Tỷ lệ lây nhiễm HIV qua tình dục đồng giới đang gia tăng
(VOV) -Qua khảo sát, tỷ lệ nhiễm HIV qua quan hệ tình dục đồng giới có thể chiếm tới 14-15%.
Lo ngại về con đường lây nhiễm HIV
Tại chương trình tọa đàm truyền hình trực tuyến với chủ đề: “HIV/AIDS - Góc nhìn đa chiều” do trang tin điện tử Tiếng Chuông – Trang tin của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và Phòng, chống ma túy, mại dâm tổ chức sáng 7/12 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Việt Nam hiện có 206.815 trường hợp nhiễm HIV còn sống, 53.773 trường hợp đã tử vong. Trong 4 năm gần đây, con số nhiễm mới hàng năm và tử vong đều giảm. Đây là cố gắng lớn của Việt Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long |
Phân tích đặc điểm dịch tễ học về lây nhiễm cho thấy xuất hiện một số thay đổi. Lây nhiễm HIV trước đây tập trung lứa tuổi trẻ từ 19-29, nhưng gần đây có xu hướng già hóa, người nhiễm HIV có độ tuổi lớn hơn (từ 30 – 39). Về con đường lây nhiễm, cách đây 10 năm, chúng ta khẳng định 90% trường hợp nhiễm HIV liên quan đến tiêm chích ma túy, nhưng nay đã có sự thay đổi, đặc biệt ở miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long, tỷ lệ lây nhiễm qua quan hệ tình dục chiếm tới 70%.
Về phân loại theo nhóm, nếu như trước đây trong báo cáo về tình hình lây nhiễm HIV trong nhóm tình dục đồng giới được các tỉnh nhắc đến rất dè dặt, nhưng hiện nay, trên các phương tiện truyền thông, được nhắc đến phổ biến hơn, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng… kể cả những địa phương tưởng như không đáng lo ngại về tình dục đồng giới như Thanh Hóa. Qua khảo sát, tỷ lệ nhiễm HIV qua quan hệ tình dục đồng giới đang tăng, có thể chiếm tới 14-15%.
Theo ông Tony E. Lisle, Giám đốc Quốc gia của UNAIDS Việt Nam, HIV vẫn gây tác động tiêu cực trên toàn cầu. Các chương trình phòng chống HIV vẫn khó tiếp cận các nhóm mại dâm, sử dụng ma túy, quan hệ đồng giới…
“Đến năm 2015 chúng ta hoàn thành các mục tiêu thiên niên kỷ, song hiện vẫn còn nhiều việc phải làm như: số ca nhiễm mới trên thế giới còn cao, với 5 triệu ca nhiễm mới trong năm 2011; còn rất nhiều người dân trên thế giới không hề biết khái niệm HIV; có 18 triệu người cần điều trị những chưa được điều trị... Việt Nam cũng gặp phải những khó khăn như trên trong công tác phòng chống HIV/AIDS” – ông Tony E. Lisle nói.
Một buổi sinh hoạt CLB của nhóm Hoa Hướng Dương (TP Hạ Long-Quảng Ninh) |
Những bước tiến của Việt Nam
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, cách đây 5 năm, việc điều trị bằng Methadone gặp nhiều phản ứng từ người dân. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai (từ 2008), kết quả đạt được rất tích cực. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế tổng kết, nhân rộng. Đến nay đã có 60 điểm với 11.000 người được điều trị, góp phần đem lại sự bình yên trong cuộc sống, giảm tỷ lệ tội phạm trong cộng đồng.
Chương trình dự phòng lây truyền từ mẹ sang con cũng mang lại kết quả tốt. Trước đây, khoảng 4.000 - 5.000 trường hợp lây nhiễm từ mẹ sang con mỗi năm, tỷ lệ ở mức 30 - 40%, nay đã giảm còn 10% và mục tiêu phấn đấu xuống 5% trong thời gian sắp tới.
Tất cả các tỉnh đều có cơ sở xét nghiệm, tư vấn miễn phí về HIV. Chương trình sử dụng các thuốc kháng virus ARV, bắt đầu từ năm 2005 đã được triển khai diện rộng. Con số phòng khám điều trị ARV tăng lên và đã điều trị cho 65.000 trường hợp, nhờ đó số tử vong do AIDS giảm rõ rệt, từ mức 10.000 người xuống còn 1.000 – 2.000 người mỗi năm. Năm 2010, con số tử vong giảm 70% so với năm 2005.
Ông Tony E. Lisle |
Đồng quan điểm này, ông Tony E. Lisle khẳng định: Việt Nam có tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm tiêm chích ma túy, mại dâm giảm đáng kể. Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong khu vực và trên thế giới trong triển khai các biện pháp can thiệp, đặc biệt là việc điều trị cho người nghiện ma túy bằng Methadone.
Mặt khác, Việt Nam có hơn 50% bà mẹ mang thai được xét nghiệm, sàng lọc HIV, hơn 95% bà mẹ mang thai đi khám thai và đây là cơ sở để chúng ta tin tưởng rằng có thể thực hiện được mục tiêu không còn người nhiễm HIV qua đường mẹ sang con. Việt Nam cũng có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng hành lang pháp lý, tạo môi trường thuận lợi cho công tác phòng chống HIV trong tương lai.
Thách thức trước mục tiêu thiên niên kỷ
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, tuy Việt Nam đã nhập cuộc mạnh mẽ, với sự tham gia của chính quyền và cộng đồng, nhưng một số địa phương vẫn chưa thực sự vào cuộc; nhận thức của người dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế.
Thách thức nữa là duy trì tính vững chắc của chương trình, nhất là về nhu cầu điều trị bằng Methadone và ARV... Đặc biệt là tính bền vững của nguồn tài chính. Việt Nam nhận được hỗ trợ rất lớn của quốc tế, có lúc chiếm tới 75% tổng ngân sách dành cho phòng chống HIV/AIDS. Theo ông Nguyễn Thanh Long, vấn đề đảm bảo nguồn tài chính vững bền cho công tác phòng chống HIV/AIDS thì không chỉ Việt Nam mà những nước đang phát triển khác đều phải đối mặt.
“Khi chúng ta trở thành nước thu nhập trung bình thì đương nhiên các nhà tài trợ giảm kinh phí viện trợ; mặt khác, khó khăn kinh tế toàn cầu cũng ảnh hưởng đến nguồn vốn tài trợ, chưa kể từ khi cam kết đến giải ngân thực tế còn có khác nhau” – ông Long nói.
Tổng Thư ký LHQ từng bày tỏ niềm tin chắc chắn rằng, việc thực hiện “ba không” (không còn ca nhiễm mới, không còn các ca tử vong do AIDS, không còn sự phân biệt kỳ thị đối xử) chắc chắn sẽ được hoàn tất vào năm 2015 – theo mục tiêu thiên niên kỷ. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, chúng ta không đặt ra kỳ hạn cụ thể cho “ba không”, mà đưa ra những mục tiêu cụ thể hơn, theo đó, trong tầm nhìn sau năm 2020 sẽ thực hiện theo đúng cam kết với LHQ.
Hơn 20 năm Việt Nam ứng phó với đại dịch HIV/AIDS, tuy đã có những thành công nhất định, nhưng ở bình diện chung và cấp độ toàn cầu, có thể thấy chúng ta chưa có khả năng ngăn chặn được tốc độ lây nhiễm HIV/AIDS.
Theo các chuyên gia, điều Việt Nam cần hiện nay là làm sao tạo được sức mạnh tổng hợp, qua đó tiếp tục đặt ra những mục tiêu, các chương trình, kế hoạch và giải pháp phòng, chống HIV/AIDS tổng thể, dài hạn, nhằm đảm bảo cho công tác này đạt hiệu quả bền vững.
Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho những người nhiễm HIV/AIDS có thể tự tin hòa nhập với cộng đồng và tiếp cận với các dịch vụ xã hội, những dịch y tế, giảm thiểu việc lây truyền từ các loại bệnh lây qua đường tình dục và HIV/AIDS./.