Tư duy và lối sống văn minh

Người ta đang bàn xem cho phố phường Hà Nội “mặc áo” xanh hay vàng, nhạt hay đậm để đón Đại lễ nghìn năm. Khoác “áo mới” dù màu gì đi nữa mà tư duy không đổi thì cũng chưa đủ làm nên sự văn minh, thanh lịch của người thành phố

Hà Nội, ngày 31/3/2010

Gửi mẹ cái Mùa.

Mẹ nó ở quê chắc chửa kịp biết, mấy bữa nay dân Hà thành háo hức lắm với cái tin chính quyền thành phố quyết định chi 50 tỷ đồng để tô điểm lại mặt tiền phố xá bằng việc các phường, quận, đơn vị và gia đình tổ chức quét vôi, sơn cửa trụ sở cơ quan, trường học và nhà ở… để đón Đại lễ nghìn năm Thăng Long - Hà Nội. Sáng qua tôi cũng định hóng hớt xem sự thể ra sao để buôn chuyện với mẹ nó. Thế dưng, sự vui chưa thấm lại ngấm sự buồn…

Khoác “áo mới” dù màu gì đi nữa mà tư duy không đổi, nhất là vẫn nặng cái định kiến về người nhà quê, thì cũng chưa đủ làm nên sự văn minh, thanh lịch của người thành phố (Ảnh minh hoạ)

Chẳng là, trước khi mở hàng cuốc xe ôm buổi sớm, tôi tranh thủ ghé vào quán nước vỉa hè quen thuộc để làm bi thuốc lào. Vừa ngồi xuống ghế, tôi giật mình vì cái giọng sang sảng của một mụ khách đang giãi bày với chủ quán: “Chị ơi, con Kiều cháu em vẫn quyết định cưới cái thằng thạc sĩ “quê choa” chị ạ. Ngu quá cơ…”. “Nó yêu thì nó mới lấy, cô ngăn thì ích gì” - chủ quán đáp lại. “Trai Hà Nội thiếu gì mà không chọn. Thạc sĩ chứ tiến sĩ thì cũng là dân nhà quê, nó làm hổ mặt dòng họ nhà em, thà nó lấy thằng xe ôm ở đây cũng còn hơn”…

Tôi ngỡ ngàng nhìn vào mặt mụ khách nhưng chẳng còn nghe thấy gì nữa… Bởi tôi nhớ lại chuyện hai chục năm trước của con Duyên nhà bà Thắm xóm mình. Mẹ nó nhớ không, con bé ấy đẹp người, đẹp nết, lại học giỏi, bị một anh con nhà trên phố theo đuổi. Bố mẹ anh ta chỉ vì ngăn cấm con trai mà tìm về tận nhà con bé làm ầm ĩ lên khiến cả nhà con bé phải xấu hổ. Vậy mà có cấm được chúng nó đâu. Thằng chồng nó vẫn quyết tâm bỏ phố về quê mua đất xây nhà và lấy bằng được con bé. Sau này, bố mẹ chồng nó nghĩ lại, phải về xin dâu xin cháu đấy thôi. Thật bẽ mặt.

Bây giờ người quê lên phố sinh sống cũng nhiều, dân thị về quê làm ăn, mua đất mở trang trại, làm nhà nghỉ cuối tuần cũng không ít. Người thành phố sành ăn bây giờ toàn kiếm đồ quê, nào gạo quê, gà quê, rau củ quả quê… vậy mà tư tưởng miệt thị dân quê xem ra vẫn thế. Tối, kể chuyện với bác giáo Bình, bác ấy mắng át đi: “Chú cứ hay cả nghĩ. Chú dám bỏ khách giữa đường để đưa người bị nạn vào viện cấp cứu mà không suy tính thiệt hơn, nhiều người thành phố có làm được thế không, hay họ chỉ biết xúm vào xem rồi bàn tán suông? Đó chỉ là một ví dụ nhỏ.

Hà Nội bây giờ hơn sáu triệu dân, thử hỏi gốc gác phố thị được bao nhiêu? Dân nhập cư đông lắm, nhiều người học rộng tài cao đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô. Nói cho chú biết, lãnh đạo thành phố này không ít người từ nhà quê ra đâu nhé, nếu vì thế mà buồn thì chắc các bác ấy phải buồn trước chú…”.

Có lẽ bác giáo nói phải, dưng tôi vẫn nghĩ. Mồng Một tháng Tư, người Hà Nội sẽ nhất loạt ra quân sơn lại nhà mặt tiền ở 75 tuyến phố cho khang trang. Người ta đang bàn xem cho phố phường “mặc áo” xanh hay vàng, nhạt hay đậm… Tôi chẳng thể hào hứng được nữa. Khoác “áo mới” dù màu gì đi nữa mà tư duy không đổi, nhất là vẫn nặng cái định kiến về người nhà quê, thì cũng chưa đủ làm nên sự văn minh, thanh lịch của người thành phố, mẹ nó nhỉ?

TB: Mấy bữa nay, báo, đài nói bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá đang lan nhanh hủy diệt đồng lúa các tỉnh. Nếu dịch lan đến đồng làng mình thì mẹ nó báo tin cho tôi ngay nhé, tôi sẽ về đỡ đần mẹ nó và các con./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên