Ưu tiên cấp đại học, “ghẻ lạnh” trường dạy nghề?
VOV.VN -Những thay đổi trong tuyển sinh đại học năm 2014 khiến cho lượng thí sinh vào các trường trung cấp, dạy nghề càng thêm ít.
Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, các trường trung cấp chuyên nghiệp, trường nghề chính là nơi để đào tạo thành thợ có tay nghề.
Thế nhưng, sự thay đổi trong các quyết sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo gần đây đã đẩy các trường này vào chỗ khó khăn chồng chất khó khăn và có nguy cơ phải ngừng hoạt động. Người học vốn đã không mặn mà với các trường nghề và nhiều người chỉ chọn vào trường nghề khi không còn con đường nào khác.
Thêm vào đó, các trường đại học cũng được phép mở đào tạo hệ trung cấp nên trường trung cấp chuyên nghiệp, trường nghề lại càng phải cạnh tranh gay gắt để thu hút thí sinh.
Không những thế, quy chế sau 3 năm tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp hoặc trường nghề mới được thi liên thông lên đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo khiến lượng thí sinh vào các trường này giảm thấy rõ sau mỗi lần tuyển sinh.
Ông Bùi Quang Trung - Hiệu trưởng trường Trung cấp Tổng hợp TP HCM cho biết: “Năm ngoái, chúng tôi tuyển 1.000 thí sinh, giờ qua học kỳ 2 còn 600 vì các em chuẩn bị đi ôn thi. Năm nay quá dễ dàng, các em chỉ cần mang học bạ là học đại học, khỏi phải chờ liên thông”.
Liên tục trong hai kỳ tuyển sinh năm 2012 và 2013, số lượng thí sinh mà vào các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề sụt giảm mạnh. Riêng tại TP HCM, năm 2012, học sinh hệ trung cấp chuyên nghiệp giảm hơn 6.000 em so với năm trước đó. Điều này khiến các trường trung cấp và trường nghề đứng ngồi không yên.
Bây giờ, với quy chế tuyển sinh mới của năm 2014, cho phép trường đại học xét tuyển thông qua học bạ, cho phép được tuyển sinh riêng…có thể xem là “đòn chí mạng” giáng vào sự tồn tại vốn đã lay lắt của các trường trung cấp chuyên nghiệp và trường nghề.
Thêm vào đó, Bộ Giáo dục Đào tạo đã quy định bỏ điểm sàn mà vẫn cho phép các trường tự xác định chỉ tiêu theo Thông tư 57 là không hợp lý.
Ông Đặng Văn Sáng, hiệu trưởng trường Trung cấp Ánh sáng phân tích: “Thông tư 57 phải bổ sung thêm việc khống chế chỉ tiêu tăng hàng năm, tăng phải theo cơ cấu nguồn nhân lực chung, theo tỷ lệ tăng dân số. Tăng không kiểm soát thế này thì lợi thế dồn hết về các trường có bề dày kinh nghiệm”.
Khi học sinh quay lưng với trường nghề thì cũng đồng nghĩa với nguy cơ trường phải đóng cửa vì các trường ngoài công lập hoạt động dựa vào học phí của người học.
Hiện tại, đã có 3 trường trung cấp tư thục tại thành phố Đà Nẵng tuyên bố đóng cửa hoặc dừng tuyển sinh. Một số trường trung cấp tại TP HCM đã sang tên đổi chủ vì môi trường đầu tư ở lĩnh vực này đã mất đi sức hấp dẫn, đó là các trường trung cấp Phương Đông, Gia Định, Hồng Hà, Tây Bắc…
Ông Lương Quang Ngọc, thành viên Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng trường trung cấp Bến Thành, nói: “Thời gian vừa qua, Bộ Giáo dục Đào tạo ưu ái quá nhiều cho hệ đại học. Cứ đến mùa tuyển sinh, các trường trung cấp lại “thót tim”. Tỷ lệ tuyển sinh mỗi ngày mỗi xuống. So với lĩnh vực doanh nghiệp tôi làm trước kia thì giáo dục là bất ổn nhất vì không có chiến lược dài hạn. Để đào tạo được nhiều thợ, thì chính sách của Bộ phải thay đổi”.
Tuy chưa thể đóng cửa ngay lập tức, nhưng các trường cũng dự liệu, chỉ cần kéo dài tình trạng sụt giảm thí sinh trong vài năm tới thì việc đóng cửa là điều chắc chắn. Trước viễn cảnh không mấy tươi đẹp này, Chủ tịch Khối liên kết các trường chuyên nghiệp tại TP HCM, ông Đỗ Hữu Khoa nêu quan điểm: “Bộ Giáo dục Đào tạo cần phải xác định rõ sứ mạng của đại học, của bậc đào tạo nghề là gì. Đại học phải xét tuyển học sinh học lực giỏi trở lên, cao đẳng xét học sinh khá và trung cấp xét học sinh trung bình trở lên. Không thể bằng mọi giá vét cho hết học sinh vào đại học vì đại học không phải đào tạo ra để làm công nhân”.
Tại TP HCM, các trường ngoài công lập chiếm tỷ trọng rất lớn trong hệ thống đào tạo chung. Trong 36 trường trung cấp chuyên nghiệp thì có đến 28 trường ngoài công lập. Trong số, 29 trường trung cấp nghề thì có 11 trường ngoài công lập.
Việc đóng cửa các trường ngoài công lập chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến việc đào tạo nguồn nhân lực.
Trong khi đó, đến trước năm 2017, các hệ trung cấp trong các trường đại học, cao đẳng sẽ chấm dứt đào tạo theo Thông tư 20 ban hành năm 2012 của Bộ Giáo dục Đào tạo. Như vậy, với phương án tuyển sinh như hiện nay thì vài năm tới tình trạng "thừa thầy thiếu thợ" sẽ càng nặng thêm, cơ cấu nguồn nhân lực càng mất cân đối trầm trọng./.