Điện chứ đâu phải.. kem

Bán điện là bán đến tận tay người tiêu dùng chứ không phải là kem khi mua về bị chảy nước, hư hao thất thoát  

Ngày 18/11/2008

Gửi mẹ cái Mùa!

Tôi đã nhận được thư của bu nó rồi. Những chuyện bu nó nói trong thư thì tôi cũng đã biết cả. Thì cũng vẫn là chuyện của những năm trước đây. Cái ông bà điện này chán lắm. Chán lắm lắm. Các ông bà ấy coi dân như con ong cái kiến. Điện có thể mất bất cứ lúc nào. Các ông bà ấy thực hiện chính sách tiết kiệm điện bằng cách... cắt điện.

Bà con nông dân mình suốt ngày cắm mặt trên đồng. Ở nhà có tí buổi tối, cần có chút điện xem tivi, nghe đài, hoặc ăn bát cơm dưới ánh sáng văn minh, khỏi cảnh tối tăm, và cơm vào lỗ mũi. Thế mà các ông ấy tắt cụp. Mười hai giờ đêm mới thả cho điện ra. Rồi điện có cả ngày khi bà con còng lưng trên đồng. Chán lắm lắm mấy cái ông bà điện này.

Bác giáo Bình bảo: Điện là “điên nặng... điện”! Nói thế kể cũng là ác khẩu nhưng không phải không có lý. Còn nhớ có dạo nghe Đài Tiếng nói Việt Nam, khi cô phóng viên chuyển lời ca thán của người dân về chuyện điện đóm không đảm bảo, ông điện lại đổ tội cho người tiêu dùng.

Ông ấy bảo, điện cũng như kem ấy. Ra Tràng Tiền mua kem, mang que kem về nhà thì nó phải chảy nước, hư hao thất thoát chứ, sao lại đổ tội cho người sản xuất kem? Đến que kem còn thế huống hồ là điện.

Ô hay, cái ông này đúng là “điên nặng” rồi. Điện đâu có phải là kem. Bán điện là bán đến tận tay người tiêu dùng chứ. Ngay đến xi măng, vôi cát, người ta cũng còn bán đến tận chân công trình nữa là. Đằng này, ở nông thôn, ông ấy chỉ bán điện đến công tơ tổng đặt tại trạm điện của xã và hợp tác xã, sau cái công tơ này ông ấy không chịu trách nhiệm nữa.

Vậy là suốt bao năm qua bà con nông dân ta không những chịu cảnh điện phập phù, phập phõm, mà giá thì cứ cao ngật ngưỡng. Chính cái ông điện này cũng góp phần làm cho đời sống dân thành thị và nông thôn thêm cách biệt. Với cách phục vụ như thế, ông điện còn đòi tăng giá điện, lại đòi xin hàng ngàn tỉ để thưởng cho những người ở trong ngành điện. Thế thì đúng là “điên nặng” rồi còn gì.

Sở dĩ có căn bệnh quái quỷ này là vì độc quyền thôi bu nó ạ. Cũng như bưu điện trước đây, người dân thì nghèo, mà cước phí điện thoại lại cao ngất ngưởng. Thế rồi xuất hiện ông Viettel, lập tức anh bưu điện hết thời làm vua, làm chúa. Giá cước thi nhau giảm. Bây giờ thì đến cả anh chăn vịt cũng có điện thoại di động.

Thế đấy bu nó ạ. Bây giờ ông điện còn độc quyền, nên còn coi trời bằng vung như thế. Với sự đổi mới và phát triển như bão lốc của nước ta hiện nay, tôi tin vài năm nữa, khi xuất hiện thêm vài ông Viettel trong ngành điện, ông điện sẽ hết bệnh ngay. Bu nó có tin như thế không?./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên