Tuyển sinh lớp 10: Không quá căng thẳng
VOV.VN - Hà Nội có 81.500 học sinh lớp 9 đang gấp rút chạy đua chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, giảm khoảng 4.000 hồ sơ so với năm 2015.
Còn chưa đầy một tháng nữa, các em học sinh lớp 9 trên toàn thành phố sẽ chính thức bước vào kỳ thi tuyển sinh THPT. Theo thông tin từ Sở GD-ĐT Hà Nội, năm nay sẽ có khoảng 60% số em học trường THPT công lập, số còn lại sẽ dành cho trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường trung cấp chuyên nghiệp và THPT ngoài công lập.
Căng thẳng không kém thi đại học
So với năm 2015, số học sinh từ lớp 9 thi lên lớp 10 năm nay giảm khoảng 4.000 học sinh, chỉ tiêu đầu vào vẫn giữ nguyên, tuy vậy sức ép vấn không hề giảm.
Tại cơ sở luyện thi của trường THPT chuyên Ngoại ngữ - ĐHQGHN, đến nay vẫn không ngớt học sinh đến đăng ký học, một nhân viên phụ trách việc tuyển sinh của trung tâm cho biết không có giới hạn lượng học sinh mỗi lớp, vì là lớp cấp tốc nên nhu cầu học của các em là rất lớn.
81.500 học sinh lớp 9 căng thẳng trước kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ( ảnh minh họa). |
Em Lê Hà Vy học sinh lớp 9 trường THCS Giảng Võ đang theo học tại trung tâm cho biết lịch học của em kín từ 7h sáng đến 12 giờ đêm, mỗi ngày đều học sáng tại trường, buổi chiều và tối học thêm từ 2 đến 3 ca tại trung tâm, sau đó lại tự học ở nhà.“Để chuẩn bị cho việc thi vào lớp 10, ngay từ đầu năm lớp 8, em đã quen với lịch học dày dặc từ thứ 2 đến chủ nhật không có ngày nghỉ”, Vy nói thêm.
Trịnh Hồng Ngọc, học sinh lớp 9 trường THCS Giảng Võ kể: “Bình thường em học đến 12h, có hôm đến 2, 3 giờ sáng. Thậm chí những ngày chuẩn bị thi thử, em chỉ ngủ có nửa tiếng”.
Trước kỳ thi quan trọng, hầu hết phụ huynh và học sinh đều hy vọng có thể đỗ vào các trường công lập, trường chuyên, nên sức ép tâm lý với các em càng lớn.
Một số học sinh vì có kế hoạch đi du học nên muốn thi vào các trường top trên để “làm đẹp” hồ sơ khi xét duyệt. Vũ Khánh Linh, học sinh lớp 9 trường THCS Giảng Võ chia sẻ: “Nếu thi trượt đại học còn có thể thi lại sang năm, còn thi trượt cấp 3, bọn em chỉ có thể vào các trường dân lập. Hơn nữa em có ý định đi du học nên việc vào một trường tốt, tạo thuận lợi khi đi du học càng khiến em cảm thấy áp lực hơn rất nhiều”.
Không chỉ học sinh mà cả các bậc phụ huynh cũng đứng ngồi không yên trước kỳ thi tuyển sinh quan trọng này.
Phụ huynh em Linh, cũng cho biết hàng ngày con nhà chị đều phải đi học đến 9h tối mới về nhà, khi tan làm chị lại vội đến trường đón con, có hôm thì kịp về nhà ăn cơm, có những hôm phải đi học thêm ngay ca tối, chị chỉ kịp mua đồ ăn lót dạ cho con, hay đưa con đi dạo loanh quanh cho thoải mái một lát rồi lại đưa con đến trung tâm. Con học khuya đến 1, 2 giờ đêm, mẹ cũng thấp thỏm thức theo.
70% đề là nội dung cơ bản, học sinh không cần quá lo lắng
Thầy Lại Tiến Minh, giáo viên môn toán trường THPT Lương Thế Vinh cho rằng việc học thêm quá nhiều là không cần thiết: “Hiện nay cấu trúc đề thi tuyển sinh vào lớp 10 là đại trà, nội dung cơ bản chiếm tỉ lệ 70%, học sinh học trên lớp và học thêm ở trường về cơ bản đã được cung cấp tương đối đầy đủ kiến thức để các em có thể hoàn thành kỳ thi cấp 3 của mình rồi. Nếu học thêm quá nhiều bên ngoài, thời gian tự học của các em sẽ bị rút ngắn. Trên thực tế, việc tự học quyết định rất lớn đối với kết quả thi. Khi tự học, các em sẽ biết bản thân mình yếu ở chỗ nào, lỗ hổng kiến thức ở đâu, đây cũng là cách để các em tự hoàn thiện bản thân mình. Đó còn chưa kể tới việc học tập quá tải khiến các em không còn đủ thời gian để nghỉ ngơi, gây mất cân bằng. Điều quan trọng nhất là các em cần tự nhận ra mình thiếu gì và năng lực của bản thân đang ở đâu để có sự điều chỉnh cho phù hợp”.
Phương pháp học hiệu quả
Học nhiều nhưng chưa chắc đã thực sự hiệu quả, điều quan trọng là cần có phương pháp đúng đắn.
Nói về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Hạnh, giáo viên dạy môn sinh học trường THPT Trần Phú cho biết nếu học quá lâu não bộ sẽ rơi vào tình trạng bị trì trệ, dẫn đến hiệu quả công việc kém. “Các em nên hệ thống hóa lại kiến thức, học bằng hình ảnh, sơ đồ tư duy, biểu đồ thì lượng kiến thức hấp thụ được sẽ tăng nhiều hơn so với việc ngồi học thuộc lòng lý thuyết hết trang này đến trang khác”, cô Hạnh khuyên.
Thầy Lại Tiến Minh cho rằng muốn học tốt các em cần hạn chế vào facebook. |
Gắn bó lâu năm với các em học sinh ở nhiều cấp học khác nhau, thầy Minh cho rằng muốn học tốt các em cần đủ nghị lực để chống lại cám dỗ của mạng xã hội, game... khi đang học. Quan trọng hơn là không ngại ngần “thể hiện” cái dốt khi không biết, để các thầy cô hướng dẫn./.