Vấn đề chế độ thai sản cho phụ nữ nông thôn

(VOV) -Nhóm phụ nữ ở nông thôn, phụ nữ làm việc ở khu vực phi chính thức hiện chưa được nhận được sự ưu tiên từ chính sách thai sản.

Ngày 16/4, tại Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPN VN) đã diễn ra Hội nghị tổng kết Dự án Nuôi dưỡng và Phát triển. Tham dự hội nghị có bà Trần Thị Hương- Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, bà Nemat Hajeebhoy- Giám đốc điều phối dự án A&T tại Việt Nam cùng các đại diện của Viện dinh dưỡng, Viện giới và gia đình, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tổng cục Dân số KHHGĐ.

Dự án Nuôi dưỡng và phát triển là dự án phối hợp giữa Hội LHPN Việt Nam và Alive & Thrive (thuộc Viện Phát triển Giáo dục Hoa Kỳ tại Việt Nam từ 10/2010, nay là Tổ chức Gia đình và sức khỏe Quốc tế) về truyền thông và vận động chính sách nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Chính sách thai sản cho phụ nữ nông thôn là vấn đề được Hội nghị đặc biệt quan tâm

Tại Hội nghị, một trong những vấn đề các nhà chính sách đưa ra và được thảo luận sôi nổi đó là chính sách hỗ trợ thai sản cho phụ nữ nông thôn.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng Ban GĐXH- Trung ương Hội LHPN Việt Nam chia sẻ: “Nhóm phụ nữ ở nông thôn, phụ nữ làm việc ở khu vực phi chính thức hiện chưa được nhận được sự ưu tiên từ chính sách thai sản. Họ chưa được nghỉ sinh và cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu như khuyến cáo nên cần xem xét có quy định hỗ trợ nhóm này”.

Bà Mai cũng chia sẻ một số ý tưởng để xây dựng chính sách cho phụ nữ nông thôn như: xây dựng những quy định mang tính hỗ trợ kinh tế một cách trực tiếp với phụ nữ nông thôn, thành lập quỹ hỗ trợ thai sản ở nông thôn...

Về chính sách thai sản cho phụ nữ nông thôn, bà Cao Hồng Vân, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển cho biết: “Chúng tôi đã nghĩ đến việc xây dựng chính sách này từ lâu, tuy nhiên việc nghiên cứu, hoàn thiện chính sách này gặp rất nhiều khó khăn. Bởi số lượng phụ nữ nông thôn, buôn bán nhỏ rất lớn (chiếm 72% phụ nữ cả nước), việc chi ngân sách hỗ trợ kinh tế cho nhóm này rất khó thực hiện. Hơn nữa, việc chị em ở nông thôn thực hiện quy định nghỉ tuyệt đối trong một khoảng thời gian nào đó cũng khó quản lý…”.

"Việc giải quyết những vấn đề xung quanh việc đưa ra chính sách thai sản cho phụ nữ nông thôn, đưa ra một phương thức phù hợp cần phải có thời gian và cần sự chung tay của các đoàn thể, các tổ chức trong xã hội", bà Vân nói./.


Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên