Nhức nhối chuyện bằng thật, bằng giả

Chừng nào còn tệ nạn mua, bán bằng thì đừng bao giờ hy vọng chúng ta có thể tránh được những tai nạn thảm khốc.

Hà Nội ngày 7/10/2008

Gửi mẹ cái Mùa!

Đọc thư mẹ nó, tôi thấy buồn cười quá. Mẹ nó làm như tôi là cái thằng trẻ con mới ra thành phố ấy. Tôi đi đường, cái xe cứ bò rù rù như xe dò mìn, vừa đi vừa ngửi đất, đánh hơi. Chả việc gì phải vội. Nhanh một ly nhưng lại lỡ một đời. Tôi cứ đi chậm mà chắc. Khách hàng của tôi phần lớn là những người cao tuổi. Họ còn cẩn thận hơn cả mình. Cái xe mình hành nghề xe ôm là loại xe Tàu, rẻ tiền, nhưng vẫn rất an toàn. An toàn hay không là do người điều khiển xe chứ đâu phải do xe. Nhiều xe gây án mạng, trở thành nỗi khiếp đảm đối với người đi đường lại là loại xe tốt, có biển số đẹp. Đời lại trớ trêu thế!

Những năm gần đây, việc mua bán bằng giả đã trở thành nỗi nhức nhối, dẫn đến sự lộn xộn, mất lòng tin vì thật giả lẫn lộn. Và rồi gần đây toé loe ra, qua các phương tiện truyền thông, người ta không thể ngờ được rằng, một trong những điểm “sản xuất” bằng giả lại là một quán trọ sinh viên. Chủ nhân của những tấm bằng giả là mấy anh chàng học trò tỉnh lẻ. Đủ các loại bằng được “sản xuất” thủ công. Ai cũng có thể mua được. Không biết bao nhiêu những tấm bằng ma với giá bình dân như thế đã tung ra ngoài đời sống xã hội. Người thật, bằng giả. Rồi lại còn người giả mà bằng thật. Con số này cũng không phải ít.

Cái nạn “bằng thật, người giả”, nếu chỉ là các “ông cử”, “bà cử”, các “chuyên gia” trong khối cơ quan nhà nước, thì sự tác hại còn âm ỷ kéo dài, không dễ mà thấy ngay được. Nhưng những người giả có bằng thật lại điều khiển xe cộ trong ngành vận chuyển giao thông thì ta có thể thấy ngay và phải trả giá nhỡn tiền. Mà giá đắt. Vì phải trả bằng những mạng người vô tội. Ngày nào cũng có hàng trăm vụ tai nạn. Có xe thành hung thần, chà nát nhiều xe máy, xe con, húc đổ cả bức tường của một căn nhà bên đường, rồi mới chịu dừng lại vì bị kẹt trong cả một đống đổ nát. Thật khó có thể hình dung nổi những cảnh tượng thảm khốc như thế.

Bác giáo Bình bảo: Năm nào nước ta cũng có đến hàng mấy ngàn người chết vì tai nạn giao thông. Sự tổn thất ấy còn lớn hơn nhiều lần so với số người chết trận trong cuộc chiến tranh ở Kosovo. Thật là đáng báo động. Trong rất nhiều nguyên nhân, có một nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện không có đủ khả năng tối thiểu. Việc cấp bằng, bán bằng cho những người như thế có thể xem như một tội ác. Chừng nào còn tệ nạn mua bằng, bán bằng thì đừng bao giờ hy vọng chúng ta có thể tránh được những tai nạn thảm khốc.

Mẹ nó thấy bác giáo nói có chí lý hay không?./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên