“Tuyến đường Cam Lộ-La Sơn như hiện nay không thể gọi là cao tốc được”
VOV.VN - Vụ tai nạn giao thông thảm khốc trên cao tốc Cam Lộ-La Sơn thuộc địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế khiến ba mẹ con tử vong thương tâm là vụ việc vô cùng đau lòng. Ngoài ý thức và kỹ năng của người tham gia giao thông, cần công tâm xem lại và cần thay đổi tư duy việc quy hoạch, thiết kế đầu tư và quản lý vận hành đường cao tốc hiện nay…
Cao tốc 2 làn xe: “Lợi bất cập hại”
Dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam đoạn Cam Lộ (Quảng Trị)-La Sơn (Thừa Thiên Huế) dài 98,3km, tổng mức đầu tư 7.669 tỷ đồng đi vào hoạt động từ cuối năm 2022, kết nối cao tốc La Sơn-Túy Loan dài 77,5km đã khai thác trước đó, tạo thành tuyến cao tốc dài 178,6km nối liền các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế với TP. Đà Nẵng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương và liên vùng, giảm mật độ xe ô tô lưu thông trên Quốc lộ 1A vốn đang quá tải.
Sau vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên cao tốc Cam Lộ-La Sơn đoạn qua huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế ngày 18/2 khiến ba người trong một gia đình tử vong, lực lượng chức năng xác định do tài xế ô tô con chở những người gặp nạn nói trên vượt sai quy định. Tuy nhiên, nhiều nhà quản lý, chuyên gia giao thông và tài xế chạy tuyến Bắc-Nam đã nêu ra những bất cập về hạ tầng ở tuyến đường này.
Trong đó, là không đảm bảo các tiêu chuẩn của đường cao tốc là nguyên nhân xảy ra dồn dập những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng kể từ khi đưa vào sử dụng từ năm 2021 đến nay.
Những bất cập đang tồn tại trên tuyến cao tốc này là: cao tốc chỉ có 2 làn đường; có một số đoạn thắt nút cổ chai; gần như không có hệ thống đèn chiếu sáng cao áp bên đường, không có hệ thống camera giám sát...
Một số lái xe phân tích: Hầu hết các vụ tai nạn xảy ra trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn thời gian qua là do đối đầu giữa 2 xe ngược chiều. Song, bất cập lớn nhất dẫn đến tai nạn là mặt đường quá hẹp, không có con lươn hoặc dải phân cách cứng ở giữa.
Trên cao tốc Cam Lộ-La Sơn cứ khoảng 5-8km mới lại có một đoạn có 4 làn đường, có dải phân cách cứng ở giữa để phương tiện cùng chiều vượt lên. Nhưng các điểm cho phép vượt chỉ dài từ 1,5-2km rồi lại nhập hai làn thành một làn như “nút cổ chai” gây nguy hiểm cho những tài xế chưa quen đường. Đây cũng chính là vị trí ô tô 7 chỗ 36A-485.67 gặp nạn làm 3 người chết vào sáng 18/2.
Bên cạnh đó, khi đi trên tuyến cao tốc Cam Lộ-La Sơn sóng điện thoại rất chập chờn, không trạm xăng, không trạm dừng nghỉ...những cung đường cấm vượt kéo dài, còn thiếu camera giám sát nên một số tài xế đi ẩu thường xuyên nháy đèn, bóp còi inh ỏi rồi nhấn ga tăng tốc đột ngột để giành đường, tạo ra những tình huống nguy cơ tai nạn.
Trước nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông trên tuyến đường này, tại diễn đàn Quốc hội và những lần làm việc với lãnh đạo Trung ương, Bộ GTVT, ông Hà Sỹ Đồng-Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh Quảng Trị nhiều lần kiến nghị về việc cấp thiết phải mở rộng thêm 2 làn trên đường cao tốc Cam Lộ-La Sơn.
“Đường cao tốc Cam Lộ-La Sơn như hiện nay không thể gọi là cao tốc được. Nguyên nhân, những tuyến cao tốc khác trên cả nước đã và đang đầu tư đầu đều 4 làn đường, trong khi cao tốc Cam Lộ-La Sơn lại thắt nút cổ chai, hệ thống hạ tầng thiếu đồng bộ nên rất dễ gây ra tai nạn.
Ngoài việc đầu tư thêm 2 làn đường, tuyến cao tốc này cần tăng cường các biển báo; nâng cấp, gia cố hệ thống đường gom; bổ sung các kết cấu hộ lan, hốc cứu hộ, cứu nạn; tăng cường kiểm tra, kiểm soát cũng như lắp đặt thêm camera giám sát và xử lý nghiêm các tài xế vượt ẩu, chạy quá tốc độ…Đồng thời, khẩn trương bồi thường giải phóng mặt bằng để đầu tư tuyến cao tốc này cho hoàn thiện và đồng bộ trong thời gian sớm nhất”, ông Hà Sỹ Đồng kiến nghị.
Đồng quan điểm, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, nhiều đường cao tốc ở nước ta, trong đó không ít đoạn tuyến thành phần cao tốc Bắc-Nam phía Đông đã phải đầu tư xây dựng không đạt đúng chuẩn cao tốc, cụ thể là chỉ xây được 2 làn.
“Do nguồn vốn phân bổ không đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư, hạ tầng đường cao tốc còn bất cập như đường quá hẹp, không có làn khẩn cấp…nên hàng loạt đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam mới được đưa vào khai thác bị giới hạn tốc độ, nên không thể gọi là cao tốc được” ông Thủy nói.
Chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy góp ý, khi đầu tư cao tốc phải đồng bộ luôn, đáp ứng được tiêu chuẩn, quy chuẩn ngay từ đầu, tránh vừa đưa vào khai thác được vài năm đã phải nâng cấp, mở rộng sẽ rất khó khăn, chắp vá và tốn kém.
“Những vụ tai nạn giao thông chết nhiều người, làm nhiều phương tiện bị hư hỏng, thiệt hại về người là không thể tính đếm được, còn thiệt hại về vật chất, làm gián đoạn giao thông cũng gây nên thiệt hại lớn về kinh tế. Do đó, chúng ta cần tính toán để làm hoàn chỉnh, không để sau đó lại chắp vá thêm một vài làn xe vào, như vậy nó rất manh mún, chắp vá và chắc chắn tốn kém hơn nhiều so với đầu tư một lần…”, ông Thủy nói.
Rà soát ngay những bất cập nguy hiểm trên cao tốc Cam Lộ-La Sơn
Ngay sau vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên tuyến cao tốc Cam Lộ-La Sơn thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Công an, GTVT và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về khắc phục hậu quả.
Đồng thời Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chủ trì tổ chức hội nghị với các cơ quan, lực lượng chức năng đánh giá nguyên nhân, triển khai các giải pháp khắc phục tồn tại, bất cập, đồng thời xem xét xử lý nghiêm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 19/2, đoàn công tác của Ủy ban ATGT Quốc gia do ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia dẫn đầu đã tới kiểm tra hiện trường, kiểm tra khảo sát trên tuyến và làm việc với các Sở ngành, địa phương, đơn vị liên quan về vụ TNGT xảy ra tại Km48+200 cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế.
Nhận định về nguyên nhân từ hai vụ TNGT xảy ra trên cao tốc hai làn xe La Sơn-Tuý Loan (ngày 23/1/2024) và Cam Lộ - La Sơn (ngày 18/2/2024) chỉ trong vòng một tháng gần đây, ông Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia cho rằng, khi TNGT xảy ra, các cơ quan chức năng sẽ xem xét các nguyên nhân trực tiếp và xử lý trách nhiệm các cá nhân tổ chức có liên quan. Các nguyên nhân chính thức cuối cùng sẽ do cơ quan chức năng công bố.
Theo ông Minh, Thủ tướng đã có chỉ đạo rất rõ trong các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, bên cạnh làm rõ các nguyên nhân trực tiếp, cần làm rõ các nguyên nhân khác có liên quan để phục vụ công tác phòng ngừa các vụ TNGT tương tự trong thời gian tới.
Quá trình này đòi hỏi cơ quan điều tra và các chuyên gia được trưng dụng (nếu có) phải rà soát lại toàn bộ các yếu tố trong hệ thống giao thông từ quy định, quy tắc, quy chuẩn, phương tiện, người lái, kết cấu hạ tầng và tổ chức giao thông, giáo dục, tuyên truyền, xử phạt...
Cùng đó, để ngăn tình trạng tài xế vượt ẩu trên cao tốc Cam Lộ-La Sơn gây nhiều nguy cơ tai nạn, lực lượng Cảnh sát giao thông đề xuất cần có hệ thống giám sát tốc độ, làn đường để phạt nguội như trên Quốc lộ 1.
Sau 2 vụ tai nạn giao thông xảy ra liên tiếp trên cao tốc 2 làn xe La Sơn-Tuý Loan (ngày 23/1/2024) và Cam Lộ-La Sơn (ngày 18/2/2024) làm 05 người chết, hơn 20 người bị thương, cơ quan chức năng cần phải xác định ngay nguyên nhân gây ra tai nạn để xử lý, nhưng cũng cần làm rõ các nguyên nhân khác trên toàn bộ hệ thống giao thông để phòng ngừa, hạn chế những vụ tai nạn tương tự có thể xảy ra.
Cao tốc Cam Lộ-La Sơn đã được thi công tuân thủ theo đúng thiết kế?
Ngày 19/2, ông Uông Việt Dũng-Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ GTVT cho biết đã ghi nhận nhiều ý kiến về tai nạn làm 3 người tử vong trên đường cao tốc Cam Lộ-La Sơn có một phần nguyên nhân do tuyến đường chưa đạt tiêu chuẩn cao tốc và không đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, nguyên nhân cuối cùng phải chờ kết luận của cơ quan điều tra, sau đó xác định trách nhiệm của các bên liên quan.
Ông Uông Việt Dũng cho rằng, bất kỳ quy mô cao tốc nào, đầy đủ hay phân kỳ đầu tư, người dân cũng phải tuân thủ luật, quy tắc giao thông, đảm bảo tốc độ… Bộ GTVT vẫn đang tiếp tục chỉ đạo cơ quan chuyên môn, đơn vị quản lý, khai thác đường cao tốc theo dõi diễn biến, tình huống phát sinh trên các tuyến cao tốc mới đưa vào khai thác.
Theo đại diện Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, đại diện chủ đầu tư dự án cao tốc Cam Lộ-La Sơn, Ban đang phối hợp với cơ quan chức năng rà soát, đánh giá lại để triển khai các giải pháp khắc phục những tồn tại, bất cập sau một thời gian đưa vào vận hành để tổ chức giao thông hợp lý trên cao tốc Cam Lộ-La Sơn.
Nói về đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn phần lớn chỉ có 2 làn xe và không có dải phân cách cứng, đại diện Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, do ngân sách khó khăn, nguồn lực xã hội hóa hạn chế nên đường cao tốc Cam Lộ-La Sơn được phân kỳ đầu tư. Giai đoạn đầu, xây dựng quy mô 2 làn xe hoặc 4 làn xe hạn chế nên khi đưa vào sử dụng chưa đạt chuẩn.
“Dự kiến, 2 đến 3 tuần nữa, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh sẽ báo cáo Bộ GTVT về hồ sơ mở rộng tuyến cao Cam Lộ-La Sơn lên 4 làn xe (2 chiều đi, 2 chiều về) có giải phân cách cứng. Khi đó, không chỉ khắc phục được những bất cập từ trước đến nay, nhất là các xe vượt nhau thuận lợi hơn rất nhiều so với việc có 2 làn xe mà còn đảm bảo đồng bộ với hệ thống cao tốc Bắc Nam phía Đông đã và đang xây dựng”.