Vaccine Covid-19 cấp thiết cho người lao động ngành dệt may
VOV.VN - Thiếu vaccine và không miễn dịch được cộng đồng, các DN dệt may đứng trước tình cảnh thiếu công nhân, chậm tiến độ giao hàng và ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất cả năm 2021.
Hiện nay, quy định vừa giãn cách vừa đảm bảo sản xuất khiến nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may gặp khó khăn và hoạt động kém hiệu quả. Việc tiêm vaccine phòng Covid-19 đang là giải pháp tối ưu để DN dệt may vốn sử dụng nhiều lao động có thể sản xuất an toàn, hiệu quả và hoàn thành mục tiêu đề ra năm 2021.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm trung tuần tháng 6/2021, việc tiếp cận nguồn vaccine tại Việt Nam còn nhiều hạn chế. Thậm chí có DN sẵn sàng chi tiền lo đủ vaccine cho người lao động nhưng chưa thể có ngay được nguồn hàng để mua.
Thiếu công nhân, nhà máy phải đóng cửa
Ông Lương Văn Thư, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP May Đáp Cầu cho biết, thời gian gần đây toàn thể cán bộ công nhân viên trong công ty luôn trong tâm trạng thấp thỏm, “đứng ngồi không yên”. Khi làn sóng dịch Covid-19 thứ tư bùng phát tại Bắc Ninh, Bắc Giang - nơi có nhà máy của May Đáp Cầu trú đóng, công ty lập tức tăng cường một loạt các nội dung kiểm soát.
Tuy nhiên, ngày 15/5, DN này ghi nhận một công nhân có vợ là F0. Cả tổ sản xuất có công nhân là F1 được cho nghỉ làm việc, đi xét nghiệm và cách ly. Đến 3 ngày sau, trường hợp F1 đó chuyển thành dương tính, như vậy cả tổ sản xuất đã trở thành F1. Tuy nhiên, nhờ làm tốt công tác phòng dịch, sau 3 tuần ở các nhà máy May Đáp Cầu không phát sinh thêm F0.
Theo ông Thư, điều khiến lãnh đạo DN “đau đầu” chính là thực hiện chỉ đạo của tỉnh Bắc Ninh, các DN phải thực hiện cách ly, cho công nhân ăn nghỉ tại chỗ làm việc để phòng Covid-19 lây lan. Tuy nhiên, người lao động của công ty đã không chấp nhận và nghỉ làm dù DN nỗ lực vận động.
Trong trường hợp người lao động đi làm nhưng thực hiện giãn cách, chỉ được chưa tới 50% số máy hoạt động, chỗ ăn ngủ cho người lao động cũng không đủ… Nhiều khó khăn bủa vây đã khiến DN phải dừng sản xuất từ ngày 18/5 đối với nhà máy ở Thị Cầu, Đáp Cầu và từ ngày 2/6 đối với nhà máy ở Yên Phong (Bắc Ninh).
“DN đang phải đàm phán với khách hàng để giãn thời gian giao hàng, nhưng dù khách hàng có thông cảm, nhưng thời gian giãn hàng cũng không được lâu. Hàng quần áo có thời vụ và là loại hàng nhanh, không thể hàng may từ mùa này chuyển sang mùa khác nên DN đành chuyển đơn hàng đi nơi sản xuất khác nhưng tình hình cũng ngoài tầm kiểm soát”, ông Thư chia sẻ.
Theo thông tin từ Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), trong 3 đợt dịch đầu tiên các DN trong Tập đoàn hoàn toàn không có người bị mắc Covid-19. Tuy nhiên, trong đợt dịch thứ tư đã có DN ở Bắc Ninh và Đà Nẵng xuất hiện người lao động là đối tượng F0, dẫn tới việc DN tại nơi đó buộc phải ngừng sản xuất gây ra thiệt hại không nhỏ.
Doanh nghiệp ngành dệt, may sẵn sàng chi mua 300.000 liều vaccine
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Vinatex cho biết, năm 2021 các DN trong ngành đã có các hợp đồng kinh tế và thời gian giao hàng cụ thể. Do vậy, việc dừng sản xuất, giao hàng chậm dù là do yếu tố khách quan vẫn là nội dung cần thương lượng kỹ với người mua để giảm thiểu thiệt hại cho cả hai phía.
Chính vì vậy theo ông Trường, việc tiêm vaccine phòng Covid-19 được đánh giá là giải pháp tối ưu trong tình cảnh hiện nay. Nếu thiếu vaccine và không miễn dịch được cộng đồng, các DN dệt may rất căng thẳng và phải tổ chức sản xuất theo phương pháp giãn cách, không hoạt động đủ công suất thiết kế, sử dụng lao động ít hơn.
“Đơn cử, một nhà xưởng may trung bình thiết kế cho 1.200 người lao động làm việc, nhưng khi phải giãn cách thì chỉ có thể đảm bảo cho 700-800 người lao động làm việc. Tổ chức sản xuất như thế sẽ không có hiệu quả, không là giải pháp lâu dài cho DN và các DN chỉ có thể chịu đựng được trong vòng 1-2 năm chứ không thể kéo dài hơn nữa”, ông Trường phân tích.
Hiện nay, với 150.000 người lao động, dự kiến Vinatex phải có 300.000 liều vaccine. Nếu tính cả người nhà của người lao động Vinatex, dự kiến cần trên 1 triệu liều vaccine với tổng chi phí vào khoảng 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, Vinatex không huy động mà coi đây là việc cần làm của từng DN trực thuộc, mỗi DN cần tự lo nguồn kinh phí tiêm vaccine cho người lao động. Trong trường hợp DN nào thực sự khó khăn, Tập đoàn sẽ hỗ trợ khoản chi này.
Chủ tịch Vinatex cũng cho biết, hiện nay Vinatex mới tiếp cận được vaccine theo Nghị quyết 21/NQ-CP2021. Nguồn vaccine này phân bổ cho các Ban chỉ đạo phòng chống dịch ở các đơn vị trong vùng dịch. Tuy nhiên, khi thực thi Nghị quyết này tại TP.HCM chưa trở thành vùng dịch, nên riêng các đơn vị của Vinatex ở TP.HCM lại chưa được tiêm. Vì vậy, Vinatex mong sớm điều chỉnh để những nơi dịch vừa phát sinh, các Ban chỉ đạo ở tuyến đầu các doanh nghiệp được tiếp cận vaccine ngay.
Ngoài ra, ông Lê Tiến Trường cũng cho rằng, hiện nay mới chỉ những người trong Ban chỉ đạo tuyến trên được tiêm vaccine, cho nên mong muốn là tiếp tục triển khai rộng thêm để sớm tiêm vaccine cho các Ban chỉ đạo ở các vùng xa hơn, tới các DN, công ty con và các nhà máy trực thuộc.
“Sau khi triển khai tiêm vaccine cho lực lượng tuyến đầu, cần triển khai tới lực lượng người lao động tại các trung tâm sản xuất lớn, các khu công nghiệp vì nơi đây có nguy cơ cao hơn so với các DN lẻ nằm riêng biệt. Tiếp đó cần triển khai tiêm cho các DN có từ 2.000 người lao động trở lên rồi mới đến các DN có số lượng người lao động chỉ vài trăm người như các DN sợi, dệt”, ông Lê Tiến Trường kiến nghị./.