Về việc trao tặng cho Hà Nội danh hiệu Đô thị sạch 2009

Ngay khi thông tin này được công bố đã tạo nhiều luồng dư luận khác nhau.

Nhân Ngày Đô thị Việt Nam 2009, vào đầu tháng 11 vừa qua, Hiệp hội Đô thị Việt Nam đã  bình chọn và trao tặng danh hiệu Đô thị sạch năm 2009 cho 10 thành phố, trong đó có Hà Nội. Có thể nói, trong nhiều năm qua, thành phố Hà Nội đã đầu tư nhiều tỷ đồng để chỉnh trang xây dựng Hà Nội xanh - sạch- đẹp và đã đạt một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, Hà Nội hiện chưa đạt được tiêu chí xanh, sạch đẹp như mong muốn.

Tình trạng mất vệ sinh, xả rác ra đường phố, rác quảng cáo trên tường đang gây nhức nhối từ người dân đến các cấp lãnh đạo của thành phố. Từ tình trạng bụi, ô nhiễm khiến nhiều người dân sống ở thu đô khi ra đường phải sử dụng kính bảo vệ mắt và các loại khẩu trang che mặt, mũi..

Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, trung bình mỗi ngày, Hà Nội thải ra khoảng 2.700 tấn rác, trong khi nhiều điểm chôn lấp rác thải đã quá tải, gây ô nhiêm môi trường.

Mỗi năm, Hà Nội có khoảng 30.000 tấn chất thải công nghiệp nguy hại, trong khi chỉ có một lò đốt rác công nghiệp công suất 5 tấn/ngày nên hàng chục nghìn tấn rác nguy hại chưa được xử lý đúng cách chắc chắn sẽ gây nguy hại cho cộng đồng dân cư. Mặt khác, nồng độ các chất khí gây ô nhiễm ở khu vực nội thành tăng và nhiều khu vực đã vượt tiêu chuẩn cho phép.

Hầu hết các cơ sở nghề truyền thống đều không có các biện pháp xử lý khí thải. Tổng số lượng nước thải từ các khu công nghiệp trung bình từ 100.000 đến 120.000m3/ngày đêm nhưng chỉ có khoảng 20 đến 30% nước nước thải này được xử lý. Còn theo báo cáo xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường năm 2008 của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trong số 112 cơ sở được kiểm tra có tới 90 cơ sở bị xử phạt trong lĩnh vực bảo vệ môi trường...

Vậy vì sao danh hiệu Đô thị sạch năm 2009 lại được Hiệp hội Đô thị Việt Nam xét, bình chọn và trao cho Hà Nội?

Tìm hiểu về khâu tổ chức bình chọn và trao giải của Hiệp hội Đô thị Việt Nam thấy: Hiện nay, Hiệp hội có 90 đô thị thành viên được chia làm 8 cụm. Việc bình chọn được xét từ các cụm rồi đưa lên Hiệp hội để xét tặng danh hiệu và đơn vị xuất sắc nhất.

Hà Nội được xét bình trọn trong cụm đô thị đồng bằng sông Hồng gồm 13 thành phố và thị xã. Mặt khác, Hiệp hội Đô thị Việt Nam đưa ra 12 tiêu chí để xét bình chọn, trong đó có các tiêu chí về các đường phố được quét dọn sạch sẽ, toàn dân không vứt rác ra đường, tỷ lệ thu gom vận chuyển và xử lý rác trong ngày đạt 80%, các doanh nghiệp có xử lý nước thải và số cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ở nội thành từ 20 đến 50%... So sánh 12 tiêu chí này thấy nhiều tiêu chí cơ bản Hà Nội chưa đạt.

Cách xét duyệt và lựa chọn Đô thị sạch năm 2009 của Hiệp hội còn nặng về cảm tính, chưa phải là việc bình chọn mang tính khoa học nên dẫn đến quyết định trao danh hiệu chưa chính xác, đã gây phản ứng trong dư luận nhân dân.

Ông Nguyễn Lân, Chủ tịch Hiệp hội Đô thị Việt Nam cho biết, việc bình chọn và trao tặng danh hiệu Đô thị sạch năm 2009 cho 10 thành phố, trong đó có Hà Nội chủ yếu dựa vào tiêu chí những thành phố này đã tổ chức phát động phong trào thi đua xây dựng đô thị sạch. Đúng là, Hà Nội đã phát động nhiều phong trào như phong trào thực hiện đường thông, hè thoáng, dẹp bán hàng rong trên 62 tuyến phố và xung quanh 48 di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng và bị xử phạt bán hàng rong không đúng nơi quy định bắt đầu từ 1/7/2008, phong trào cấm đổ rác ra đường phố… nhưng do không có sự chỉ đạo quyết liệt, công tác kiểm tra bị buông lỏng nên hiệu quả thấp,  không như mong muốn.

Đến đây lại liên tưởng đến vụ xét, trao giải Top 100 sản phẩm an toàn vì sức khoẻ cộng đồng năm 2009 cho Công ty Vedan. Đây là công ty nhiều năm qua có hành vi xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đến nay vẫn chưa hoàn tất việc khắc phục các thiệt hại gây ra đối với môi trường và cộng đồng dân cư. Nhưng khi trao đổi với đại diện của Ban tổ chức Giải này cho Vedan thì nhận được câu trả lời: Ban tổ chức xét trao cho những sản phẩm đạt chất lượng về vệ sinh an toàn thực phẩm của Vedan chứ không phải trao cho Công ty Vedan. Tuy vậy, sau khi báo chí và dư luận nhân dân phản ứng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phải ra quyết định thu hồi giải thưởng này của Vedan và xử lý kỷ luật với các thành viên trong Ban tổ chức giải.

Vậy là đến nay đã có ít nhất 2 vụ trao giải thưởng, danh hiệu là chưa chuẩn xác khiến dư luận lên tiếng. Từ các vụ việc này, các bộ, ban, ngành, các địa phương, tổ chức đoàn thể, hiệp hội cần xiết chặt hơn nữa công tác xét trao giải sao cho thật xứng đáng, vừa là nguồn động viên không những ở đơn vị, địa phương mình vừa còn có tác dụng lan toả ra các đơn vị khác trong các ngành, địa phương khác./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên