trình, đại diện các Bộ Y tế, tài chính, Nội vụ cũng làm rõ hơn về tình trạng bệnh viện chỉ được tự chủ nửa vời, muốn tuyển thêm nhân sự nhưng không có chỉ tiêu biên chế. Bên cạnh đó, đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng giải trình về giải pháp đảm bảo chống thất thoát Quỹ bảo hiểm y tế và tình trạng chậm thanh quyết toán chi phí cho các bệnh viện./.
Tự chủ bệnh viện: Băn khoăn đãi ngộ để giữ chân người tài
Xã hội hóa, tự chủ Bệnh viện tránh rơi vào bẫy "quên" y tế cơ sở