Một cách để quảng bá
Quê ta chẳng những nổi tiếng vì phong trào bóng bàn, cả người già, trẻ con ai cũng biết đánh và thích đánh, mà còn bắt đầu “nổi tiếng” về nơi ăn, chốn ở, chưa kể những cảnh đẹp, những di tích văn hóa - lịch sử.
Hà Nội, ngày 14/9/2010
Gửi mẹ cái Mùa.
Hai ngày thứ Bảy, Chủ nhật vừa rồi, quê mình thật vui. Tôi không về được nhưng bác giáo Bình có theo bác Cả Khoa về xem thi đấu bóng bàn do Đài Tiếng nói Việt Nam đăng cai ở thành phố Hải Dương. Nghe nói giải này dành cho các cây vợt hàng đầu ở các nước Đông Nam Á và trong nước. Giải thưởng cũng cao, cao nhất từ trước tới nay với các giải bóng bàn do Việt Nam tổ chức.
Bác giáo Bình đi xem hai ngày, về kể lại dân Hải Dương mình đúng là dân của bóng bàn. Người đến xem rất đông, cổ vũ rất nhiệt tình, vô tư. Tối khai mạc, đến hơn 23 giờ mà người xem vẫn đông. Bác giáo Bình bảo: dễ thường còn đông hơn số người ngồi ở sân Hàng Đẫy xem bóng đá. Khách ở Hà Nội về khen thành phố Hải Dương sạch, đẹp, thoáng đãng, xứng đáng là “phên dậu” phía Đông của Thủ đô.
Tôi nghe bác giáo Bình nói mà thêm tự hào về quê mình. Chẳng những thành phố ta trẻ, đẹp, mà món ăn cũng ngon. Chả thế mà đoàn vận động viên Thái Lan còn xin được ra ăn ở ngoài khách sạn (chả là trong đoàn có người đã đến Hải Dương thi đấu, biết những món ăn ngon ở quê ta, và cả những hiệu ăn ngon nữa).
Như vậy là quê ta chẳng những nổi tiếng vì phong trào bóng bàn, cả người già, trẻ con ai cũng biết đánh và thích đánh, mà còn bắt đầu “nổi tiếng” về nơi ăn, chốn ở, đấy là chưa kể những cảnh đẹp, những di tích văn hóa - lịch sử.
Nói như mốt bây giờ, Hải Dương nhận đăng cai giải bóng bàn do Đài TNVN tổ chức, cũng là một cách quảng bá “thương hiệu” Hải Dương của mình. Chí ít thì ở các nước Đông Nam Á, nhiều người biết đến tỉnh Hải Dương, một địa phương nằm ở phía Đông Thủ đô Hà Nội.
Nghĩ cũng hay, từ nơi này nơi khác đến, qua mấy mét vuông mặt bàn, quả bóng đi quả bóng lại, mà hiểu nhau hơn, quý nhau hơn. Cái sự hiểu, sự quý ấy, lại được lòng nhiệt tình của người dân sở tại nâng lên, lại càng thêm sâu sắc. “Đó chính là “hòa bình”, là “hữu nghị” giữa các dân tộc”. Bác giáo Bình nhận xét như vậy.
Tôi thì ít đọc hơn bác giáo Bình, nên cũng không bàn luận gì được thêm. Chỉ nghĩ nếu quê ta không có “phong trào” bóng bàn thì mấy ai nghĩ đến chuyện tổ chức thi đấu ở đây. Cho nên, đã có phong trào thì cần tiếp tục duy trì. Tôi ở trên này, thi thoảng cũng cầm vợt, cho xứng với người tỉnh Đông. Cũng nhiều trận thắng, được bạn bè đãi cốc bia. Xem ra, mình còn đủ sức dạy cho mấy đứa cháu nội ngoại đánh bóng bàn.
Dịp này Hà Nội khách nhiều, nghĩ cũng tham công tiếc việc mà không về thăm nhà được. Tôi dặn mẹ nó, sắp tới có Lễ hội Đức Thánh Trần và Lễ hội Côn Sơn, mẹ nó có đưa các con đi, nhớ khấn các cụ cầu cho gió thuận mưa hòa, nhất là mấy hôm Hà Nội kỷ niệm 1.000 năm ấy. Cho tôi chạy xe đỡ vất vả./.