Cùng là lính cụ Hồ

Giá Hội Cựu chiến binh phường nào ở Hà Nội cũng coi anh em cựu chiến binh lao động ngoại tỉnh như chúng tôi là hội viên Hội Cựu chiến binh phường mình thì hay biết mấy.

Hà Nội, ngày 27/7/2010

Gửi mẹ cái Mùa

Tuần rồi, tôi được vào Quảng Trị, viếng đồng đội ở nghĩa trang Trường Sơn, mẹ nó ạ. Chẳng là, Hội Cựu chiến binh phường nơi tôi ở trọ, tổ chức chuyến đi vào đấy. Biết tôi là cựu chiến binh, anh em họ mời. Cũng là lính Cụ Hồ cả. Cũng không tốn kém gì nhiều. Mà có tốn kém, dịp này cũng phải đi. Tôi đi theo đường Hồ Chí Minh. Đường vừa to vừa thoáng. Núi non hùng vĩ. Oách lắm nhé. Xe của đoàn đi treo một tấm vải to, ghi  dòng chữ “Đoàn cựu chiến binh vào thăm chiến trường xưa”. Trên đường  đi, gặp nhiều đoàn xe như vậy lắm. Đi đến đâu cũng được đón tiếp chu đáo.

Nghĩa trang Trường Sơn là nơi yên nghỉ của hơn 10 vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong... của Đoàn 559 (tức Binh đoàn Trường Sơn đấy). Bọn tôi vào, trước hết là dâng hoa thắp hương ở đền thờ Bác Hồ, rồi đến khu tượng đài chính. Lúc 9 tiếng chuông vang lên, chúng tôi ai cũng rưng rưng nước mắt. Đồng đội tôi nằm đấy! Khuyết danh nhiều lắm. Có một tấm bia to ghi: “Tên anh gắn liền chiến công bất tử”. Tôi nhìn hàng bia mà nước mắt cứ tuôn trào.

Viếng nghĩa trang Trường Sơn rồi, chúng tôi tới Khe Sanh, nơi có sân bay Tà Cơn - đồi Động Tri, rồi tới thăm Làng Vây, nơi bộ đội xe tăng đánh thắng trận đầu trong chiến dịch Khe Sanh 1968. Từ đó xuôi về Đầu Mầu, nơi có một căn cứ quân Mỹ bị ta tiêu diệt, nghe các anh từng chiến đấu ở đây nói, mới biết đoạn Đường 9 từ Đông Hà lên đến đây đã được mở rộng gấp 2 - 3 lần, trở thành tuyến đường du lịch hấp dẫn.

Có đi mới biết Nhà nước bỏ tiền của xây dựng nhiều lắm. Chiến trường bom đạn ác liệt như thế, ngày nay đã xanh lại rồi. Cà phê, cao su, hồ tiêu bạt ngàn. Đường ra, tôi đi theo quốc lộ 1, qua Cồn Tiên - Dốc Miếu, rồi đến sông Bến Hải, cầu Hiền Lương, thấy cả 2 cụm loa lớn ngày xưa Đài TNVN dựng lên để phát thanh vào Nam. Hàng chục cái loa, trong đó có những cái loa to 500 oát, y như cái loa đặt ở 58 - Quán Sứ, Hà Nội chỗ bác Cả Khoa làm việc.

Theo đường Hồ Chí Minh vào Quảng Trị, đi viếng đồng đội ở nghĩa trang Trường Sơn, ấy cũng là thỏa ước nguyện của tôi rồi. Nhưng mẹ cái Mùa ạ. Tôi nghĩ mà lo, mà buồn cho quê ta quá. Chả là tôi còn theo anh em xuống mấy xã miền biển của huyện Triệu Phong, quê hương của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Đất toàn cát trắng. Vậy mà bà con vẫn cứ đánh luống trồng khoai, chỗ nào tranh thủ cấy lúa được thì cấy. Mê nhất là cây, từ tre đến keo lá tràm, keo tai tượng... suốt dọc đường, kín bờ ruộng, bờ nương... Có những đoạn đường nắng như vậy mà vẫn không phải đội mũ. Nghĩ lại, thấy quê mình phình to ra, nhà cửa lấn mất tre kheo, cây cối. Bên ngoài nhìn vào chỉ thấy mái ngói, tường xây. Bên trong đường sá tiệt không thấy một bóng cây nào cả. Tôi nhớ khi tôi còn bé, có năm nóng quá, cả làng đổ ra rặng tre rìa làng hóng gió đồng. Đợt nóng vừa rồi, có tối về làng, thấy tịnh không một ngọn gió nào, chỗ để hóng mát cũng không có. Lứa chúng tôi “ly nông” nhưng không “ly hương”, có lẽ cũng đến lúc phải riết ráo cái chuyện xây dựng lại làng quê sao cho nhiều cây xanh rồi.

Thư đã dài rồi, cũng kể để mẹ cái Mùa biết tấm lòng của tôi với đồng đội. Tôi không phải là lính Trường Sơn, nhưng được vào viếng anh em ở trong ấy cũng đỡ tủi thân. Giá Hội Cựu chiến binh phường nào ở Hà Nội cũng coi anh em cựu chiến binh lao động ngoại tỉnh như chúng tôi là hội viên Hội Cựu chiến binh phường mình thì hay biết mấy. Có chúng tôi sinh hoạt đảm bảo là hoạt động của Hội mạnh lên nhiều./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên