Về nơi đong đầy hạnh phúc
(VOV) -Hạnh phúc, niềm vui đang nảy mầm và sinh sôi trên làng dân cư biên giới Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp.
Mùa nước nổi năm 2008, cùng các cán bộ Đoàn kinh tế Quốc phòng 959 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Tháp lênh đênh lên miệt thượng nguồn biên giới Campuchia, khi xuồng qua địa phận ấp Gò Bối, xã Tân Hậu Cơ, huyện Tân Hồng, chúng tôi nghe những tiếng khóc thảm thiết.
Đến nơi mới rõ sự tình: Vợ chồng anh Nguyễn Văn Hậu, trong lúc đi làm đồng xa, để đứa con duy nhất 5 tuổi trong ngôi nhà sàn cặp bờ sông, chẳng may cháu trượt chân rơi xuống nước. Đến trưa, đi làm về, hai vợ chồng mới hay núm ruột đã lìa đời... Hình ảnh vợ anh Hậu vật vã bên xác con đeo bám tâm trí tôi mỗi khi miền Tây vào mùa nước nổi tràn đồng...
Trái đất tròn - là câu nói cửa miệng. Trong chuyến công tác trở lại vùng biên Tân Hồng, tôi lại nhớ tới câu nói này khi tôi được gặp lại vợ chồng anh Nguyễn Văn Hậu tại khu dân cư Cây Dương.
Tác giả (ngồi giữa) trong căn nhà mới của bà con vùng biên xã Tân Hậu Cơ, Tân Hồng, Đồng Tháp. (Ảnh: PV) |
Thượng tá Lê Văn Diễn, Chủ nhiệm Chính trị Đoàn Kinh tế Quốc phòng 959 - người đã cùng tôi chứng kiến câu chuyện đau lòng của gia đình anh Hậu năm đó, tiết lộ: “Anh muốn tạo sự bất ngờ với em trong chuyến công tác này. Cũng là để em hiểu vì sao anh và đồng đội của mình chưa về lại đất Tây Đô...”. Vợ chồng anh Hậu lần hồi nhớ lại kỷ niệm đau buồn hơn 5 năm trước. Tôi không khỏi tò mò: Vì sao anh Hậu được chuyển nhà lên vùng cao?
Anh Hậu rưng rưng nước mắt: “Sau khi con chết, vợ chồng tôi buồn quá, đốt nhà, rời lên bờ, bà con thương tình cho mượn mảnh đất nhỏ sau vườn cất chòi che nắng, tránh mưa. Năm ngoái, sau khi Đoàn 959 san lấp mặt bằng, cánh đồng trũng này thành khu dân cư cao ráo (anh Hậu vừa nói, vừa lấy tay chỉ xuống nền nhà), tôi và hàng chục gia đình nghèo, ở đồng sâu, ven kinh rạch được chính quyền cấp đất và Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay trả chậm 20 triệu đồng để cất nhà”. Nhìn ngôi nhà rộng chừng 90m2, mái lợp tôn, nền lát gạch, tôi có cảm nhận Xuân Quý Tỵ này, gia đình anh Hậu thật sự có sắc Xuân.
Biết nhà anh Hậu có khách là bộ đội, bà con trong xóm lục tục kéo đến ngày một đông. Hỏi ra, mới rõ, bà con xóm dân cư Cây Dương trước đây chưa hề quen biết nhau, vì mỗi người ở một nơi, nhưng từ ngày về khu dân cư kinh tế quốc phòng, bà con đã kết thành họ tộc, lối xóm, cùng nhau chia sẻ ngọt bùi...
Trong những câu chuyện dọn về nhà mới, tôi được nghe, mỗi người một cảnh, nhưng đều cùng khốn khó, để rồi giờ đây, ai cũng đong đầy hạnh phúc. Ông Phạm Văn Trọn, 82 tuổi, kể: “Vợ chồng tôi không có đất cất nhà, đành làm lều ở cặp bờ kinh Tân Bảnh, mùa nước nổi tràn đồng, đêm đêm, vợ chồng già không dám ngủ, sợ nước cuốn trôi cái chòi. Chính quyền và bộ đội xét thấy gia cảnh tôi như vậy, nên cấp cho nền nhà. Ngoài 20 triệu đồng Nhà nước cho vay, vợ chồng tôi chăn nuôi, dành dụm được 10 triệu đồng, nhà làm xong rồi”.
Ngước lên nhìn ngôi nhà của anh Hậu, ông Trọn nói tiếp: “Cũng như vầy, nhà mái lợp tôn, vách đóng tôn… còn có nhà bà Trần Thị Ngộ, 65 tuổi, trước đây ở đồng sâu thuộc ấp Tân Công Sinh, xã Tam Phước, huyện Tam Nông. Chồng bà bạo bệnh qua đời, một mình bươn chải nuôi 4 đứa con. Quanh năm tất tả chạy ăn, nên ở miết trong căn chòi giữa đồng sâu. Có năm nước tràn đồng dữ quá, mẹ con bà Ngộ đành bỏ chòi, chạy lên mặt đường lánh nước. Nay nhà mới cũng ngon rồi”. Nghe ông Trọn kể chuyện nhà mình, bà Ngộ xúc động kéo đuôi khăn rằn đội đầu lau nước mắt.
Lệ rơi, nhưng gương mặt bà Ngộ rất tươi: “Cô thấy đó, tay chân tôi trước đây dầm trong nước suốt ngày nên lở loét. Còn bây giờ chuyển lên đây, tuy việc làm chưa ổn định, nhưng nỗi lo thấp thỏm vì nhà sập không còn, và nỗi khổ vì dầm mình trong nước cũng thiệt sự qua rồi”.
Khu dân cư Cây Dương là một trong hai khu dân cư thuộc dự án Chương trình di dân biên giới do Bộ Quốc phòng giao cho Đoàn kinh tế quốc phòng 959 Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Tháp đảm nhiệm. Sau 3 năm thi công, Đoàn 959 đã biến hơn 155ha đất trũng, ngập nước và hoang vu thành diện tích bằng phẳng, cao ráo đủ sức giải quyết cho khoảng 650 hộ dân làm nhà ở.
Sau khi hoàn thành mặt bằng và các công trình phụ trợ như đường giao thông, hệ thống điện, nước… chính quyền điạ phương đã xét cho những hộ nghèo không có đất xây dựng nhà ở được nhận mặt bằng, với diện tích 144m2. Số hộ này được Nhà nước cho vay trả chậm 20 triệu đồng để cất nhà. Tết Quý Tỵ 2013, là mùa Xuân đầu tiên tại hai cụm dân cư Cây Dương (xã Tân Hậu Cơ) và Cà Vàng (xã Thông Bình) với khoảng 100 hộ được sống trong những căn nhà khang trang, đầm ấm.
Tạm biệt vùng biên Tân Hồng, trở lại Tây Đô tôi mang theo những câu chuyện vui và cả những giọt lệ nóng ấm của bà con ở xóm dân cư Cây Dương. Tôi tin rằng, nhọc nhằn, cơ cực sẽ đi qua, hạnh phúc, niềm vui đang nảy mầm và sinh sôi trên làng dân cư biên giới. Bởi nơi đó, có bao tấm lòng vì vùng biên, vì bà con, gác lại niềm riêng… Nghĩ đến đây, tôi thấy mình có lỗi khi trách cứ người ấy: “Sao anh ở miết trển vậy?”. Rồi tôi tự an ủi: Khi bài báo này đến tay, chắc anh sẽ hiểu lòng tôi!./.