Vaccine COVID-19 của Việt Nam đang được nghiên cứu có đảm bảo tính an toàn?
VOV.VN - Theo chuyên gia, không thể khẳng định một loại thuốc hay vaccine an toàn tuyệt đối. Để đánh giá một loại vaccine, phải theo dõi an toàn cả ngắn hạn và dài hạn.
ThS. Hoàng Hoa Sơn, Phó Trưởng phòng Quản lý Khoa học Công nghệ, Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế - đơn vị phụ trách nghiên cứu vaccine COVID-19 cho biết chủ trương của Việt Nam rất đúng đắn khi xác định phải sản xuất vaccine COVID-19 ngay từ đầu. Tuy nhiên, để có vaccine sử dụng cho người dân không phải chuyện "một sớm một chiều".
Hiện nay có 2 vaccine COVID-19 đang tiến hành thử nghiệm trên người là vaccine Covivac của IVAC và vaccine Nano Covax của Nanogen.
Với vaccine Covivac, đến nay đã hoàn thành thử nghiệm cho 120 người trong giai đoạn 1, đồng thời lấy 720 mẫu máu gửi sang Canada để đánh giá tính sinh miễn dịch. Dự kiến, cuối tháng 6, sẽ có kết quả ban đầu để đánh giá sơ bộ giai đoạn 1, đủ điều kiện chuyển sang giai đoạn 2.
Với vaccine Nano Covax của Nanogen, ngày 11/6 vừa qua, tại Hà Nội, Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) triển khai tiêm thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 Nano Covax giai đoạn 3 cho hơn 240 tình nguyện viên đầu tiên.
Trung tá, PGS.TS Chử Văn Mến, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng và tương đương sinh học, Học viện Quân Y cho biết, giai đoạn 3 tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax cho 13.000 người và chỉ thực hiện tiêm nhóm liều duy nhất 25 mcg và nhóm tiêm giả dược đối chứng. Cụ thể, theo đề cương được Bộ Y tế phê duyệt, 1.000 người tiêm thử nghiệm đầu tiên của giai đoạn đầu giai đoạn 3, các tình nguyện viên được tiêm với tỷ lệ "6 người tiêm vaccine, 1 người tiêm giả dược", 12.000 người còn lại tiêm theo tỷ lệ "2 người tiêm vaccine, 1 người tiêm giả dược".
Dự kiến, giai đoạn đầu của giai đoạn 3 do Học viện Quân y và Viện Pasteur TP.HCM cùng triển khai tiêm thử nghiệm với 1.000 tình nguyện viên, mỗi đơn vị thực hiện với 500 người.
ThS. Hoàng Hoa Sơn, Phó Trưởng phòng Quản lý Khoa học Công nghệ, Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cho biết, giai đoạn 3 tương tự giai đoạn 2 phải thực hiện 1 năm, sau đó, theo dõi 1 năm. “Kết quả vừa qua chỉ là đánh giá giữa kỳ. Còn giai đoạn 2 cũng phải kéo dài đến tháng 2/2022. Giai đoạn 3 tối thiểu cũng phải 1 năm, cộng thêm thời gian thu tuyển đối tượng tình nguyện”- ThS Hoàng Hoa Sơn cho biết.
Theo TS Sơn, hiện tại, chưa thể khẳng định vào tháng nào sẽ có vaccine cho người dân vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. “Trong trường hợp dịch COVID-19, nhu cầu cấp bách, khẩn cấp và thực sự cần thiết, lúc đó mới xem xét kết quả giữa kỳ. Nếu nguồn cung vaccine, tình hình dịch không cấp bách thì phải cân nhắc”- ông Sơn cho hay.
Không thể khẳng định một loại thuốc hay vaccine an toàn tuyệt đối được. Để đánh giá một loại vaccine, phải theo dõi an toàn cả ngắn hạn và dài hạn. Trong đánh giá hiệu quả vaccine, có 2 chỉ số chính: Giảm tỷ lệ mắc và tử vong.
“Trong một triệu người không được tiêm vaccine, mấy trăm nghìn người có thể mắc bệnh. Trong số mắc bệnh, sẽ có một tỷ lệ nhất định tử vong. Nhưng khi tiêm vaccine, có thể chỉ còn mấy chục nghìn người mắc, trong đó, tỷ lệ tử vong cũng giảm đi. Ngoài ra, có thể sau khi tiêm vaccine, người dân vẫn mắc nhưng mức độ nặng giảm đi. Nghĩa là mắc nhưng không phải điều trị hoặc điều trị đơn giản”- ông Sơn nêu ví dụ.
Hiện nay, để tạo được miễn dịch cộng đồng, 70-80% người dân phải có kháng thể. Để có kháng thể, chỉ có 2 cách: Nhiễm tự nhiên hoặc tiêm vaccine.
Tuy nhiên, theo ThS. Sơn, ở cách thứ nhất, để nhiễm tự nhiên nguy cơ sẽ dẫn đến tình trạng quá tải tại các cơ sở điều trị. Bởi thực tế, nhiều nước trên thế giới đã phải trả giá cho lựa chọn này.
Việt Nam đã lựa chọn cách thứ 2 – tiêm vaccine. Ngay khi dịch xâm nhập, từ đầu năm 2020, Bộ Y tế đã xác định chỉ có vaccine mới đưa cuộc sống trở về bình thường. Chúng tôi đã có những công văn đề nghị các nhà sản xuất xem xét năng lực, khả năng phát triển vaccine trong nước. Thông thường các nhà sản xuất còn phải đủ quy trình, thủ tục rồi mới đến bước cơ quan quản lý. Trong tình huống này, chúng tôi đã chủ động làm ngược lại, “mở đường” để nhanh chóng sản xuất vaccine Covid-19”- ông Sơn cho biết.
Hiện, dịch bệnh cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát. Dự kiến, từ nay đến hết tháng 9, Việt Nam sẽ tiếp tục có khoảng 6 triệu liều vaccine COVID-19, trong đó có 3 triệu liều Astra Zeneca do Bộ Y tế đặt mua thông qua công ty VNVC và qua nguồn COVAX. Ngoài ra, thông tin từ hãng dược Pfizer cho biết, có thể chuyển về Việt Nam 3 triệu liều vaccine. Toàn bộ số vaccine này được phân bổ cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 và những địa phương có khu công nghiệp.
Theo các chuyên gia, người dân không nên quá lo lắng về việc chúng ta mới có từng này vaccine. Trong thời điểm này, mọi người nên tuân thủ các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế và chủ động nâng cao sức khỏe cho chính mình và gia đình./.
Trước đó, GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viên Quân y bày tỏ sự tin tưởng vào độ an toàn của vaccine Nano Covax với những kết quả đã đạt được qua 2 giai đoạn thử nghiệm trước. Cụ thể, nồng độ kháng thể virus SARS-CoV-2 sau khi tiêm thử nghiệm giai đoạn 2 cho thấy, hiệu giá kháng thể tăng rất cao, từ hàng chục cho đến hàng trăm lần. Sau mũi tiêm thứ 2, các tình nguyện viên được khám sức khỏe (xét nghiệm máu, đo huyết áp…) 1 lần/tuần để đánh giá lượng kháng thể xuất hiện trong cơ thể; sau đó tiếp tục được theo dõi trong vòng 6 tháng để lấy thông tin, đánh giá sức khỏe cũng như khả năng sinh miễn dịch. Đến nay 100% tình nguyện viên tiêm vaccine Nano Covax đều sinh kháng thể trong máu./.