Từ tháng 4/2018, chung cư, bệnh viện phải mua bảo hiểm cháy nổ
VOV.VN - Chung cư, bệnh viện phải mua bảo hiểm cháy nổ; thêm trường hợp được tuyển thẳng vào đại học... là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 4.
Bảo hiểm cháy nổ bắt buộc
Nghị định số 23/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc có hiệu lực từ ngày 15/4 nêu rõ: Bên mua bảo hiểm cháy, nổ phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tại các doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm cháy, nổ theo quy định pháp luật.
Nghị định quy định: Bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm triển khai bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo điều kiện, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu theo quy định.
Theo quy định, đối tượng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ gồm: nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình; máy móc, thiết bị; các loại hàng hoá, vật tư (bao gồm cả nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm). Số tiền bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tối thiểu là giá trị tính thành tiền theo giá thị trường của các tài sản trên tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm.
Theo Nghị định, đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ (trừ cơ sở hạt nhân) có tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm dưới 1.000 tỷ đồng thì mức phí bảo hiểm được xác định bằng số tiền bảo hiểm tối thiểu nhân với tỷ lệ phí bảo hiểm quy định tại Nghị định.
Trên cơ sở mức phí bảo hiểm quy định tại điểm này, doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm có thể thỏa thuận tăng mức phí bảo hiểm áp dụng đối với từng cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ căn cứ vào mức độ rủi ro của từng cơ sở và theo quy định pháp luật.
Đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ có tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm từ 1.000 tỷ đồng trở lên và cơ sở hạt nhân thì doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thỏa thuận mức phí bảo hiểm theo quy định pháp luật và trên cơ sở được doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm chấp thuận.
Nghị định cũng nêu cụ thể mức khấu trừ bảo hiểm. Mức khấu trừ bảo hiểm là số tiền mà bên mua bảo hiểm phải tự chịu trong mỗi sự kiện bảo hiểm.
Cơ sở sản xuất ngành xây dựng phải báo cáo việc bảo vệ môi trường
Có hiệu lực từ ngày 1/4, thông tư 02 của Bộ Xây dựng quy định về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình và chế độ báo cáo công tác bảo vệ môi trường ngành xây dựng.
Theo đó, các cơ sở sản xuất vật liệu, khai thác khoáng sản làm vật liệu, sản xuất sản phẩm cơ khí có trách nhiệm báo cáo công tác bảo vệ môi trường một lần mỗi năm và gửi về Sở Xây dựng trước ngày 31/12 hàng năm.
Thông tư này cũng quy định, các nhà thầu phải có nhân sự phụ trách về môi trường theo quy định. Trong trường hợp phát hiện nguy cơ xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường nghiêm trọng, các cơ sở sản xuất, xây dựng bị buộc dừng thi công.
Điểm mới trong quy chế tuyển sinh đại học năm 2018
Tại thông tư 07/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực từ 15/4 nêu rõ: Người đạt một trong các giải nhất, nhì, ba tại các kỳ thi tay nghề khu vực ASEAN và thi tay nghề quốc tế, nếu có bằng tốt nghiệp THPT hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp, đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định của pháp luật thì được tuyển thẳng vào trường để học ngành, nghề phù hợp với nghề đã đạt giải.
Các thí sinh này không dùng quyền xét tuyển thẳng thì được hiệu trưởng xem xét, quyết định ưu tiên xét tuyển vào trường để học ngành, nghề phù hợp với nghề đã đạt giải theo quy định của từng trường.
Điểm ưu tiên giữa 2 khu vực kế tiếp chênh lệch là 0,25 điểm. Đối với trình độ đại học xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại giỏi. Các ngành sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật, giáo dục thể chất xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên.
Đối với trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên. Riêng các ngành sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật, giáo dục thể chất (ngành cao đẳng), sư phạm thể dục thể thao (ngành trung cấp) xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại trung bình trở lên.
Quy định mới về tuyển sinh lớp 6
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 05/2018/TT-BGDĐT sửa đổi bổ sung Quy chế tuyển sinh Trung học cơ sở và Trung học phổ thông, được thực hiện từ 15/4/2018.
Về tổ chức tuyển sinh Trung học cơ sở, theo quy định hiện hành tại Thông tư 11/2014/TT-BGDĐT, việc tuyển sinh trung học cơ sở theo phương thức xét tuyển. Còn tại Thông tư 05/2018/TT-BGDĐT sửa đổi như sau: Tuyển sinh trung học cơ sở theo phương thức xét tuyển. Trường hợp cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn chỉ tiêu tuyển sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh.
Thông tư 05 cũng nêu rõ: Hàng năm, tổ chức một lần tuyển sinh vào trung học cơ sở và trung học phổ thông; việc tuyển sinh vào trung học cơ sở, trung học phổ thông bảo đảm chính xác, công bằng, khách quan, thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục trung học cơ sở trên địa bàn.
Đối với quy định tuyển thẳng vào trung học phổ thông, theo quy định hiện nay tại Thông tư 11/2014/TT-BGDĐT, tuyển thẳng học sinh đạt giải cấp quốc gia trở lên về văn hóa; văn nghệ; thể dục thể thao; cuộc thi khoa học kĩ thuật dành cho học sinh trung học.
Với nội dung này, Thông tư 05/2018/TT-BGDĐT sửa đổi quy định chi tiết hơn: Tuyển thẳng vào trung học phổ thông “Học sinh đạt giải cấp quốc gia và quốc tế về văn hóa; văn nghệ; thể dục thể thao; cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh Trung học cơ sở và Trung học phổ thông”.
Bên cạnh đó, Thông tư 05 cũng nêu rõ: Sở Giáo dục và Đào tạo quy định mức điểm cộng thêm cho từng nhóm đối tượng được cộng điểm ưu tiên với mức chênh lệch điểm cộng thêm giữa hai nhóm đối tượng được ưu tiên kế tiếp là 0,5 điểm tính theo thang điểm 10.
Điều kiện xét thăng hạng viên chức giảng dạy đại học công lập
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 08/2018/TT-BGDĐT quy định điều kiện, nội dung, hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập, có hiệu lực kể từ ngày 27/4/2018.
Thông tư này quy định điều kiện, nội dung, hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập từ giảng viên (hạng III) lên giảng viên chính (hạng II) và từ giảng viên chính (hạng II) lên giảng viên cao cấp (hạng I).
Thông tư cũng nêu rõ điều kiện đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Theo đó, viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập được đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp khi có đủ các điều kiện sau: Cơ sở giáo dục đại học công lập có nhu cầu và được cấp có thẩm quyền cử đi dự xét; hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian 03 năm liên tục tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ dự xét; được thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học đánh giá có đủ phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp; không trong thời gian bị thi hành kỷ luật hoặc đã có thông báo về việc xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.
Có đủ tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp đăng ký dự xét theo quy định tại Thông tư liên tịch số 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập.
Đang giữ chức danh nghề nghiệp giảng viên (hạng III), mã số V.07.01.03 đối với viên chức đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II), mã số V.07.01.02; đang giữ chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II), mã số V.07.01.02 đối với viên chức đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng I), mã số V.07.01.01.
Hình thức xét thăng hạng thông qua việc xét hồ sơ theo quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp ở hạng cao hơn liền kề với hạng hiện giữ và thẩm định, quy đổi điểm công trình khoa học.
Công trình khoa học quy đổi gồm: Bài báo khoa học; kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ đã đăng ký và được cấp bằng độc quyền sáng chế; giải pháp khoa học, công nghệ hữu ích; sách phục vụ đào tạo; báo cáo khoa học được công bố toàn văn trong kỷ yếu của hội thảo khoa học quốc gia, quốc tế; tác phẩm nghệ thuật, chương trình biểu diễn, thành tích thi đấu thể dục thể thao đạt giải thưởng quốc gia, quốc tế.
Viên chức trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp là viên chức: Được Hội đồng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp xác định đạt điều kiện theo quy định và có điểm công trình khoa học đạt tối thiểu 06 điểm đối với viên chức dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II); đạt tối thiểu 16 điểm đối với viên chức dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng I). Trường hợp có nhiều ứng viên đạt điểm tối thiểu theo quy định thì viên chức trúng tuyển được xác định theo điểm quy đổi từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu xét tuyển được phân bổ./.
Những chính sách về cán bộ, công chức có hiệu lực từ tháng 3/2018