Nếu biết tận dụng nguồn lực sẵn có tại địa phương, thì không nhất thiết phải sử dụng các phương tiện chữa cháy hiện đại mà vẫn đạt hiệu quả cao.
- Lào Cai vật lộn với cháy rừng
- Dồn sức cứu Vườn quốc gia Hoàng Liên
- Cháy rừng tại Sa Pa: Lập trụ sở chỉ huy dập lửa
- Lào Cai tiếp tục chữa cháy tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên
Đến thời điểm này thì toàn bộ các điểm cháy trên rừng Hoàng Liên đã được khống chế. Đây là sự nỗ lực của hàng nghìn người tham gia chữa cháy rừng đều an toàn tuyệt đối trở về. Nhưng bài học được rút ra ở đây là chống cháy rừng trên núi, thì không nhất thiết phải sử dụng các phương tiện chữa cháy hiện đại mà hoàn toàn từ những nguồn lực có sẵn tại địa phương.
Sử dụng phương châm “4 tại chỗ” đã được lãnh đạo tỉnh Lào Cai áp dụng triệt để. Ban chỉ huy tiền phương được đặt ở sâu trong rừng để kịp thời bám nắm tình hình. Gần 500 người dân ở 6 xã: Tả Van, Sử Pán, Lao Chải, Sa Pa, Bản Phùng và Bản Khoang được huy động kịp thời đến ứng cứu. Toàn bộ dao phát, cuốc, xẻng của người dân địa phương được đem ra cửa rừng. Vườn Quốc gia Hoàng Liên được phân công phụ trách hậu cần.
Ông Nguyễn Văn Trình, Trưởng phòng Hành chính tổng hợp Vườn Quốc gia Hoàng Liên, người được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo công tác hậu cần cho biết: “Lực lượng hậu cần đã có sự chủ động ngay từ đầu, xác định hậu cần làm những công việc gì. Vì vậy, chúng tôi chủ động trong mọi tình huống”.
Bài học mà lãnh đạo tỉnh Lào Cai rút ra trong công tác chữa cháy rừng vừa qua là cần có các trinh sát đi tiền trạm để bám nắm tình hình. Lãnh đạo chỉ huy phải bám sát thông tin để đưa ra phương án chính xác, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng mũi chữa cháy. Biện pháp phát đường băng và đốt dọn thực bì chặn trước đã được áp dụng có hiệu quả. Đặc biệt là huy động người dân địa phương có kinh nghiệm để xử lý triệt để các đám cháy âm ỉ, tránh bùng phát trở lại. Thông tin liên lạc cũng là trợ thủ đắc lực cho Ban chỉ huy.
Chính vì vậy, ngay sau khi có tin cháy rừng, tỉnh Lào Cai đã đề nghị Viễn thông Quân đội Viettel và VNPT Lào Cai đã triển khai ngay trạm BTS và các điện thoại vệ tinh để đảm bảo liên lạc giữa các mũi và ban chỉ huy.
Ông Doãn Văn Hưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết: “Rút kinh nghiệm tình huống xảy ra năm 2010 tại huyện SaPa, lần này chúng tôi đã sử dụng lực lượng tại chỗ, với phương châm “4 tại chỗ” đã được triển khai triệt để. Người dân địa phương với tinh thần trách nhiệm cao, cùng với lực lượng dân quân địa phương trực tiếp tham gia vào dập lửa ở các khu vực xảy ra cháy rừng. Hiệu quả đã thấy rõ, các điểm cháy ở độ cao 1.700 đã được dập tắt hoàn toàn”.
Như vậy rõ ràng là chống cháy rừng trên núi, ngoài công nghệ thông tin về liên lạc thì cũng không nhất thiết phải sử dụng các phương tiện chữa cháy mà vẫn đạt hiệu quả cao./.