Lẽ công bằng

Thư này, tôi muốn kể với mẹ nó về lẽ công bằng. Đây cũng là điều mà suốt cả ngày hôm nay bác giáo Bình và tôi đã không ngớt tranh luận.

Hà Nội ngày 9 tháng 10 năm 2009

Gửi mẹ cái Mùa.

Chuyện bắt đầu từ việc Nhà nước sắp ban hành quyết định về việc thu phí lưu hành phương tiện. Theo dự thảo thì mỗi chiếc xe máy mới, khi đi đăng ký thì sẽ phải đóng thêm từ 300.000 đến 1,5 triệu đồng (tùy loại), còn ô tô thì tối thiểu sẽ phải mất tới 1,2 triệu đồng một năm. Đọc cái dự thảo đó, bác giáo Bình cứ lẩm bẩm “thế là không công bằng, nhất định không công bằng…”.

Lẽ ra thì tôi chẳng quan tâm đến chuyện này. Cả đời mình có lẽ cũng chẳng bao giờ có đủ tiền mà mua để được đóng phí. Còn xe máy thì mình đã đăng ký rồi, đi tàn đời cái xe này thì tôi cũng chẳng làm cái nghề xe ôm nữa, về quê làm ruộng thôi. Tôi bảo bác giáo Bình “chuyện đó, anh em mình quan tâm mà làm gì?” - Bác giáo nhướn mày: “Vấn đề là chuyện gì cũng phải công bằng, đời mình đã hết, nhưng còn con cháu chúng mình chả lẽ cứ nghèo mãi hay sao?” - Thôi thì bác ấy đã nói vậy thì tôi đành lên tiếng: “Bác bảo không công bằng thì không công bằng ở cái chỗ nào?”. Thế là bác ấy nói. Nào là xe máy đăng ký mới một lần, người ta đi đến hàng chục năm, có cái thì chỉ đi mấy ngày, gặp tai nạn, vứt đi… nhưng người chủ thì đóng phí lưu hành như nhau, thế là không công bằng. Rồi đến căn cứ nào để phân ra mức đóng phí lưu hành khác nhau giữa các phương tiện? Phí lưu hành là để tạo ra nguồn kinh phí duy tu bảo dưỡng đường, lấy gì để đong đếm phương tiện nào phá đường nhiều, phương tiện nào phá đường ít? Rồi thì người dân quê chúng mình, như ở quê tôi chẳng hạn, cả đời đi đường đất, mấy năm nay có cái đường liên xã thì cũng là tiền của mình đóng góp để làm ra… thế mà cũng bị thu phí lưu hành như người ở thành phố, họ đi đường nhựa phẳng lỳ, mỗi cây số đường có giá trị hàng chục tỷ đồng. Thế thì công bằng ở chỗ nào?

Nghe bác ấy nói vậy, tôi thấy lạ. Làm gì có chuyện người ta lại nghĩ ra cái việc bất công bằng như vậy? Tôi giật tờ báo đăng chuyện ấy, đọc một lúc thì thấy bác giáo Bình phiến diện bởi còn có một phương án thu phí nữa, đó là qua giá xăng. Tôi chỉ cho bác ấy, bác ấy bảo thế vẫn chưa công bằng vì người nông dân đi đường đất cũng phải mua xăng với giá như người thành phố đi đường nhựa. Mà thu bằng cách nào đi nữa thì cũng không thể công bằng được khi mà chất lượng đường sá không đảm bảo. Đường thì vừa làm xong đã hỏng, hết đào lên lại lấp xuống nham nhở mà bắt người dân đóng phí để duy tu bảo dưỡng thì ai mà nghe nổi? Nói đến đây, như để kết thúc câu chuyện, bác giáo bảo “chú nhỉ?”

Mẹ cái Mùa biết không, tôi dường như đã tâm phục, khẩu phục lý lẽ của bác giáo Bình, nhưng nghe cái câu “chú nhỉ!” đầy kẻ cả của bác ấy, tôi ghét và cãi: “Chú nhỉ cái con khỉ nhà bác! Thế thì theo bác, lấy nguồn tiền nào để duy tu bảo dưỡng đường sá cho nó công bằng đây?” - Bác giáo cười: “Tôi đồ rằng khi soạn cái dự thảo này thì các thành viên ban soạn thảo cũng hỏi nhau như vậy, rồi không biết trả lời làm sao nên cứ viết bừa ra rồi lấy ý kiến dư luận.” - “Vậy, bác cũng là dư luận, bác có ý kiến sao?” - “Tôi ấy à? - Bác giáo tinh vi - Tôi thấy muốn thu phí lưu hành thì phải phân định rõ ràng các con đường cấp độ chất lượng ra sao thì thu phí cấp độ ấy, xe nhỏ xe to cứ đi vào là ốp nộp! Thế là công bằng.” - Tôi bảo, thế thì thu phí chồng phí à, nhiều con đường đã thu phí cầu đường thì sao? - Bác giáo Bình quay lưng, thả lại một câu nói: “Phí nào ra phí ấy, cứ nhập nhèm thì đừng nói đến chuyện công bằng nữa!” - Nói rồi bác ấy bỏ đi như thể có đứng lại thì tôi cũng chẳng thể cãi được gì. Mà đúng thế thật mẹ nó ạ! Đến giờ tôi cũng phải công nhận là bác ấy đúng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên