Ưu tiên cho chương trình điều trị HIV 2.0

Phương pháp điều trị 2.0 với phác đồ thuốc tối ưu hơn, các công cụ chẩn đoán rẻ và đơn giản hơn với chi phí thấp đã được triển khai thí điểm tại Cần Thơ và Điện Biên

Đây là khẳng định của ông Eamonn Murphy, Giám đốc quốc gia Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS Việt Nam tại hội nghị sơ kết giữa năm về hợp tác Việt Nam – LHQ trong phòng chống HIV/AIDS diễn ra sáng 14/9, tại Hà Nội.

Tại Việt Nam, hầu hết những bệnh nhân HIV đều bắt đầu điều trị rất muộn khi hệ thống miễn dịch đã bị suy yếu và các nhiễm trùng cơ hội như bệnh lao đã thâm nhập. Trong những trường hợp này, việc điều trị rất ít hiệu quả, dẫn đến việc gia tăng các ca tử vong. Nếu được dùng sớm, thuốc kháng virus ARV có thể ngăn chặn sự phát triển của HIV trong người nhiễm và làm giảm nguy cơ lây nhiễm sang người khác.

Phương pháp điều trị 2.0 với phác đồ thuốc tối ưu hơn, các công cụ chẩn đoán rẻ và đơn giản hơn với chi phí thấp đã được triển khai thí điểm tại Cần Thơ và Điện Biên từ đầu năm nay và sẽ được triển khai trong thời gian tới. Ông Eamonn Murphy, Giám đốc quốc gia Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS Việt Nam cho biết: “LHQ đang hỗ trợ Việt Nam thí điểm điều trị HIV 2.0. Đây là một sáng kiến về điều trị, để với cùng một nguồn lực có thể cung cấp điều trị kháng virus cho nhiều người hơn nữa và đó là bước đột phá của bước điều trị 2.0 và cũng là ưu tiên của Chương trình phối hợp của LHQ về HIV/AIDS trong 6 tháng tới”.

Trong năm nay, Chương trình phối hợp của LHQ với Chính phủ trong phòng chống HIV/AIDS tập trung vào việc xây dựng Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2011-2020. Từ đầu năm đến nay, nhiều cuộc hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 10 năm tới đã được tổ chức.

Tại hội nghị sáng 14/9, nhiều ý kiến cho rằng, trong giai đoạn 2011-2020, các nguồn lực quốc tế dành cho phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam sẽ giảm dần. Chính vì vậy, Việt Nam cần xây dựng chính sách phù hợp với xu hướng này, đồng thời có cơ chế để phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức dân sự và tư nhân trong phòng chống HIV/AIDS./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên