Rác thải từ túi ni lông là mối lo của cả thế giới

Tuy nhiên, tôi cứ thắc mắc mãi điều này: Nhà nước khuyên mọi người không dùng túi ni lông, sao vẫn để các nhà máy sản xuất ra?  

Hà Nội, ngày 10/8/2010

Gửi mẹ cái Mùa.

Dạo này có mưa đều, mấy sào lúa nhà mình chắc đủ nước? Thư trước tôi nhắc mẹ nó chú ý cái con rùa đỏ, lại con ốc Nhật nữa. Thấy xuất hiện trên đồng ruộng phải tìm diệt ngay, báo cho mấy ông bà khuyến nông hay bảo vệ thực vật ấy. Một mình nhà mình diệt không xuể đâu, nhưng nếu cả làng xã đồng lòng thì chắc diệt được. Thư này tôi nhắc mẹ cái Mùa một điều: ấy là cái chuyện dùng túi ni lông. Chả là hôm Chủ nhật ở Hà Nội phát động “Ngày Hà Nội không túi ni lông”. Các siêu thị, nhà hàng, người bán ở chợ khi gói hàng cho khách không dùng túi ni lông, mà dùng túi giấy, túi vải, hay gói bằng lá chuối, lá sen...

Nhớ lại, thuở miền Nam mới giải phóng, thói quen dùng túi ni lông gói hàng tràn ra miền Bắc, lúc đầu ai cũng thấy sạch sẽ, tiện lợi. Ai dè càng dùng càng thấy nguy hại. Làng quê, ngõ xóm, phố xá tràn ngập túi ni lông. Không tiêu được. Rác gói vào túi ni lông nổi lều bều trên cống rãnh, mương máng, gây tắc nghẽn dòng chảy.

Rác thải từ túi ni lông đã trở thành mối lo của cả thế giới đấy. Có ghê không hả mẹ cái Mùa! Đốt thì sợ khí độc thải ra làm ô nhiễm môi trường. Mà chôn thì hàng trăm năm sau vẫn chưa tiêu hủy được.

Thôi thì mỗi nhà đều giữ một tý, đều cố một tý, từ nay hạn chế dùng túi ni lông để gói đồ. Quê ta lá chuối, lá dong, lá sen, lá súng nhiều, mẹ cái Mùa chịu khó lấy mà dùng. Tôi cũng gửi về ít giấy báo để cho mẹ nó gói đồ. Nhà mình không dùng, nhà khác không dùng, cả làng cả xã không dùng túi ni lông, bảo nhau không dùng thì chắc sẽ bớt được.

Tuy nhiên, tôi cứ thắc mắc mãi điều này: Nhà nước khuyên mọi người không dùng túi ni lông, sao vẫn để các nhà máy sản xuất ra? Nếu không có người sản xuất, thì lấy đâu ra túi ni lông để dùng. Không sản xuất túi ni lông nữa, các nhà máy phải chuyển sang mặt hàng khác. Đấy là việc phải làm. Sao ta lại không làm nhỉ?

Tôi đem thắc mắc này hỏi bác giáo Bình. Bác ấy bảo: Đơn giản nhất là ngăn từ nguồn cung, từ nơi sản xuất túi ni lông ấy. Nhưng có vẻ nó khó thế nào ấy, nên không ai thực hiện. Kể cả mấy ông nhà máy sản xuất túi ni lông. Nếu thấy sản phẩm mình làm ra có hại cho xã hội thì phải ngừng sản xuất đi chứ! Mẹ nó nhỉ?./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên