Tuyến đường 60 tỷ có nguy cơ bị dòng sông “nuốt chửng”
VOV.VN - Tuyến đường liên tỉnh từ Lục Yên (Yên Bái) đi Bảo Yên (Lào Cai) mới đưa vào sử dụng đầu năm 2022, nhưng hiện nay nguy cơ bị dòng sông Chảy “nuốt chửng”.
Đường nối Lục Yên (Yên Bái) với Bảo Yên (Lào Cai) được khởi công xây dựng tháng 6/2021, theo tiêu chuẩn cấp V miền núi, với chiều dài 13,6 km, bề rộng 6,5m, tổng mức đầu tư 60 tỷ đồng; trong đó, chi phí xây dựng 50,6 tỷ đồng, còn lại là chi phí khác. Công trình được Liên danh Công ty TNHH xây dựng Sơn Tùng, Công ty TNHH Cường Thịnh và Công ty TNHH Lương Gia thi công.
Tuyến đường này có điểm đầu nối với tuyến đường Tân Lĩnh - Lâm Thượng, huyện Lục Yên và điểm cuối tuyến kết thúc tại vị trí giáp ranh giữa hai tỉnh Yên Bái và Lào Cai, thuộc xã Minh Chuẩn (Lục Yên, Yên Bái) và Việt Tiến (Bảo Yên, Lào Cai). Đến đầu năm 2022, tuyến đường được hoàn thành đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân hai huyện Lục Yên, Bảo Yên nói riêng và người dân trong vùng nói chung đi lại, giao thương thuận tiện; là tiền đề để 2 xã Tân Lĩnh, Minh Chuẩn (huyện Lục Yên, Yên Bái) và các xã lân cận bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, hiện tuyến đường này có 3 vị trí có nguy cơ sạt lở xuống dòng sông Chảy bất cứ lức nào, đặc biệt là đoạn cách UBND xã Minh Chuẩn khoảng vài trăm mét. Đoạn này dài tầm 150m đã bị sạt lở phía dưới chân, bên trên chỉ cần sạt lở thêm vào khoảng 2 mét là đến mặt đường. Hiện chỉ cần vài cơn mưa lớn, hay khi lũ nước sông dâng cao là có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đoạn đường này.
Ông Đào Quang Dũng, Chủ tịch UBND xã Minh Chuẩn, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái cho biết, xã đã đề nghị các cấp có thẩm quyền về xem xét, kiểm tra để có biện pháp “cứu” đường kịp thời. Trước mắt, để hạn chế sạt lở vào thêm, chính quyền địa phương đã cho đóng cọc tre, song đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, vì mặt đường cách mặt sông rất cao, đến cả chục mét.
“Tuyến đường này nằm dọc theo dòng sông Chảy, quá trình bồi đắp giữa lòng sông thay đổi dòng chảy, cộng với mưa lũ nước về nhiều, dòng chảy xiết cũng là nguyên nhân gây sạt lở. Ngoài ra, tại đây có một số doanh nghiệp khai thác cát dưới lòng sông cũng gây sạt lở ảnh hưởng đến tuyến đường”, ông Dũng nói.
Theo người dân ở đây, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sạt lở vẫn là do yếu tố con người, bởi trước đây, khi các đơn vị chưa khai thác cát sỏi ở đây thì sạt lở không nhiều như hiện nay. Không ít người cũng đặt câu hỏi, lúc thiết kế tuyến đường, ngành chức năng và các đơn vị phối hợp có tính đến yếu tố sạt lở tự nhiên của dòng sông hay không?
Còn theo quan sát của phóng viên, đoạn sông dọc theo tuyến đường từ Tân Lĩnh lên Minh Chuẩn có nhiều tàu cát hoạt động, giữa dòng sông gần các đoạn đường bị sạt lở thường là có các bãi sỏi to, bãi cát chặn dòng.
Ngoài các vị trí trên tuyến đường có nguy cơ bị sạt xuống sông, hiện ở khu vực thôn Khau Nàng, xã Minh Chuẩn và thôn Quyết Thắng, xã Tô Mậu (Lục Yên), nhiều diện tích đất canh tác của bà con cũng đã và đang bị sạt lở xuống sông.
Với đà này, nếu cơ quan chức năng không có biện pháp kịp thời để khắc phục thì chắc chắn tuyến đường nhiều tỷ đồng mới đưa vào sử dụng sẽ bị dòng sông “nuốt chửng” trong nay mai./.