Một cách đóng góp vào đại lễ của người lính!

Dù không có đồng phục, đến ngày đại lễ 1.000 năm của Thủ đô, tôi sẽ diện bộ quân phục, bao huân huy chương đeo hết lên người, làm một cái cờ “cựu chiến binh vì đại lễ 1.000 năm” mà chạy xe ôm trên đường phố.

Hà Nội, ngày 3 tháng 8 năm 2010

Gửi mẹ cái Mùa.

Thế là “Hoàng thành Thăng Long” nhà ta đã được thế giới công nhận là “Di sản văn hóa thế giới”, mẹ nó ạ. Tiếc là từ khi phát hiện ra khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, tôi chưa đón mẹ nó đến tham quan lần nào. Nhưng nói qua hẳn mẹ nó cũng hình dung ra: Khu Hoàng thành Thăng Long gồm hai khu vực chính, một là khu vực nằm bên cạnh Hội trường Ba Đình cũ, phía đường Hoàng Diệu, số nhà 18 trông sang cửa Tây thành Hà Nội mà tôi có dịp đưa mẹ nó đi qua. Hai là khu vực Thành cổ Hà Nội - Thành này do nhà Nguyễn dựng nên, với cột cờ Hà Nội (chỗ Bảo tàng Quân đội mà mẹ nó vào xem ấy) và còn sót lại cổng thành phía Bắc (Cửa Bắc).

Sau khi Bộ Quốc phòng bàn giao khu vực Thành cổ Hà Nội cho thành phố quản lý, tôi có vào xem. Là một người lính, tôi muốn vào xem chỗ làm việc của Đại tướng - Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, phòng họp của Bộ Chính trị, của Quân ủy Trung ương - nói tóm lại là Bộ chỉ huy tối cao của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Có vào, mới biết những gì còn lại của Thành cổ Hà Nội hôm nay, quân đội ta đã gìn giữ rất chu đáo. Chứ năm giặc Pháp đánh thành Hà Nội, cụ Hoàng Diệu tuẫn tiết, chúng đã san phẳng nhiều đoạn tường thành, nhiều khu vực trong thành. Rồi mấy năm tạm chiếm là trại lính, đến 10/10/1954 mới về ta. May mà ông trời phù hộ, gìn giữ, nên đôi rồng đá ở điện Kính Thiên - nơi thiết triều của nhà Lý, vẫn còn giữ được.

Nói vậy, mẹ cái Mùa chắc hiểu. Tự hào lắm chứ khi lần đầu tiên trong lịch sử, nơi ta vẫn coi là trung tâm của thành Thăng Long, đã đào đến tận nơi được coi là nền điện nhà vua Lý Thái Tổ ngự triều, đường đi lối lại, giếng nước, tường gạch... chứng minh bằng hiện vật Kinh đô của nước Việt Nam thời nhà Lý.

Tuy là dân xe ôm, nhưng là người Việt, lại là cựu chiến binh nữa, nên tôi thật mừng. Tuy vậy, cũng phân vân mấy điều. Ấy là cái chuyện gìn giữ, tôn tạo ra sao? Lần đến thăm Cửa Bắc, mẹ nó chẳng đã hỏi tôi: “Thành thì gọi là thành cổ, nhưng sao cái máng nước lại là ống nhựa, thẳng tuột từ trên xuống”. Tôi cứ ớ người ra, đành phải giải thích là “quân xây dựng làm ẩu, cho xong việc”. Sợ nhất là cái sự làm ẩu, cho xong việc ấy, mẹ nó nhỉ.

Cái phân vân thứ hai là đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, dân xe ôm chúng tôi vẫn bị coi là dân ngụ cư. Trong khi chính chúng tôi là một trong những hướng dẫn viên du lịch tích cực nhất. Giá như mà thành phố bớt chút công sức, hướng dẫn chúng tôi một chút, phát cho chúng tôi một số tờ rơi về Hà Nội để chúng tôi đọc và tặng cho khách vãng lai qua Hà Nội, thì tiện biết bao. Tôi có một ao ước, chắc cũng khó thành hiện thực, là thành phố coi chúng tôi là những tình nguyện viên cho ngày lễ, cấp hoặc cho chúng tôi mượn một bộ đồng phục hoặc cái áo phông có in dòng chữ: “Tình nguyện viên cho ngày đại lễ”, để chúng tôi chạy xe ôm đưa khách những ngày ấy cho thêm phần trang trọng. Tiền chắc chẳng đáng là bao. Quần áo cũng vậy. Lễ hội nào chẳng thấy tặng mũ, tặng áo. Chỉ có điều là không có ai nghĩ tới thôi.

Ước là ước vậy. Nhưng dù không có đồng phục, đến ngày đại lễ 1.000 năm của Thủ đô, tôi sẽ diện bộ quân phục, bao huân huy chương đeo hết lên người, làm một cái cờ “cựu chiến binh vì đại lễ 1.000 năm” mà chạy xe ôm trên đường phố.

Âu cũng là một cách đóng góp vào đại lễ của một người lính, mẹ nó nhỉ!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên