Ứng xử đúng đắn với “cách ly” trong phòng, chống dịch Covid-19
VOV.VN - Chính quyền và cơ quan y tế đã làm mọi nỗ lực có thể, nhưng không gì có thể giúp phòng, tránh dịch Covid-19 tốt bằng ý thức từ mỗi người dân.
Rửa tay và không giấu bệnh
Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, với số ca mắc tại Việt Nam đã tăng lên 76 người. Đã có những khu vực dân cư là nơi cư trú của ca mắc Covid-19 được cách ly, tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định cách ly là biện pháp đảm bảo an toàn và hành động, ý thức của người dân mới là yếu tố quan trọng để đánh bại dịch bệnh.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng tại Việt Nam cho biết, hiện Việt Nam không chỉ đối mặt với các ca bệnh dịch bệnh xâm nhập từ Trung Quốc và Hàn Quốc, mà còn từ châu Âu và Mỹ, thậm chí những người từ những vùng dịch sẽ di chuyển sang nước thứ 3 để tới Việt Nam. Đây là nguy cơ rất khó kiểm soát, bên cạnh đó là nguy cơ lan trong cộng đồng vì việc tìm theo dấu từng người là rất khó khăn.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế). |
“Chính người dân phải có hành động, từ việc khai báo y tế trung thực khi nhập cảnh. Nếu không thì không thể nào xác định được. Thực tế, đã có trường hợp đi qua vùng tâm dịch Italy nhưng không khai báo đã gây hậu quả. Người từ nước ngoài về có những triệu chứng giống viêm phổi cấp như sốt, ho khó thở… là phải đến ngay cơ sở y tế hoặc thông qua khai báo y tế toàn dân để cơ quan y tế nắm được tình hình”, ông Phu nhấn mạnh.
Cơ quan chức năng và Bộ Y tế đã liên tục khuyến cáo người dân không giấu bệnh và thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân đúng cách, đồng thời không nên hoang mang, phải hiểu rõ cơ chế lây để biết cách hơn để phòng, chống dịch bệnh.
Ông Trần Đắc Phu nhắc lại: “Vệ sinh cá nhân đã nói rất nhiều, nhưng vẫn cần phải biết rõ và biết cách hơn. Chúng ta phải hiểu Covid-19 lây gần, có nghĩa là tiếp xúc, nói chuyện trong vòng khoảng 2m mới có nguy cơ lây theo đường bắn trực tiếp. Thứ 2, là giọt bắn rơi xuống bề mặt thì khi đó tay chạm vào sau đó đưa lên mắt, mũi, miệng thì sẽ lây bệnh, do vậy, cần chặn đứng con đường lây này”.
Ứng xử đúng đắn với “cách ly”
Đã có những người bị “hoang mang quá” vì dịch bệnh. Ví dụ, khi phố Núi Trúc cách ly vì có ca dương tính đã có người sợ rằng cứ đi qua con phố này là bị lây. Phản ứng này là thái quá vì phải có tiếp xúc gần, phải có giao tiếp thì mới có nguy cơ.
Theo ông Trần Đắc Phu, dịch bệnh càng diễn biến phức tạp người dân càng phải hiểu rõ và có các ứng xử đúng đắn: “Đã có người hỏi tôi, trong chung cư họ có người bị cách ly thì phải làm thế nào. Thì một là anh không sang nhà người cách ly. Chính người cách ly cũng phải thực hiện nghiêm chỉnh cách ly trong không gian nhà mình. Hai là xem mình có giao tiếp gì chung với người ta không, ví dụ tay nắm cửa, bấm cùng nút thang máy… để có biện pháp ngăn chặn… Đó mới là điều quan trọng”.
GS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) |
Bộ Y tế đã khuyến cáo, dù cách ly ở đâu cũng phải đảm bảo nguyên tắc về cách ly. Bộ cũng đã ban hành quy định người cách ly mới như cách ly tại nơi lưu trú, tại gia đình, tại khách sạn… và việc cách ly được áp dụng triển khai thế nào được giao quyền triển khai cho Chủ tịch UBND các tỉnh, thành.
Người dân lúc này cần đặc biệt lưu ý, sau khi có mặt ở nơi công cộng hay sử dụng phương tiện công cộng cần phải rửa sạch tay bằng xà phòng, khử khuẩn tay trước khi tháo khẩu trang và làm các việc khác trong gia đình. Kể cả tháo khẩu trang cũng phải đúng cách. Khẩu trang vải phải giặt hàng ngày và khẩu trang y tế chỉ dùng một lần. Nếu làm không chuẩn thì tất cả đều vô nghĩa.
Với các bề mặt, cần thường xuyên vệ sinh, sát khuẩn sạch sẽ tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, các thiết bị vệ sinh… nơi chứa rất nhiều vi khuẩn. Việc phun hóa chất khử khuẩn cũng rất tốt, nhưng chỉ nên phun khi các vật dụng có nguy cơ lây lan./.