Sức mạnh của người tiêu dùng!
Chính cái hành động tẩy chay sản phẩm mới là đòn quyết định khiến Vedan phải chịu chấp nhận bồi thường 100% mức thiệt hại gây ra cho nông dân TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai.
Hà Nội ngày 12/8/2010
Gửi mẹ cái Mùa!
Vì sự sống của chính mình và con cháu chúng ta, mẹ cái Mùa nhớ lời tôi dặn việc hạn chế tới mức tối đa sử dụng túi nilon nhé. Cái anh nào làm ra nó thì cứ làm nếu Nhà nước chưa cấm, nhưng quan trọng ở người tiêu dùng có mua sản phẩm của anh ta hay không.
Tôi báo cho mẹ nó biết, những ngày này ở thành phố đang ào lên làn sóng tẩy chay sản phẩm bột ngọt của cái Công ty Vedan đã “giết chết” con sông Thị Vải, làm điêu đứng biết bao nhiêu nông dân của mấy tỉnh phía Nam sống nhờ vào con sông mà tôi từng kể với mẹ nó hồi năm ngoái ấy.
Là cái anh nông dân chính hiệu nên tôi thấy cảm kích trước hành động này của dân thị thành lắm. Tôi biết, có được kết quả này còn nhờ sự giúp sức của báo chí, các luật sư và chính quyền các địa phương bị thiệt hại nữa, dưng chính cái hành động tẩy chay sản phẩm mới là đòn quyết định khiến ông Vedan phải chịu chấp nhận bồi thường 100% mức thiệt hại gây ra cho nông dân TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai.
Chứ như mẹ nó cũng biết đấy, gần hai năm trời, hàng nghìn người nông dân vác đơn đi kiện tốn bao thời gian, công sức, tiền bạc mà Công ty Vedan cứ cù nhây cù nhầy không chịu bồi thường cho nông dân, họ chỉ làm cái động tác gọi là “hỗ trợ”. Tôi tuy không lắm chữ nhưng cũng đủ hiểu ý nghĩa của "bồi thường" khác xa với "hỗ trợ" chứ!
Cùng với sự ồn ào của vụ Vedan, mấy ngày nay còn rùm beng chuyện sữa ngoại liên tục tăng giá với tốc độ “phi mã”, khiến mấy ông chức trách loay hoay tìm cách “kìm cương”. Tôi thiển nghĩ, nhiều người cứ vẽ vời sính của ngoại, tin vào mấy cái quảng cáo “thông minh, cao lớn” rùm beng mà dễ dàng để bị móc túi. Vừa rồi bao nhiêu thủ khoa, á khoa đại học xuất thân từ nông thôn mà tôi dám chắc cả đời chúng chẳng được một giọt sữa ngoại nào đâu.
Chung quy cũng do người tiêu dùng thôi. Cứ mạnh dạn mà tẩy chay những mặt hàng của mấy ông làm ăn kiểu chụp giật và vô nguyên tắc, như một bà khách từng thẳng thừng tuyên bố với tôi khi nói về chuyện này: “Nhà tôi không dùng cái loại bột ngọt đã hủy hoại môi trường để ủng hộ người nông dân bị thiệt hại đòi bồi thường”.
Lâu nay người ta vẫn nói nhiều đến văn hóa kinh doanh, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng… mà quên mất rằng trách nhiệm của người tiêu dùng là vô cùng lớn. Bây giờ, qua vụ này chắc mới ngộ ra. Mẹ nó thấy có sức mạnh nào bằng sức mạnh của người tiêu dùng? Chính các bà nội trợ bây giờ mới là người quyết định có cho bột ngọt Vedan trở lại thị trường hay đi đến phá sản đấy. Ghê chưa!
Mẹ cái Mùa đừng cho rằng tôi đang nói chuyện xa xôi nhé. Chuyện sát sườn nhà nông mình đấy. Mẹ nó ngẫm mà xem, cái nạn phân bón và thuốc trừ sâu rởm làm khổ sở nông dân bao năm nay mà đã chặn được đâu. Nông dân mình đã nghèo tiền bạc, nghèo kiến thức, lại thiếu thông tin nên dễ trở thành nạn nhân của mấy cái trò làm ăn chụp giật, lừa đảo ấy.
Đã đến lúc chính quyền thôn xã và người nông dân tiêu dùng vật tư nông nghiệp cũng phải kết liên tạo sức mạnh để sẵn sàng vạch mặt, tẩy chay cái loại phân bón, thuốc trừ sâu kém chất lượng. Trong khi lực lượng quản lý và pháp luật về lĩnh vực này còn có chỗ hở thì mình phải tạo sức mạnh để bổ trợ. Mình làm vậy cũng là tự cứu lấy mình trước. Tôi nghĩ thế, mẹ cái Mùa có ủng hộ không?./.