Tuyên dương 145 học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu

VOV.VN - Tối 29/12, tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam đã diễn ra chương trình Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu năm 2020 do Bộ GD-ĐT, Ủy ban Dân tộc, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.

Tới dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến; các Ủy viên Trung ương Đảng: Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Thượng tướng Bế Xuân Trường, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Tổng Giám đốc VOV Nguyễn Thế Kỷ; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương.

Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu là sự kiện được tổ chức thường niên nhằm tôn vinh truyền thống hiếu học, hăng say lao động sản xuất phát triển kinh tế, xã hội của dân tộc Việt Nam nói chung và của các dân tộc thiểu số Việt Nam nói riêng.

Đồng thời, đây cũng là dịp để biểu dương, khích lệ tinh thần nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn để đạt được thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong học tập, rèn luyện và tham gia các hoạt động xã hội của học sinh, sinh viên và thanh niên dân tộc tiểu số.

Năm 2020, tiêu chí lựa chọn học sinh, sinh viên thanh niên dân tộc thiểu số được tuyên dương tiếp tục cao hơn các năm. Lễ Tuyên dương năm nay đã có đã có 145 học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số đại diện 50 dân tộc ở 47 địa phương được tuyên dương. Đặc biệt trong 16 dân tộc thiểu số ít người có 18 học sinh, sinh viên, thanh niên thuộc 15 dân tộc ít người được tuyên dương. Trong đó 5 dân tộc rất ít người là Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Pu Péo, Si La đều có học sinh, sinh viên, thanh niên được tuyên dương.

Bên cạnh các đối tượng tuyên dương là học sinh, sinh viên, năm 2020 là năm thứ hai Ban Tổ chức mở rộng đối tượng được tuyên dương là thanh niên người dân tộc thiểu số đáp ứng được các tiêu chí chung và đạt được những thành tích xuất sắc, tiêu biểu trên các lĩnh vực.

Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Đỗ Văn Chiến - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc cho biết, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã dành sự quan tâm đặc biệt, đầu tư phát triển kinh tế-xã hội nói chung, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng dân tộc thiểu số, miền núi nói riêng. 

Quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị, ưu tiên nguồn lực, đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đạt được kết quả quan trọng, toàn diện.

Mạng lưới trường lớp các cấp học từ mầm non đến phổ thông ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi được củng cố, phát triển. Cơ sở vật chất được đầu tư ngày một khang trang hơn. Trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, dự bị đại học phát triển cả về số lượng và chất lượng. Chế độ chính sách cho người dạy, người học được quan tâm; chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu đổi mới giáo dục.

Hiệu quả từ các chính sách đầu tư phát triển giáo dục đào tạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Số học sinh là người dân tộc thiểu số đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi; các cuộc thi nghệ thuật, thể thao cấp quốc gia; học sinh trúng tuyển vào các trường đại học đạt điểm cao, năm sau cao hơn năm trước.

“Trong 145 em được tuyên dương có 50 thành phần dân tộc đến từ 47 tỉnh, thành phố trong cả nước. Có nhiều em đạt thành tích xuất sắc, tiêu biểu như: Em Vũ Thị Xoán, dân tộc Mông, ở Hà Giang đạt giải Nhất cuộc thi Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc; em Quách Yến Ngân, dân tộc Hoa, ở TP Hồ Chí Minh đạt giải Nhất trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2020; em Lê Văn Tô Đức, dân tộc Tày, ở tỉnh Bắc Giang trúng tuyển vào đại học với số điểm 29,85; em Đặng Thị Dung, dân tộc Dao, ở tỉnh Tuyên Quang, trúng tuyển vào đại học với số điểm 29,75; em Trang Quốc Thịnh, dân tộc Khmer, ở tỉnh Tiền Giang, trúng tuyển vào đại học với số điểm 29,15; em Nguyễn Bích Ngọc, dân tộc Mường, đến từ tỉnh Hòa Bình, đạt 01 Huy chương Vàng, 01 Huy chương Bạc tại giải Vovinam sinh viên toàn quốc…

Trong số các em được tuyên dương hôm nay, có gần một nửa đã được học ở trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú. Đáng quý hơn là hơn một nửa số em có bố mẹ làm nông nghiệp, đang sinh sống ở nông thôn, gia đình thuộc diện còn khó khăn; hàng chục em mồ côi cha, mẹ; 18 em thuộc nhóm dân tộc rất ít người. Điều đó chứng tỏ rằng cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của nhà nước và xã hội, các em đã rất nỗ lực vượt khó, chăm ngoan, học giỏi, tương lai sẽ trở thành những “hạt giống đỏ” cho sự nghiệp phát triển của vùng dân tộc thiểu số và miền núi”, ông Đỗ Văn Chiến nói.

 

Ông Đỗ Văn Chiến cũng nhắn nhủ học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số trong cả nước cần cố gắng hơn nữa, khơi dậy khát vọng vượt khó vươn lên, phấn đấu học tập, rèn luyện tốt để góp phần xây dựng quê hương, bản làng của mình ngày càng phát triển.

Đến dự và phát biểu tại buổi lễ, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng, hoạt động thường niên này đã tạo ra sức lan tỏa sâu rộng, động viên khích lệ thế hệ trẻ cả nước, đặc biệt là thế hệ trẻ dân tộc thiểu số nỗ lực vươn lên trong học tập, rèn luyện, sáng tạo, lao động sản xuất, tạo dựng hành trang cần thiết trở thành chủ nhân tương lai của đất nước. 

Với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự chăm lo của gia đình, cộng đồng, xã hội, tâm huyết, trách nhiệm của các thầy, cô giáo và sự nỗ lực của chính bản thân các em, giáo dục đào tạo vùng dân tộc thiểu số đã đạt được những thành tựu quan trọng. Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 với nhiều mục tiêu phù hợp với vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã thu được kết quả tốt đẹp sau 10 năm thực hiện. 

Phổ cập giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi triển khai theo cấp học Mầm non, tiểu học, trung học cơ sở hàng năm được tăng lên, trên cơ sở củng cố vững chắc và phát triển kết quả phổ cập đã đạt được, tiến đến hoàn thành phổ cập giáo dục mức độ 2, mức độ 3, nâng cao chất lượng và phân luồng học sinh; củng cố và phát triển giáo dục chuyên biệt, đặc thù vùng dân tộc thiểu số miền núi, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thành tích học tập của học sinh sinh viên dân tộc thiểu số năm 2020 tăng cả về số lượng và chất lượng, học sinh sinh viên dân tộc thiểu số đạt các giải nhất nhì cấp quốc gia, số lượng học sinh đỗ đại học với số điểm trên 29 điểm trở lên đã không còn là cá biệt... Ngày càng xuất hiện nhiều hơn các gương mặt thanh niên tiêu biểu xuất sắc trong lao động, sản xuất. 

“Các học sinh, sinh viên, thanh niên được tuyên dương là đại diện cho hàng triệu học sinh, sinh viên đã hội tụ tại đây, các em thực sự là niềm tự hào của gia đình, dòng họ, bản làng, địa phương. Thành tích học tập nghiên cứu khoa học góp phần làm bừng sáng bản làng, tạo khí thế mới trong các chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh trật tự, đóng góp ngày càng nhiều cho xã hội”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. 

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng cho rằng, vùng dân tộc thiểu số và miền núi có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường của đất nước. Đảng và Nhà nước luôn chăm lo đặc biệt cho đồng bào, cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, có nhiều khó khăn, bị ảnh hưởng nhiều của thiên tai, bão lũ, bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn gặp nhiều khó khăn. 

Thời gian tới, để khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhất là thúc đẩy phát triển giáo dục đào tạo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Phó Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, đặc biệt là Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Ủy ban Dân tộc tiếp tục nêu cao trách nhiệm là đơn vị chủ trì làm đầu mối, phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện tốt các đề án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Hai là, thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nâng cao chất lượng công tác giáo dục và đào tạo. Giữ vững và phát huy thành quả xoá mù chữ, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Củng cố, phát triển phù hợp mạng lưới, quy mô các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú; hỗ trợ việc ăn, ở cho học sinh, sinh viên vùng địa bàn đặc biệt khó khăn. Đổi mới phương thức và chính sách cử tuyển, bồi dưỡng dự bị đại học, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp đối với thanh niên dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng và được đào tạo nghề, đặc biệt là học sinh, sinh viên, thanh niên có thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực; có cơ chế chăm lo đời sống cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở địa bàn đặc biệt khó khăn... 

Ba là, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp tiếp tục quan tâm, chăm lo về vật chất và tinh thần, nêu cao tinh thần trách nhiệm xã hội của các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm chung tay cùng nhà trường, gia đình hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất khuyến khích thanh niên dân tộc thiểu số học tập nghiên cứu, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức và phát huy khả năng của mình trong mọi hoàn cảnh, để trở thành những công dân tốt, những người lao động giỏi, những cán bộ người dân tộc thiểu số ngày một trưởng thành cùng với học sinh, sinh viên, thanh niên cả nước đóng góp nhiều hơn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phó Thủ tướng cũng nhắn nhủ các em học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu được tuyên dương trong các kỳ trước và hôm nay là những tấm gương điển hình, tạo động lực, niềm tin, khát vọng vươn lên cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số trong cả nước. Các em hãy tự tin, đoàn kết, tiếp tục phấn đấu, không ngừng vươn lên, phát huy năng lực sáng tạo, chuẩn bị tốt tâm thế, lập thân, lập nghiệp, trở thành những công dân có ích, cống hiến ngày càng nhiều cho quê hương đất nước.

Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã trao học bổng cho các học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc tổng trị giá 500 triệu đồng. Thay mặt Bộ Công an, Bộ trưởng Tô Lâm tặng mỗi em 1 máy tính bảng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Gặp mặt học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu năm 2020
Gặp mặt học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu năm 2020

VOV.VN - Ủy ban Dân tộc tổ chức lễ gặp mặt Đoàn học sinh, sinh viên thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS) tiêu năm 2020.

Gặp mặt học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu năm 2020

Gặp mặt học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu năm 2020

VOV.VN - Ủy ban Dân tộc tổ chức lễ gặp mặt Đoàn học sinh, sinh viên thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS) tiêu năm 2020.

UNDP hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số Hà Giang bị tác động do Covid 19
UNDP hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số Hà Giang bị tác động do Covid 19

VOV.VN - UNDP hỗ trợ xây dựng 26,5 km đường giao thông nông thôn mới nối 17 thôn của huyện Yên Minh và huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

UNDP hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số Hà Giang bị tác động do Covid 19

UNDP hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số Hà Giang bị tác động do Covid 19

VOV.VN - UNDP hỗ trợ xây dựng 26,5 km đường giao thông nông thôn mới nối 17 thôn của huyện Yên Minh và huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

Quy định mới về học cử tuyển với học sinh dân tộc thiểu số
Quy định mới về học cử tuyển với học sinh dân tộc thiểu số

VOV.VN - Người học cử tuyển gồm người dân tộc thiểu số rất ít người; người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn chưa có hoặc có rất ít đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số.

Quy định mới về học cử tuyển với học sinh dân tộc thiểu số

Quy định mới về học cử tuyển với học sinh dân tộc thiểu số

VOV.VN - Người học cử tuyển gồm người dân tộc thiểu số rất ít người; người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn chưa có hoặc có rất ít đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số.