“Uống rượu lái xe – một người tốt đã trở thành kẻ giết người“
VOV.VN - Ông Khuất Việt Hùng đã đăng tải thông điệp này trên trang cá nhân sau vụ tai nạn ở hầm Kim Liên khiến 2 phụ nữ tử vong, do tài xế uống rượu bia gây ra.
Những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5, tại Hà Nội đã xảy ra liên tiếp 2 vụ tai nạn giao thông gây chết người khiến dư luận bàng hoàng và bức xúc. Cả 2 vụ đều do tài xế sử dụng rượu bia gây ra.
Hiện trường vụ tai nạn ở hầm Kim Liên rạng sáng 1/5. Ảnh: Facebook |
Một trong những nguyên nhân khiến vấn nạn này vẫn tiếp diễn là do chế tài chưa đủ răn đe. Vậy có nên bỏ tù người uống bia rượu dù chưa gây tai nạn, tăng mức phạt, tịch thu bằng lái hay bắt lao động công ích như nhiều nước trên thế giới đã làm?
Khi người dân chưa hết hoảng sợ sau vụ xe Hyundai gây tai nạn liên hoàn, tông chết nữ lao công ở Đường Láng, lại xảy ra vụ xe Mercedes khiến 2 người phụ nữ tử vong ở hầm Kim Liên.
Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, trên trang Facebook cá nhân, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia đăng tải dòng trạng thái: "Uống rượu lái xe - một người tốt đã trở thành kẻ giết người". Dòng trạng thái này thu hút sự chú ý của nhiều người, với nhiều ý kiến trái chiều.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng đăng tải trạng thái trên trang cá nhân. Ảnh chụp màn hình. |
Nhiều người cho rằng, quan điểm này không thực sự đúng, bởi người lái xe ô tô tử tế phải biết giữ an toàn cho mình và cho người khác. Bản thân đã uống rượu bia đến mức say xỉn nhưng vẫn lái xe, không lường trước hậu quả việc làm của mình, bất chấp sự không an toàn của những người tham gia giao thông khác, không bao giờ là người tốt.
Liên quan vụ việc này, tại buổi tọa đàm "Cách nào ngăn chặn tài xế uống rượu bia gây tai nạn giao thông" do Báo Giao thông tổ chức sáng 3/5, ông Khuất Việt Hùng cho biết, ông đã cân nhắc rất kỹ khi viết dòng trạng thái này.
Ông Khuất Việt Hùng tại buổi tọa đàm do Báo Giao thông tổ chức. |
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho hay mình biết rõ về nhân thân người gây tai nạn ở hầm Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội) hôm 1/5.
"Khi tôi viết thông điệp trên, đầu tiên tôi định viết rất dài, phân tích rõ nguyên nhân, biến chuyển tâm lý, lời cảnh báo, đề xuất giải pháp cụ thể liên quan đến vấn nạn uống rượu bia khi lái xe.
Tuy nhiên, tâm trạng khi tôi viết về vụ tai nạn giao thông tại Kim Liên rất mâu thuẫn. Tôi biết thông tin cơ bản về người lái xe gây ra tai nạn, về nhân thân của anh ta. Tôi nói anh ấy là người tốt, trước khi anh ấy uống rượu. Vì lúc bình thường, bình tĩnh, kiểm soát được hành vi, anh ấy là người tốt.
Sau khi anh ấy uống rượu, lái xe gây tai nạn chết người, một người tốt đã thành kẻ giết người. Tôi muốn dùng từ "giết người" trong trường hợp này", ông Khuất Việt Hùng nói.
“Vụ việc gần đây như giọt nước tràn ly. Có phóng viên hỏi tôi vụ tai nạn nào ám ảnh tôi nhất, tôi có trả lời là vụ chị Nga gây tai nạn giao thông ở Hàng Xanh (TP.HCM). Một người tốt sau khi uống rượu gây tai nạn làm chết 2 người và bị thương rất nhiều người. Nhưng ám ảnh tôi đây lại là một phụ nữ. Đại đa số phụ nữ Việt Nam không uống rượu. Lúc đó, tôi cũng rất muốn nói gì đó, nhưng thời điểm đó tôi không thể nói được gì.
Nhưng sau vụ tai nạn xảy ra tại hầm Kim Liên hôm 1/5, thôi thúc tôi phải làm gì đó và tôi viết status trên với tư cách cá nhân, hoàn toàn là một con người về vụ việc đó”.
Ông Khuất Việt Hùng nói, ông đã suy nghĩ rất lâu trước khi viết thông điệp này. Bởi bản thân ông hay các anh chị đi họp lớp, liên hoan đầu năm, cuối năm, sinh nhật… đều từng uống, thậm chí uống nhiều. Nhiều người là bạn mình, người thân của mình uống rồi lái xe.
"Vụ tai nạn xảy ra tại hầm Kim Liên hôm 1/5 đã thôi thúc tôi phải làm gì đó và tôi viết dòng trạng thái trên với tư cách cá nhân, hoàn toàn là một con người về vụ việc đó", Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho hay./.
Tăng nặng mức xử phạt, tước bằng lái xe
Bà Phan Thị Thu Hiền - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhìn nhận, uống rượu bia trở thành văn hóa của người Việt Nam. Tuy nhiên, việc lạm dụng rượu bia không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng mà còn khiến nhiều gia đình tan nát. Tôi nhớ có bài văn của học sinh lớp 5 viết về hình ảnh người bố say rượu đã ám ảnh đứa trẻ tới khi em đã lớn.
Thực tế các chế tài xử lý vi phạm trong luật và Nghị định 46 rất mạnh, phạt tiền rất cao, khiến nhiều người e ngại. Mức vi phạm 0,4mg/lít khí thở bị phạt tiền từ 16-18 triệu đồng. Với mức xử lý đó nhiều người bạn đã rất lo ngại. Tuy nhiên, mức xử phạt đó đã đủ để răn đe hay chưa thì cần nghiên cứu thêm. Hiện có rất nhiều đề xuất xử lý hình sự đối với hành vi uống rượu gây tai nạn nghiêm trọng.
Tại các nước, hành vi vi phạm nồng độ cồn có thể bị xử phạt 20 năm tù. Tại Trung Quốc, ý thức người dân được nâng cao, không có chuyện uống rượu bia lại lái xe. Việc nghiên cứu điều chỉnh quy định pháp luật rõ ràng là cần thiết. Chúng ta cũng nhìn rõ hậu quả của hành vi này, đỉnh điểm vụ tai nạn tại hầm Kim Liên hôm 1/5 vừa qua đã tạo ra luồng sóng phẫn nộ trong cộng đồng. Nhiều bạn của tôi đã treo avatar mang thông điệp “Đã uống rượu bia không lái xe”. Tôi tin rằng tính lan tỏa đã rất cao.
“Sau khi có Chỉ thị 04 Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể về tăng cường xử lý vi phạm liên quan tới rượu bia khi sử dụng phương tiện giao thông. Chúng tôi sẽ có nghiên cứu cụ thể để có thể tăng mức tiền xử phạt, tước giấy phép lái xe và nhiều hình thức phạt bổ sung. Rất mong qua buổi tọa đàm, độc giả sẽ đưa ra ý kiến về mức xử phạt đủ răn đe đối với lái xe vi phạm nồng độ cồn”, bà Phan Thu Hiền khẳng định./.
Điểm tin 24h: Lan tỏa thông điệp ý nghĩa sau vụ tai nạn tại Kim Liên